Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa
Triều Tiên trong hôm 28/11 đã phóng 2 tên lửa, một động thái xuất hiện giữa lúc mà nước này đe dọa sẽ rút khỏi các vòng đàm phán hạt nhân trừ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra các bước đi nhượng bộ vào hạn chót là cuối năm nay.
Người dân Hàn Quốc theo dõi vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên. (Nguồn: Yonhap).
Vụ phóng mới nhất
Hai vật thể không xác định đã phóng đi vào lúc 16h59 (giờ địa phương) từ bờ biển phía Đông của Triều Tiên và bay về phía vùng biển nằm giữa nước này và Nhật Bản – quân đội Hàn Quốc cho hay, thêm rằng họ đang theo dõi sát sao tình hình để xem liệu Bình Nhưỡng có tiếp tục phóng thêm vật thể hay không.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản, trong khi đó, nói rằng có ít nhất 1 tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã được phóng về phía vùng biển thuộc lãnh hải của họ.
Động thái trên, có khả năng là vụ thử tên lửa, xuất hiện trong thời điểm gần 2 năm kể từ vụ thử mà trong đó chính quyền Bình Nhưỡng thử nghiệm một tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng phóng tới lãnh thổ Mỹ. Bình Nhưỡng kể từ sau đó đã tạm ngừng các vụ thử này để tạo điều kiện cho các hoạt động ngoại giao diễn ra.
Tuy nhiên, đến tháng 5 năm nay, Triều Tiên bất ngờ nối lại các vụ thử tên lửa, và tính đến thời điểm này đã phóng thử hàng chục tên lửa – phần lớn trong số này là tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Khoảng thời gian mà Bình Nhưỡng ngừng thử nghiệm tên lửa đã tạo điều kiện cho hoạt động ngoại giao chưa từng có tiền lệ với phía Mỹ, dọn đường cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên tổ chức tại Singapore hồi năm ngoái, lần hai tại Việt Nam và một cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước tại khu phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Kim Jong-un và ông Trump vẫn chưa đưa ra nhiều đề xuất trong các vòng đàm phán của họ, trong khi Mỹ và Hàn Quốc không thể đạt sự đồng thuận trong các vòng đàm phán phi hạt nhân hóa.
Kể từ khi các vòng đàm phán bắt đầu, chính quyền Bình Nhưỡng vẫn tiếp phát triển công nghệ tên lửa mới và tăng cường sản xuất vật liệu hạt nhân. Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách của Lầu Năm Góc, giới chuyên gia quân sự hết sức quan ngại.
Loạt vụ thử nghiệm tên lửa tầm ngắn trong những tháng gần đây mà Triều Tiên thực hiện thực tế đã giúp cải thiện khả năng chế tạo các tên lửa đạn đạo vận hành bằng nhiên liệu rắn của nước này. Các tên lửa nhiên liệu rắn có ưu điểm hơn so với các loại tên lửa chạy bằng nhiên liệu lỏng.
Lâm thế bế tắc
Tổng thống Trump đến thời điểm này vẫn ngoảnh mặt cho qua các vụ thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên, cho rằng họ không vi phạm điều gì khi chỉ thử nghiệm tên lửa tầm ngắn. Tuy nhiên, Nhật Bản và nhiều nước khác cho rằng các vụ thử này vi phạm Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, thêm rằng chính quyền Bình Nhưỡng có thể tiếp tục phát triển chương trình vũ khí của họ.
“Triều Tiên hiện xem ông Trump như một con tin chính trị và nhận thấy rằng lãnh đạo Mỹ đang ở một vị trí có thể toàn quyền quyết định về các điều khoản trong thỏa thuận tương lai” – Chun Yungwoo, cựu thành viên trong phái đoàn đàm phán về giải giáp hạt nhân với Triều Tiên, nhận định.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un từng đưa ra “thời hạn chót” vào thời điểm cuối năm nay để Tổng thống Trump gỡ bỏ hết các lệnh cấm vận nhằm vào nước này. Trong những tuần gần đây, giới truyền thông Triều Tiên cũng dẫn lại lời ông Kim cho thấy nhà lãnh đạo này tỏ ra hết sức bất bình trước sự không linh hoạt của phía Mỹ trong đàm phán.
Đội ngũ đàm phán của Tổng thống Trump thì cho rằng Triều Tiên chỉ có thể nhận được “phần thưởng” một khi mà họ hoàn toàn từ bỏ vũ khí hạt nhân – một động thái mà Bình Nhưỡng coi là hành động không khác gì “tự sát về mặt chính trị”.
“Chúng tôi, hiện chưa nhận được thứ gì, và đã trao nhiều thứ cho Tổng thống Mỹ, thế nhưng phía Mỹ chưa có lấy một bước đi tương xứng nào” – một phát ngôn viên thuộc Ủy ban Các vấn đề nhà nước Triều Tiên nói hồi đầu tháng này, thêm rằng Mỹ sẽ phải đối mặt với “mối đe dọa lớn hơn” nếu họ không làm gì cả.