Đoàn kết - Vững bền
Năm 1942, để cổ vũ, động viên đồng bào cả nước tham gia Mặt trận Việt Minh, cùng nhau đứng lên đánh đuổi đế quốc Nhật và thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc, Bác Hồ đã kêu gọi toàn dân: “Hỡi ai con cháu Rồng Tiên/ Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau”. Lời hiệu triệu đoàn kết năm xưa của người vẫn âm vang cùng non sông, đất nước, nhất là trong không khí của những Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc nhân kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2019).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn dự Ngày hội Đại đoàn kết với bà con nhân dân ấp Sóc Chà B, xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh (Ảnh: Quốc Trung ).
Cứ đến tháng 11, khu dân cư phường Điện Biên, Ba Đình, TP. Hà Nội cũng như hơn 100 ngàn khu dân cư trên cả nước đều náo nức chuẩn bị cho sự kiện Ngày hội Đại đoàn kết. Trong bộn bề công việc, vậy mà chưa khi nào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vắng mặt trong ngày hội của phường Điện Biên. Thủ tướng cho rằng, đây là một dịp rất ý nghĩa để những người cán bộ như ông, lắng nghe ý kiến nhân dân vì “Đảng gắn với dân, phục vụ nhân dân”. Chính sự sát sao, gần gụi ấy, dịp Ngày hội Đại đoàn kết năm nay, điều mà người đứng đầu Chính phủ bày tỏ vui mừng khi nhận thấy trước các bước tiến của Thủ đô, nhất là đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét, trong đó tỷ lệ hộ nghèo của thành phố 10 triệu dân chỉ còn 0,51% thì phường Điện Biên đã không còn hộ nghèo nào. “Mấy năm trước, tại Ngày hội Đại đoàn kết của phường luôn có hộ nghèo lên nhận quà nhưng năm nay, không còn hộ nghèo. Đây là điều đáng mừng cho nên chúng ta phải làm sao thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, thành thị và nông thôn” -Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ. Nhưng điều đáng mừng hơn cả - theo Thủ tướng - chính là tinh thần đoàn kết của phường Điện Biên, trên dưới một lòng, mọi việc đều bàn bạc thống nhất, hành động quyết liệt. Vai trò lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết thống nhất đã lan tỏa trong nhân dân, nhờ đó cán bộ lãnh đạo phường có uy tín với nhân dân. Vì phường là cấp cơ sở làm việc, liên quan trực tiếp với người dân. Do vậy, chính quyền cơ sở mạnh thì thành phố mới mạnh và Trung ương mới mạnh.
Kinh nghiệm đã chỉ ra rằng, có những việc tưởng chừng rất nhỏ nhưng nếu không được giải quyết rốt ráo từ mỗi địa bàn cơ sở, việc nhỏ sẽ “góp gió thành bão” khiến lòng dân “dậy sóng”, địa bàn không thể yên ổn.
Nếu địa bàn dân cư yên ổn, phát huy được dân chủ, người dân chung tay đóng góp thì lòng tin của người dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng được tăng cường. Vì mục tiêu dân chủ hiện nay là tạo được lòng tin của người dân, gần dân, hiểu dân, nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Lắng nghe và tập hợp ý kiến, nguyện vọng chính đáng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân cũng là điều mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh với đội ngũ những người làm công tác Mặt trận và đông đảo bà con ấp Sóc Chà B, xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh trong Ngày hội Đại đoàn kết. Người đứng đầu Quốc hội cũng cho rằng, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam hằng năm, sau 16 năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa, đưa công tác Mặt trận gắn liền với cộng đồng dân cư. Đây là dịp để các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, lãnh đạo các Bộ ban ngành từ Trung ương đến địa phương trở về với dân. Hoà chung một chén rượu nồng, bắt nhịp một bài ca, kết nối tình thân chan chứa, Ngày hội đã trở thành nơi hội tụ của lòng dân.
