Trồng dưa lưới tại nhà

Lê Văn Hán 02/12/2019 08:00

Dưa lưới, hiểu đơn giản là loại dưa trồng theo phương thức mới, an toàn, cho hiệu quả kinh tế cao. Tới nay, cách trồng dưa lưới đã khá phổ biến ở một số địa phương. Tuy nhiên, cũng không phải ai cũng nắm vững kĩ thuật trồng dưa lưới.

Trồng dưa lưới tại nhà

Dưa lưới.

Tại xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, một số hộ nông dân đã chuyển đổi diện tích sản xuất lúa sang trồng dưa lưới trong nhà màng theo hướng an toàn. Chỉ một thời gian ngắn thử nghiệm, sản phẩm dưa lưới ở đây đã được thị trường đón nhận do trái đẹp, đồng đều và đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, cái khó nhất chính là nguồn vốn đầu tư ban đầu. Cụ thể, nếu đầu tư nhà màng khép kín trồng hơn 3.000 gốc dưa lưới trên diện tích 2.800m2, có hệ thống phun tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel; cùng với xây dựng hệ thống nhà ươm cây giống, chứa vật tư, thay giá thể... thì tổng kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng. Do đó, không phải hộ nông dân nào cũng làm được. Từ đó phải thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác thì mới bảo đảm nguồn vốn cũng như đầu ra của trái dưa sau thu hoạch.

Mỗi vụ dưa lưới kéo dài khoảng 70 ngày thì thu hoạch, mỗi trái nặng từ 1 đến 1,2kg.

Dưa lưới được trồng trong hệ thống nhà màng không có sâu bệnh nên không cần sử dụng thuốc hóa học, điều đó được người tiêu dùng chấp nhận nên bán dễ, giá bán cao, lợi nhuận thu được nhiều hơn so với cách trồng dưa cũ. Đáng chú ý, nếu quay vòng nhanh thì mỗi năm có thể trồng từ 3 đến 4 vụ.

Để bà con nông dân hiểu rõ hơn về cây dưa lưới nhà màng, xin được giới thiệu một số điểm căn bản trong kĩ thuật trồng, chăm sóc; chủ yếu với những hộ gia đình không có đất canh tác mà tận dụng ban công, sân thượng ngay trong nhà mình.

Trước hết, đất trồng cần phải sạch, dùng phân trùn quế, dịch trùn quế, chậu trồng, xơ dừa. Những loại đất này có thể mua tại các vựa cây cảnh hoặc các cửa hàng hạt giống dưa lưới.

Kỹ thuật trồng: Có thể áp dụng bằng cách gieo hạt. Hạt được gieo vào chậu đất đã chuẩn bị kỹ. Sau 1-2 ngày, hạt sẽ tự nảy mầm. Trong giai đoạn này, không nên tưới nhiều sẽ khiến úng hạt không nảy mầm. Đất ươm hạt thường trộn thên phân trùn hoặc phân chuồng mục để bổ sung thêm dinh dưỡng cho hạt nhanh nảy mầm. Sau vài ngày thấy cây ra lá thật thì mới đem trồng vào thùng lớn.

Kỹ thuật chăm sóc: Chăm sóc cây dưa lưới không cần quá cầu kỳ, tốn ít thời gian. Trong thời kì cây con, không cần tưới nhiều mà chờ khi cây ra 3-4 lá thì mới pha dung dịch tưới từ 0,5 – 0,8 lít/ngày cho cây. Cần phải tưới thường xuyên để giữ độ ẩm cho cây phát triển tốt nhưng tránh để cây bị úng nước. Khi cây dưa lưới phát triển được 4-5 lá, có thể đóng cọc cho cây leo lên hoặc lấy dây ni lông buộc nhẹ vào hàng rào ban công để cây có thể bám vào phát triển tốt. Còn nếu muốn trồng lâu dài thì đầu tư một giàn leo bằng lưới sắt đảm bảo cho cây phát triển mạnh, ra nhiều hoa, đậu nhiều quả.

Kỹ thuật cắt tỉa lá và bấm ngọn: Muốn cho cây tiếp tục ra hoa và đậu quả, chỉ cần ngắt hết những chiếc lá dưới gốc cây. Cho đến khi cây ra khoảng 8 đến 10 lá hãy để nhánh đó lại. Khi đó, nách lá đầu tiên ra hoa cái. Khi nhánh phát triển dài ra, cần tiếp tục bấm ngọn, chỉ nên để lại 1 hoa cái và 1 lá cạnh bông hoa cái đó, từ đây hoa sẽ nở và đậu quả.

Lê Văn Hán