Tăng cường vai trò hòa giải viên

H.Vũ 27/11/2019 08:00

Ngày 26/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án. Đa số các ĐBQH đã đồng tình với sự cần thiết ban hành dự án luật khi không phải tòa tuyên ai thắng ai thua mà là tạo được cơ chế để người dân ngồi lại với nhau.

Tăng cường vai trò hòa giải viên

Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ngày 26/11. Ảnh: Quang Vinh.

Bổ sung thanh tra viên đã nghỉ hưu, người có uy tín

Vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm nằm ở quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên, đối thoại viên. ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, tiêu chuẩn lựa chọn hòa giải viên là luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới có thể được xem xét bổ nhiệm làm hòa giải viên, đối thoại viên là không hợp lý do đó chỉ nên quy định đủ tiêu chuẩn 5 năm công tác trong lĩnh vực pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế, nhất là những người có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tư pháp nay đã nghỉ hưu. Ông Tạo cũng đề nghị, cần bổ sung các thanh tra viên đã nghỉ hưu vào hòa giải viên vì họ là những người có kiến thức, kinh nghiệm trong giải quyết khiếu nại tố cáo.

ĐB Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) cũng cho rằng, việc lựa chọn hòa giải viên là những người có bề dày kinh nghiệm vốn công tác trong các lĩnh vực tư pháp đã nghỉ hưu sẽ không làm tăng biên chế, phát sinh thêm tổ chức bộ máy qua đó tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Là người từng tham gia hòa giải ở cơ sở, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng “Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”, việc phân tích điều hơn lẽ phải thuyết phục tư nguyện chấp hành sẽ giúp con người trở nên hiền hòa, nhân hậu bao dung hơn, tránh đưa ra tòa án để giải quyết. Theo ĐB Tạ Minh Tâm (Tiền Giang), cần cơ chế kiểm tra giám sát hòa giải viên để họ không được vi phạm pháp luật, công bằng cho cả 2 bên, không đi ngược với lợi ích của 1 bên.

Trong khi đó ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị, cần bổ sung những người có uy tín, già làng, trưởng bản vào trong đội ngũ hòa giải viên bởi họ là những người có uy tín, tiếng nói trong cộng đồng. Đặc biệt, đối với tiêu chuẩn lựa chọn các hòa giải viên là các luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác chỉ cần quy định là có kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác của mình mà không cần giới hạn phải đủ 10 năm kinh nghiệm.

Liên quan đến vấn đề trên, ĐB Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cũng cho rằng, những người có uy tín trong cộng đồng dùng uy tín của mình để thuyết phục các bên cho nên nếu yêu cầu phải có chứng chỉ sẽ rất khó để những người có uy tín có thể đáp ứng được. Vì vậy không nên đặt ra yêu cầu này.

Không nên thu phí hòa giải

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, hiện nay qua thí điểm chúng ta chưa thu phí hòa giải mà do ngân sách địa phương hỗ trợ. Tính bình quân chi cho 1 phiên tòa sơ thẩm là 5,5 triệu đồng, còn hòa giải là 1,2 triệu đồng, qua 40 nghìn vụ việc đã tiết kiệm cho ngân sách 132 tỷ đồng. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy họ không thu án phí, như Hàn Quốc thu chỉ bằng 1/10 án phí; còn Singapore không thu phí hòa giải, và qua khảo sát của Singapore cho thấy 94% cho rằng hòa giải tiết kiệm chi phí; 95% cho rằng tiết kiệm thời gian; và 97% cho biết sẽ giới thiệu cho người khác về mô hình hòa giải.

“Trong giải quyết án dân sự không phải ai thắng ai thua, vì khi không giải quyết được mới đưa ra tòa giải quyết, cho nên việc hòa giải đối thoại là phù hợp với hòa hiếu tình cảm của người dân Việt Nam, do đó chưa nên thu phí tại tòa”-bà Thủy cho hay.

Cùng chung quan điểm, theo ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) mô hình này đã thí điểm tại 16 tỉnh, qua sơ kết đã có hơn 78% thành công, qua thực hiện mô hình này đã làm tiết kiệm chi phí, không phát sinh thêm biên chế bộ máy, xã hội hóa nhằm tiết kiệm ngân sách nhà nước, nếu làm tốt sẽ thu hút được nguồn lực của xã hội, và tránh được tình trạng quá tải tại tòa án hiện nay. “Về kinh phí, Nhà nước không thu lệ phí vì quy định như vậy thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc giải quyết những bức xúc của xã hội”-ông Hùng nói.

ĐB Nguyễn Hữu Chính - Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội cho rằng, Nhà nước cần có trách nhiệm đảm bảo việc hòa giải, đối thoại thể hiện sự ưu việt của chế độ và cả hệ thống chính trị, tính nhân văn của pháp luật Việt Nam. Do đó chưa quy định thu phí hòa giải là phù hợp.

Qua thí điểm cho thấy hòa giải đối thoại đã giảm 80% chi phí so với chi phí chi cho mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, chưa kể giúp cho người dân giảm tiền chi phí đi lại khi phải đến tòa. Việc hòa giải đối thoại còn giúp giảm gánh nặng công việc cho Tòa án hiện nay vốn đang quá tải - ông Chính cho hay.

Giao Chính phủ lựa chọn nhà đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Chiều 26/11, với 90,06% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 1. Nghị quyết quyết nghị thông qua một số nội dung chủ yếu của Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 gồm: Đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; giao Chính phủ xem xét, quyết định tổng mức đầu tư của Dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng, quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan, bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và bảo đảm tổng mức đầu tư toàn bộ Dự án Cảng HKQT Long Thành không vượt tổng mức đầu tư theo Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25/ 6/2015 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án Cảng HKQT Long Thành; Chính phủ lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật bảo đảm quốc phòng, an ninh và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của quốc gia; bảo đảm sự quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng và sử dụng cho mục đích quân sự.

Cùng ngày, với 92,96% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi) với 92,13% ĐBQH tán thành. Đồng thời Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước với 94 % ĐBQH tán thành; biểu quyết thông qua Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước với 91,3% ĐBQH tán thành.

H.Vũ