Cưỡng chế kê biên tài sản để thi hành quyết định xử phạt hành chính
Ông Nguyễn Hưng Anh Kiệt hỏi: Đối với các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã quá 1 năm mà người vi phạm không nộp tiền thì có thể thực hiện biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản để thi hành quyết định xử phạt hành chính theo Nghị định 166/2013/NĐ-CP được không?
Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp trả lời:
Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:
“1. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện thuộc loại cấm lưu hành, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp cần thiết để bảo vệ môi trường, bảo đảm giao thông, xây dựng và an ninh trật tự, an toàn xã hội.
2. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn”.
Theo quy định trên, trong trường hợp đã quá 01 năm, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì không thi hành quyết định xử phạt đó nữa. Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì chỉ tịch thu tang vật, phương tiện thuộc loại cấm lưu hành, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp cần thiết để bảo vệ môi trường, bảo đảm giao thông, xây dựng và an ninh trật tự, an toàn xã hội mà không thi hành hình thức phạt tiền. Như vậy, đối với trường hợp này, cơ quan, người có thẩm quyền không áp dụng các biện pháp cưỡng chế (trong đó bao gồm biện pháp kê biên tài sản) theo quy định tại Nghị định số 166/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Trường hợp quyết định xử phạt đó vẫn còn thời hiệu thi hành theo quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 do cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thi hành quyết định xử phạt thì cơ quan, người có thẩm quyền có thể thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:
“1. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 của Luật này.
2. Các biện pháp cưỡng chế bao gồm:
a) Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;
b) Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;
c) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.
d) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này”.
Điều 3 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP quy định về nguyên tắc áp dụng như sau:
“1. Việc cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế bằng văn bản của người có thẩm quyền.
2. Việc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương.
3. Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo thứ tự quy định tại Khoản 2 Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính. Chỉ áp dụng các biện pháp tiếp theo khi không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế đó hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế”.
Như vậy, theo các quy định trên, người có thẩm quyền chỉ áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản của cá nhân, tổ chức vi phạm khi không thể áp dụng biện pháp khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc đã áp dụng biện pháp khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế.
Tóm lại, đối với các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã quá 1 năm mà người vi phạm không nộp tiền phạt thì chỉ thực hiện biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản để thi hành quyết định xử phạt hành chính theo Nghị định 166/2013/NĐ-CP khi thỏa mãn các điều kiện: (1) Quyết định xử phạt đó vẫn còn thời hiệu thi hành theo quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 do người vi phạm cố tình trốn tránh, trì hoãn thi hành và (2) Không thể áp dụng biện pháp khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của người vi phạm hoặc đã áp dụng biện pháp khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế.
(Bài viết có tính tham khảo)