Xây dựng một chính quyền gần dân, vì dân
Góp sức xây dựng một chính quyền thật sự thân thiện, gần dân, trọng dân và vì dân; việc triển khai thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang triển khai, phát huy sâu rộng, linh hoạt và hiệu quả.
Mô hình “Ngày thứ sáu tuần cuối tháng lắng nghe dân nói” tại huyện Châu Thành,tỉnh Hậu Giang.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang Thái Thu Xương chia sẻ: Việc triển khai thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được tôn trọng và phát huy sâu rộng, linh hoạt, thể hiện rõ nhất ở các lĩnh vực: bình xét hộ nghèo, tuyển chọn thanh niên nhập ngũ, kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, đóng góp xây dựng nhà tình thương, thực hiện các chính sách xã hội…
Đặc biệt, theo bà Thái Thu Xương, Mặt trận cơ sở đã lồng ghép và phát huy hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận chủ trì, phối hợp, nhất là Cuộc vận động ‘Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Qua tuyên truyền, vận động của Mặt trận, với tinh thần làm chủ nhân dân đóng góp nguồn lực, hiến đất, góp công xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường ... Đến nay toàn tỉnh có 189 tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu, 506/539 khu dân cư văn hóa, 175.646/193.336 gia đình văn hóa chiếm tỷ lệ 90,85%.
Đáng chú ý, Mặt trận đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình thiết thực để phát huy quyền làm chủ của nhân dân như: Mô hình “Ngày thứ sáu tuần cuối tháng lắng nghe dân nói” (huyện Châu Thành), mô hình “Đối thoại với người nghèo” (thị xã Ngã Bảy và TP Vị Thanh), mô hình “Đối thoại với đoàn viên, hội viên” của tỉnh và 8/8 huyện thị xã, thành phố... Ngoài ra, Mặt trận các cấp đã thường xuyên lắng nghe, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân thông qua Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, UB MTTQ và các tổ chức thành viên từng cấp. Hàng quý, Ban Thường trực UB MTTQ tỉnh có báo cáo về tình hình tư tưởng và ý kiến, kiến nghị của nhân dân gửi UB TƯMTTQ Việt Nam và Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Được sự chỉ đạo, đôn đốc của cấp có thẩm quyền, các cơ quan, đơn vị địa phương đã tiếp thu nghiên cứu trả lời thấu đáo và có biện pháp, hành động kịp thời đáp ứng nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Bà Thái Thu Xương thông tin: Mặt trận cũng thực hiện tốt vai trò giám sát trong xây dựng nông thôn mới, tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của nhân dân về kết quả xây dựng nông thôn mới tại 10 xã, với hơn 13.000 phiếu trực tiếp đến từng hộ dân, trong đó, có hơn 98% tổng số hộ đồng thuận. Tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của nhân dân về kết quả xây dựng huyện Châu Thành A đạt chuẩn nông thôn mới và TP Vị Thanh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới,với kết quả người dân hài lòng đạt trên 99,6%. Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận 29/53 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trên 54%), 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, công nhận 15/23 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị và 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2019 TP Vị Thanh và huyện Châu Thành A được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...Hậu Giang là địa phương dẫn đầu Đồng bằng sông Cửu Long về tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng qua giám sát đã kiến nghị 349 vụ việc, trong đó chính quyền cùng cấp xem xét, giải quyết 346 vụ việc.
Thực tế đã minh chứng nỗ lực của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang trong phối hợp triển khai thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bà Thái Thu Xương cho rằng: Người làm công tác Mặt trận các cấp tỉnh Hậu Giang xem đó là công việc thường xuyên, liên tục, và là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là lợi ích, hạnh phúc của người dân... và là thước đo cụ thể hiệu quả của các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận chủ trì, phối hợp.