Nghệ sĩ trẻ của thế hệ mới, độc lập và đa dạng
MAP (tên đầy đủ: Tháng Thực hành Nghệ thuật) là dự án nghệ thuật hàng năm được khởi xướng bởi nghệ sĩ Trần Trọng Vũ từ năm 2015. Ban Tổ chức cho biết: “MAP được vận hành với mục đích tạo dựng một không gian nuôi dưỡng sự sáng tạo và phát triển của nghệ thuật đương đại dựa trên sự hợp tác, trao đổi tri thức, kinh nghiệm thực hành nghệ thuật trong và ngoài nước”. MAP 2019 được tài trợ của Dự án Không gian Văn hóa và Sáng tạo Việt Nam, do Liên minh Châu Âu và Hội đồng Anh đồng tài trợ, đồng thời nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ Hàn Quốc, phân viện Goethe Việt Nam tại Hà Nội.
Một số tác phẩm trong dự án MAP.
Họa sĩ Trần Trọng Vũ đã khởi ý sáng tạo ra MAP bắt đầu từ đâu?
- MAP ra đời trong bối cảnh của đào tạo nghệ thuật ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, dù nghệ thuật mới đã cắm rễ và phát triển ở bản địa hơn 25 năm. Với bối cảnh đó, MAP xác định hai mục tiêu chính theo đuổi:
Một là, kiến tạo một nền tảng dành cho nghệ thuật đương đại chú trọng vào các mục tiêu: thực hành các thử nghiệm sáng tạo mới, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm làm việc trong môi trường đương đại với người tham gia là các nghệ sĩ giàu kinh nghiệm từ nước ngoài và các nghệ sĩ thế hệ mới nội địa.
Hai là, trao đến nhiều cơ hội cho công chúng để tiếp cận trực diện và thấu suốt những vận động của đời sống nghệ thuật trong nước và quốc tế. Thông qua đó, họ có cơ hội được nhìn nghệ thuật từ nhiều phương diện hơn: quá trình sáng tạo, quá trình sản xuất, quá trình tư duy, hay tiếp cận tác phẩm nghệ thuật từ cấu trúc bên trong, hơn là cách tiếp nhận nghệ thuật thông thường như đến bảo tàng hay phòng triển lãm xem các tác phẩm bày ở đó mà không hiểu chúng đến từ đâu, được tạo ra như thế nào và vì mục đích gì hay đem lại thông điệp gì.
Nói thêm là, MAP ra đời với mục đích tạo nên một không gian làm việc hiếm có, ở đấy các nghệ sĩ trẻ trong nước được tiếp cận một cách trực tiếp nhất với những phương pháp làm việc khác nhau của nhiều nghệ sĩ đã có kinh nghiệm, đến từ nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa khác nhau. Và phần nào bù đắp những thiếu hụt của hệ thống sản sinh và thụ hưởng văn hóa nghệ thuật nội địa.
Làm thế nào để kết nối các tác phẩm nghệ thuật đương đại với mỗi vấn đề bối cảnh xã hội chung và tác động được đến người xem?
- Giáo dục nghệ thuật đòi hỏi nhiều cố gắng của Chính phủ, không có cách nào khác là tạo điều kiện cho công chúng được tiếp cận liên tục với nghệ thuật. Nghệ thuật chứ không phải chỉ giới hạn trong nghệ thuật đương đại đâu nhé. Câu hỏi đặt ra có phải nghệ thuật hoặc nghệ thuật đương đại phải được kết nối với một hoặc vài vấn đề xã hội? Có phải sứ mệnh của nghệ thuật là phản ánh một hoặc nhiều vấn đề ấy? Ngược lại chúng tôi thấy vấn đề là tại sao người xem và công chúng chưa nhìn ra được yếu tố xã hội trong tác phẩm nghệ thuật? Tại sao họ chưa bị tác động bởi sức mạnh của nghệ thuật, biết cảm thụ và biết ơn nghệ thuật?
Một thực tế hiển nhiên là công chúng còn quá ít cơ hội tiếp xúc và trải nghiệm với nghệ thuật. Giáo dục nghệ thuật chỉ là một phần, ngoài ra những nền tảng hay cơ sở hạ tầng khác dành cho văn hóa nghệ thuật vẫn khuyết thiếu hay lạc hậu. Bảo tàng, phòng triển lãm, sân khấu, các mô hình hỗ trợ trình diễn nghệ thuật với công chúng chưa thấy có những thay đổi đáng kể cả về vật chất và cách thức vận hành. Chúng ta mong muốn nghệ thuật tác động đến người xem, nhưng chúng ta chưa tạo ra cơ hội để điều đó xảy ra trong đời sống.
