Người Việt vẫn chủ yếu tiêu tiền mặt
Theo kết quả khảo sát, Việt Nam có tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt là 79% và không dùng tiền mặt là 21%, xếp hạng thứ 5 trong khu vực.
Hiện nay, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chủ yếu chỉ tập trung ở giới trẻ.
Ngày 28/11 tại TP HCM, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp tổ chức Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2019 (Vietnam Retail Banking Forum).
Sự kiện thu hút gần 500 lượt khách là các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các ngân hàng, các cơ quan quản lý nhà nước về ngân hàng, các chuyên gia trong và ngoài nước, các chuyên viên phụ trách phát triển dịch vụ bán lẻ và ngân hàng số của các ngân hàng lớn tại Việt Nam, các chuyên gia công nghệ thông tin và an ninh thông tin trong nước, quốc tế.
Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (World Bank), năm 2018 Việt Nam với 71,3 triệu người trưởng thành (trên 15 tuổi) và thu nhập bình quân đầu người đạt 2.062 USD vẫn thuộc các nước có thu nhập trung bình thấp. Kèm theo đó, tỷ lệ người dân có tài khoản cũng thấp, đặc biệt là người sống ở nông thôn, những người thu nhập thấp và phụ nữ.
Còn theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), số người có tài khoản ngân hàng hiện nay là 45,8 triệu/92,6 triệu dân, chiếm 63% dân số. Liên quan đến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tính đến hết tháng 9/2019, Việt Nam có 32 tổ chức không phải ngân hàng được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó phần lớn cung cấp dịch vụ ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu hộ chi hộ, chuyển tiền điện tử.
Các ngân hàng cũng tích cực đẩy mạnh hoạt động thanh toán trên nền tảng công nghệ mới, cụ thể có 24 ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán QR code (mã QR) với 50.000 điểm chấp nhận thanh toán QR code. Bên cạnh đó là 76 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 44 tổ chức triển khai qua di động.
Tổng lượng giao dịch 6 tháng đầu năm 2019 qua kênh internet đạt 204,2 triệu lượt, tăng 60,64% so với cùng kỳ; giá trị giao dịch đạt 9.506 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% (so với cùng kỳ); tổng lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 169,9 triệu lượt, tăng 109,5%, giá trị giao dịch đạt 1.761 nghìn tỷ đồng, tăng 160,5%.
Tại diễn đàn, các diễn giả đều nhìn nhận, tỷ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trên tổng mức bán lẻ hiện vẫn còn thấp, bản thân việc phát triển các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cũng còn hạn chế. Một phần là do hệ thống hạ tầng kỹ thuật tài chính chủ yếu tập trung tại các trung tâm, thành phố lớn và chưa vươn đến vùng khó khăn, lạc hậu. Ngoài ra, tỷ lệ vay mượn qua các tổ chức tài chính vẫn còn nhiều hình thức vay mượn không chính thức; tài chính kỹ thuật số chưa phát triển, số người sử dụng các dịch vụ tài chính số ở mức thấp.
Kết quả khảo sát Thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt tại 6 quốc gia ASEAN (gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia và Việt Nam) do IDG ASEAN thực hiện cho thấy, tỷ lệ thanh toán qua thẻ (Credit/Debit card) chiếm 38% tổng giao dịch, qua mobile banking chiếm 30% và qua ví điện tử (E-wallet) chiếm 28,4%. Tính trung bình cộng thì tỷ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tại 6 quốc gia ASEAN là 36% và dùng tiền mặt là 64%.
Theo kết quả khảo sát, Việt Nam có tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt là 79% và không dùng tiền mặt là 21%, xếp hạng thứ 5 trong khu vực.
Tại diễn đàn, lãnh đạo các ngân hàng, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm và khuyến nghị giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt liên quan đến các vấn đề về chiến lược, công nghệ, cách thức phát triển và xu hướng liên kết giữa các đơn vị thanh toán; thảo luận về các mô hình phát triển ngân hàng bán lẻ và dịch vụ tài chính cộng đồng.