Chia sẻ kinh nghiệm các vấn đề liên quan hiệp định đối tác kinh tế
Ngày 26/11, Đại học Luật TP HCM tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế, với chủ đề: “Thỏa thuận đối tác của các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương: Cấu trúc, tiêu chuẩn và thực thi”.
Tại hội thảo, các vấn đề liên quan hiệp định đối tác kinh tế giữa các nước được bàn luận sôi nổi nhằm tìm giải pháp cho những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến quan hệ đối tác kinh tế giữa các nước Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia châu Á Thái Bình Dương; hệ thống các hiệp định giữa các quốc gia ASEAN, nhóm các hiệp định thứ ba như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác toàn diện khu vực RCEP.
Với tham luận “Khái niệm về kinh tế thị trường và WTO”, GS. Christian DeBlock cho rằng Việt Nam đã tận dụng khá tốt cơ hội hội nhập và tham gia mạnh mẽ vào xu hướng phát triển chung của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, cũng theo GS DeBlock, sự khác biệt trong việc định nghĩa tính cạnh tranh của WTO và EU đã tạo nên những khó khăn nhất định trong quá trình giao thương.
Nhiều ý kiến tại Hội thảo chỉ ra thực trạng của các điều khoản hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững trong các hiệp định thương mại - đầu tư gần đây từ góc độ của quốc gia tiếp nhận đầu tư, qua đó đánh giá hiệu quả của các quy định này trong việc ban hành các quy định bảo vệ môi trường.
Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, việc Việt Nam tạo nhiều thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu thông qua các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, biểu thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam cũng thấp hơn hoặc tương đương với các quốc gia trong khu vực là những lợi thế rất lớn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Riêng Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) thời gian qua đã tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và là động lực thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ cao.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cảnh báo nếu doanh nghiệp trong nước không nhận thức rõ nguy cơ, sẽ phải chịu thiệt hại đối với các thủ tục kiểm soát, đặc biệt khi rơi vào tranh chấp, kiện tụng với đối tác nước ngoài.