16 năm trước, ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04 về việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết định lấy ngày 18/11 hằng năm là Ngày hội Đại đoàn kết ở các cộng đồng dân cư. Mục đích ban đầu của ngày hội là ôn lại truyền thống của MTTQ Việt Nam, là dịp để báo cáo những kết quả hoạt động của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nhưng sau 16 năm, ngày hội đã không chỉ còn là đợt sinh hoạt mang tính định kỳ, nhỏ lẻ của một số người tích cực trong hoạt động xã hội, mà trở thành nơi cố kết cộng đồng, nơi sẻ chia của tình làng nghĩa xóm, nơi bạn bè thân hữu gặp gỡ, nơi để người lãnh đạo được trở về với dân. Từ thực tế cho thấy, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết càng thêm ý nghĩa hơn khi có sự đồng thuận của lòng dân, lấy tinh thần đoàn kết ngày hội để giải quyết nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống thường ngày, thể hiện rõ sự gắn kết cộng đồng, những bất hòa mâu thuẫn trong làng xóm được giải tỏa, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt…
Bức tranh hội tụ ấy chính là biểu hiện sinh động nhất biểu dương cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện rõ tính đúng đắn, ý nghĩa chính trị, xã hội một cách sâu sắc về chủ trương thực hiện. Chính vì vậy, tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết đã trở thành nhiệm vụ quan trọng trong công tác Mặt trận.
Theo ông Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam - chủ trương tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam từ năm 2003 đến nay luôn luôn được Mặt trận các cấp triển khai có hiệu quả, tạo ra một diễn đàn dân chủ của hơn 100 ngàn khu dân cư trong cả nước. Trên cương vị là người đứng đầu MTTQ Việt Nam, ông Trần Thanh Mẫn chia sẻ sự xúc động khi mỗi lần về với khu dân cư trong Ngày hội Đại đoàn kết là thêm một lần cảm nhận được sự hân hoan, hồ hởi, rạng rỡ trên từng gương mặt từ em nhỏ cho đến các cụ già. “Ngày hội chính là cầu nối để nhân dân ở các khu dân cư tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, tạo sự đồng lòng, nhất trí để đưa mọi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận phát động cùng đi đến thắng lợi” - Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Sứ mệnh gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc đã trao cho Mặt trận vai trò và sức mạnh to lớn trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh mà lịch sử 89 năm qua đã minh chứng.
Đoàn kết trong Mặt trận Liên -Việt, nhân dân ta đã kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và không ngừng lớn mạnh trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam.
Đoàn kết trong MTTQ Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình Việt Nam, nhân dân ta đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử vẻ vang giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước.
Ở giai đoạn hiện nay, Mặt trận tiếp tục là trung tâm đoàn kết, tuyên truyền, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng thực hiện các mục tiêu, lý tưởng của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.
Phát biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam” tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - một không gian sinh động, nơi giới thiệu, bảo tồn di sản văn hóa của 54 dân tộc anh em vào đúng ngày 18/11 năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định: MTTQ Việt Nam là biểu tượng của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, cầu nối tin cậy giữa nhân dân với các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ mong muốn: một trong những nhiệm vụ tiên quyết của Mặt trận cần làm là tiếp tục giương cao ngọn cờ tập hợp Đại đoàn kết toàn dân tộc để Tổ quốc ta, nhân dân ta đi tới được bến bờ thành công và thịnh vượng, để đồng bào 54 dân tộc anh em không kể miền xuôi hay miền ngược phát triển đồng đều, không ai bị bỏ lại phía sau. Theo Thủ tướng, nguồn lực lớn nhất của Tổ quốc chính là gần 100 triệu đồng bào trong và ngoài nước thuộc 54 dân tộc anh em. Truyền thống Đại đoàn kết, trên dưới một lòng đã làm nên một sức mạnh vô bờ bến không chỉ trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giữ gìn non sông, bờ cõi trước đây mà còn đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi nguy cơ tụt hậu trong phát triển, thoát bẫy thu nhập trung bình ngày nay. “Vì vậy, chúng ta cần phải tiếp tục đoàn kết, không ngừng khơi dậy khát vọng và ý chí, lòng tự hào và tự tôn dân tộc trong toàn dân; khai thác hết những tiềm năng, thế mạnh trong dân để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đưa đất nước ta vững bước trên con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn” -Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Và còn vì một chân lý đã được đúc kết: Có đoàn kết thì mới có vững bền.