Hoạt động đầu tiên của MAP từ năm 2015 đã diễn ra như thế nào?
- MAP 2015 lấy đề tài “Chuyển động Brown” ít nhiều có gắn liền với hiện thực Hà Nội. Nếu các nghệ sĩ quốc tế được tuyển lựa kỹ lưỡng thì các nghệ sĩ trẻ Việt Nam hầu như không cần phải đã từng thực hành nghệ thuật ý niệm hay nghệ thuật đa phương tiện… Ngay từ MAP 2015 đã có mô hình giống như một lớp học mở cho tất cả những ai muốn học hỏi và thử thách mình trong những ngôn ngữ nghệ thuật khác. Một số nghệ sĩ, lần đầu tiên, đã thấy tranh vẽ của họ bị cắt nhỏ như những phân tử và những phân tử này chuyển vị trí trong phòng trưng bày, giống như chuyển động Brown, giống như chuyển động của Hà Nội… Khi MAP 2015 kết thúc, chuyển động Brown cũng kết thúc và các mảnh nhỏ của tranh vẽ lại trở về xưởng họa cá nhân, trong những trật tự ban đầu.
Nhà quản lý nghệ thuật Nguyễn Anh Tuấn đã bắt đầu vai trò là giám đốc nghệ thuật của chương trình ra sao?
- Khi tôi được mời làm quản lý và điều hành Heritage Space từ đầu năm 2016, tôi và anh Trần Trọng Vũ bắt đầu trao đổi để tiếp tục thực hiện dự án. MAP đã ra đời một năm trước khi tôi tới với Heritage Space, và đã có cách thức vận hành, chương trình hoạt động tương đối rõ ràng. Tôi chỉ tiếp tục thực hiện tiếp những gì như nó đang có và điều chỉnh, bổ sung hay thay đổi một số cách thức làm việc để hiệu quả hơn qua từng năm sau.
Để thực hiện được, các anh đã phải làm những gì?
- Làm một dự án nghệ thuật đồng nghĩa với việc đó là dự án phi lợi nhuận và tốn kém, nhưng không có nguồn thu. Việc đầu tiên của dự án là phải đi thuyết phục các nhà tài trợ để có được ngân sách cần thiết. Tài trợ, không chỉ để lấy tiền làm việc riêng của mình, mà chúng tôi cố gắng tạo được những đối thoại với họ, để đưa họ chia sẻ về mục đích và tầm nhìn chung về văn hóa và nghệ thuật đương đại. Đó là sự hợp tác và cộng hưởng nhau về khả năng và nguồn lực, không chỉ là mối quan hệ cho - nhận thuần túy. Sau đó là việc chọn và mời các nghệ sĩ Việt Nam và nước ngoài tham gia. Câu hỏi luôn là làm thế nào để tìm được những nghệ sĩ trẻ, ham mê nghệ thuật và thực sự mong muốn có được sự thay đổi cho bản thân, dấn thân với nghệ thuật; đồng thời làm thế nào để tìm được những nghệ sĩ nước ngoài giàu kinh nghiệm, cởi mở và sẵn sàng tới Việt Nam làm việc. Khi qua hai bước nói trên, mọi công việc còn lại chỉ là vận hành theo những chương trình đã đặt ra.
Mục đích ý nghĩa của MAP, thưa hai anh?
- Chúng tôi mong muốn cùng với các nghệ sĩ tạo ra một trường học ở đó không có giảng viên, không có học trò, tất cả những nghệ sĩ tham gia đều với tư cách đồng nghiệp. Họ trao đổi và học hỏi cùng nhau. Họ làm việc bên cạnh nhau trong cùng một không gian, chia sẻ cùng một chủ đề và cùng một điều kiện sinh hoạt và làm việc. Các nghệ sĩ trẻ Việt Nam sẽ nhận được những kiến thức cụ thể về nghệ thuật đương đại trên thế giới, họ sẽ thu được những bài học thực hành về trách nhiệm và thái độ của người nghệ sĩ trong thời đại ngày nay. Các nghệ sĩ đến từ các đất nước khác cũng nhận được nhiều kinh nghiệm mới trong những điều kiện làm việc và sinh hoạt không phải của họ, trong những xung đột văn hóa không thể tránh khỏi. Đồng thời, chúng tôi cũng hy vọng từ MAP sẽ trao đến nhiều cơ hội cho công chúng để tiếp cận trực diện và thấu suốt những vận động của đời sống nghệ thuật trong nước và quốc tế. Thông qua đó, họ có cơ hội được nhìn nghệ thuật từ phương diện tính ứng dụng - tính có ích - trong tương tác và những đóng góp cho cộng đồng. Chúng tôi hy vọng thúc đẩy sự kiến tạo những vùng không gian và va chạm trong nhận thức và hành vi xã hội để sản sinh những xung lực cho sự phát triển của nghệ thuật nói riêng, và các mục tiêu phát triển bền vững xã hội nói chung.
