Gỡ nút thắt cải cách tiền lương

Lê Minh Long 27/11/2019 07:11

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ- Trưởng ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh đến 2 giải pháp đột phá: Sắp xếp, tinh giản biên chế bộ máy; bố trí nguồn lực để cải cách tiền lương. Phó Thủ tướng cho biết, Trung ương đã quyết dành 40% phần vượt thu ngân sách Trung ương và 70% vượt thu ngân sách địa phương trong giai đoạn 2018 - 2020 để cải cách tiền lương mới từ năm 2021.

Mới đây, các đại biểu Quốc hội đã đồng thuận cao biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), thể chế hóa được yêu cầu của Nghị quyết Trung ương về độ tuổi nghỉ hưu và nhiều nội dung liên quan tới khu vực doanh nghiệp như tiền lương tối thiểu, hội đồng tiền lương, phương pháp trả lương... Chính phủ cũng chuẩn bị ban hành nghị định về thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng tại doanh nghiệp nhà nước.

Thực tế cho thấy qua nhiều giai đoạn dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước vẫn đặc biệt quan tâm đến chủ trương và chính sách cải cách tiền lương. Tuy nhiên chính sách tiền lương vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập với hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, chưa thu hút được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Từ năm 2021 chế độ tiền lương mới sẽ được áp dụng thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị. Chính vì vậy việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Để có thể sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ có thể tháo gỡ được “nút thắt” này khi mà việc xác định vị trí việc làm được thực hiện triệt để và thành công. Song để làm được điều này lại không hề dễ dù các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 và Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đều nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đặc biệt là tinh giản biên chế trên cơ sở xác định vị trí việc làm cho từng chức danh cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong từng cơ quan, đơn vị.

Rõ ràng chủ trương, chính sách đã có nhưng thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm biên chế là xác định vị trí việc làm đã nhiều lần được thực hiện nhưng không thành công. Và những câu chuyện nhìn thì thấy thừa nhưng khi tiến hành tinh giản thì lại không tìm thấy người dôi dư để cắt giảm không phải là hiếm. Đây chính là nút thắt cản trở trong việc tinh giản biên chế.

Không thể phủ nhận rằng chính sách tiền lương là một bộ phận quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt chính sách tiền lương khu vực nhà nước liên quan trực tiếp đến cuộc sống, công việc của hàng triệu người. Đây chính là một trong những nội dung quan trọng được nêu rõ tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Để bảo đảm cho các chính sách tiền lương thực hiện có hiệu quả theo mục tiêu đề ra, nhiều chuyên gia cho rằng, việc trả lương cho cán bộ, công chức cần dựa trên các yêu cầu theo vị trí việc làm, thông qua việc xây dựng hệ thống chức danh công việc hợp lý và so sánh với mức tiền công trên thị trường; xác định các yêu cầu về trình độ và khả năng của người lao động đối với từng vị trí việc làm để trả lương tương ứng… từ đó tạo ra động lực thực sự cho công chức làm việc và phấn đấu để có mức lương cao, xóa bỏ cơ chế tăng lương dựa chủ yếu vào thâm niên như hiện nay…

Theo PGS.TS Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) Nguyễn Minh Tuấn, một trong những nguyên nhân của tình trạng nhiều lần xác định vị trí việc làm không thành công là do nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền và cán bộ, công chức chưa nhất quán về vai trò của việc xác định vị trí việc làm. Nhận thức chưa đúng thì chưa tạo sự đồng thuận và thường là không tạo ra quyết tâm chính trị cao trong xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Cách làm đối phó, ngại va chạm, cốt cho xong, hiệu quả thấp là do không có mục tiêu cụ thể, không có kế hoạch tinh giản biên chế cụ thể và cũng chẳng có chế tài đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không thành công.

Cũng theo PGS Nguyễn Minh Tuấn, để giải quyết những “nút thắt” đối với việc xác định vị trí việc làm cần giải quyết đồng bộ, hiệu quả tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương trong những năm tới. Theo đó ban hành hệ thống bảng lương mới theo chức danh và chức vụ lãnh đạo, vị trí việc làm cho mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức với nhiều bậc lương và phụ cấp theo nghề.

Lê Minh Long