Xuất khẩu rau, củ, quả sang Trung Quốc: Nắm rõ thông tin để tiếp cận chính ngạch
Thời gian gần đây, do đường tiểu ngạch bị siết lại nên xuất khẩu rau, củ, quả sang thị trường Trung Quốc giảm khá mạnh. Mặc dù vậy, đây vẫn là thị trường có nhu cầu nhập khẩu lớn các sản phẩm rau, củ, quả của Việt Nam. Bởi vậy, ngay lúc này các DN cần nắm bắt thông tin để tăng xuất khẩu chính ngạch.
Dưa hấu là 1 trong 9 loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Ngành rau quả sụt giảm xuất khẩu
Ngành rau quả xuất khẩu trong 10 tháng qua không khả quan. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu rau quả chỉ đạt khoảng hơn 2,82 tỷ USD, giảm hơn 5,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Sở dĩ có tình trạng kim ngạch xuất khẩu rau quả giảm là do, xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc đã giảm sâu trong thời gian qua. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Trung Quốc vẫn luôn là thị trường có nhu cầu cao nhập khẩu hàng nông sản từ Việt Nam. Tuy nhiên, việc Trung Quốc siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch đã gây ra những biến động đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó phải kể đến ngành hàng rau củ quả.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), hiện nay mới có 9 loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc bao gồm: Thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối, mít và măng cụt. Để thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường này, Việt Nam đang tiếp tục đề xuất mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch các loại trái cây tươi khác sang Trung Quốc như sầu riêng, chanh leo, bưởi, bơ, dừa, roi, na, chanh.
Trong bức tranh xuất khẩu rau quả năm 2019, có thể thấy, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính các sản phẩm của ngành hàng này. Bởi vậy, việc một thị trường chiếm hơn 70% thị phần, siết chặt biên mậu, đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc và tăng cường quản lý chất lượng đã có những ảnh hưởng không nhỏ đối với xuất khẩu của Việt Nam. Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, do đã quen làm ăn tiểu ngạch nên rất nhiều DN Việt trở nên lúng túng trước các tiêu chuẩn, quy chuẩn mà Trung Quốc đưa ra khi siết khâu tiểu ngạch và chỉ cho xuất khẩu chính ngạch.
“Kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong quý I/2019 đã giảm gần 18% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đặt ra vấn đề lớn, đó là nếu chỉ còn con đường xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thì nông sản Việt cần có giải pháp gì để thích ứng và phát triển bền vững. Với những nông sản chưa được xuất khẩu chính ngạch mà xuất khẩu tiểu ngạch gần như bị dừng lại” - Cục Xuất – Nhập khẩu nhận định.
Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch
Cũng vì thị trường này siết chặt tiểu ngạch nên từ đầu năm tới nay, một số địa phương thu hoạch khoai lang, dứa đã gặp khó khăn vì thương lái Trung Quốc không thu mua. Gần đây nhất, có tình trạng sản phẩm dứa của tỉnh Lào Cai đã không bán được sang Trung Quốc vì mặt hàng này chưa có trong danh sách được nhập khẩu. Hay tình trạng một số lô hàng sầu riêng từ Miền Tây sang biên giới phải quay đầu về bán nội địa cũng bởi lý do liên quan đến việc siết nhập tiểu ngạch. Riêng quả vải thì theo quy định mới sẽ không được để lẫn lộn với lá và cuống dài không quá 15cm.
Theo nhận định của giới chuyên gia ngành nông nghiệp, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực rau quả, nông sản. Bởi vậy, với những yêu cầu từ phía Trung Quốc đưa ra, các DN Việt Nam cần tuân thủ những điều kiện, quy định để hướng đến xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây là yếu tố cần thiết để hướng đến phát triển bền vững.
Tuy nhiên, việc đàm phán cần phải mất một thời gian khá dài, điển hình để đàm phán cho một loại trái cây có thể mất cả một thập kỷ, bởi đó là sự hội tụ chín muồi của cả hai bên về mặt sản xuất, về mặt canh tác, về mặt điều kiện sản phẩm, về mặt tiêu chuẩn chất lượng để đạt một sự đồng thuận và đồng bộ từ khâu gieo trồng, sản xuất, lưu thông, chế biến và đến tay người tiêu dùng. Do đó, Cục Xuất – Nhập khẩu cho rằng, những yêu cầu cơ bản nhất cần lưu ý đó là sản phẩm nông sản xuất khẩu cần có truy xuất, đăng kí vùng trồng; có đăng ký các nhà sản xuất bao gói; có ghi nhãn, thậm chí hiện nay một số doanh nghiệp Trung Quốc yêu cầu đóng nhãn vào bao bì.
Hiện nay, với 9 loại trái cây xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, đã có 1.200 mã số vùng trồng được cấp, có khoảng 564 cơ sở sản xuất đã được Trung Quốc đồng ý. Cùng với vải, dưa hấu cũng đang được thắt chặt yêu cầu nhập khẩu chính ngạch với quy định cao hơn về bao bì. Cụ thể là từ ngày 1/5/2019, dưa hấu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải dùng xốp lưới; mít dùng giấy dai Kraft, bao bì có in thông tin truy xuất; chuối dùng thùng giấy, túi nhựa để bọc trái đều phải in truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, công nghệ bảo quản trái cây đảm bảo hàng được tươi ngon khi đi đường bộ từ các vùng trồng qua Trung Quốc là vô cùng quan trọng. Trong năm 2018 trong gần 4 tỉ USD giá trị xuất khẩu của ngành rau quả thì xuất sang thị trường Trung Quốc đã đạt 2,8 tỉ USD, chiếm 78% tỉ trọng xuât khẩu. Theo ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), con đường xuất khẩu chính ngạch sẽ là con đường bền vững để nông sản Việt Nam thay đổi về mọi mặt.