Việc tuyển chọn nghệ sĩ Việt Nam tham dự cần những yêu cầu cụ thể gì?
- Khi chọn các nghệ sĩ trẻ, chúng tôi mong muốn được gặp các bạn trẻ thực sự bộc lộ nhu cầu biểu đạt bằng nghệ thuật, mong muốn được thay đổi chính mình. Họ có thể là những người rất trẻ, ít kinh nghiệm thực hành và làm việc trong môi trường nghệ thuật và xã hội, nhưng thực sự dấn thân và yêu nghệ thuật. Chúng tôi muốn rằng sau 5-10 năm nữa họ sẽ trở thành những nghệ sĩ của thế hệ mới, độc lập và đa dạng. Do vậy, chúng tôi thường sẽ gặp gỡ và trò chuyện với các bạn trẻ, hiểu về họ để rồi mời họ tham gia dự án. Một trong những cách thức tuyển và mời nghệ sĩ tham gia dự án là chúng tôi được sự giới thiệu của bạn bè từ những trung tâm và nhóm nghệ sĩ nhiều nơi, như Nhà Sàn Collective, Six Space, Doclab, cộng đồng nghệ sĩ ở Huế và TPHCM. Chúng tôi không thể biết hết được các nghệ sĩ trẻ làm việc ở nhiều lĩnh vực sáng tạo và ở các địa phương khác nhau, do đó, việc đề cử qua những đồng nghiệp ở nhiều nơi trở nên hiệu quả và đảm bảo.
Các nghệ sĩ Việt Nam mà các anh đã tuyển chọn, tác phẩm của họ ra sao và tác động đến công chúng như thế nào?
- Khó để có thể trả lời một cách chủ quan là tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam đều hay, hấp dẫn và tác động tốt với công chúng. Nhưng chúng tôi luôn thấy mỗi năm khi triển lãm MAP mở ra, có rất nhiều bạn trẻ tới để xem và trò chuyện với nghệ sĩ. Như vậy, những người trẻ ít nhiều đã và đang tìm được cách thức chia sẻ cảm xúc, đối thoại và kết nối với nhau qua ngôn ngữ nghệ thuật. Trong dự án MAP, chúng tôi luôn có được rất nhiều bạn trẻ tới làm tình nguyện viên, trung bình từ 30-35 bạn làm việc trong mỗi đợt. Họ tới để được hiểu, được trò chuyện với các nghệ sĩ về nghệ thuật và cuộc sống, được xem, được cùng nghệ sĩ làm tác phẩm và hỗ trợ trong cả quá trình dàn dựng triển lãm. Có một số lượng không nhỏ các tình nguyện viên sau dự án vẫn tiếp tục làm việc với Heritage Space, trở thành cộng tác viên và người quản lý các chương trình sáng tạo của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng đó chính là những thế hệ khán giả mới và những nguồn sáng tạo mới của nghệ thuật đương đại nội địa.
Hai anh có thể chia sẻ các hoạt động của MAP từng năm và ý nghĩa cũng như kết quả thu lại?
- MAP có một mô hình vận hành khá hoàn chỉnh và lặp lại theo từng năm: từ 4 đến 6 tuần cho các nghệ sĩ làm việc và trao đổi, sau đó triển lãm tác phẩm của họ. Trong thời gian làm việc, họ phải tham gia các buổi tọa đàm giới thiệu về nghệ thuật của mình với công chúng, phải gặp nhau hàng tuần để trò chuyện về ý tưởng và sáng tác trong dự án và lắng nghe góp ý cho nhau, phải tự làm các nghiên cứu riêng và tham gia trao đổi với các trung tâm, tổ chức, nhóm sáng tạo ở Hà Nội qua các chuyến đi do chúng tôi tổ chức. Tuy vậy, mỗi năm MAP có một chủ đề khác biệt và các nghệ sĩ mới, do vậy cách thức làm việc, kết quả và ý nghĩa của dự án đều không giống nhau, luôn có sự thú vị, kỳ lạ và hấp dẫn từng năm. Như anh Vũ đã chia sẻ về năm đầu tiên “Chuyển động Brown” (2015), với 2016 chúng tôi có “Hữu hạn Vô hạn” và các nghệ sĩ sản xuất những tác phẩm “phóng chiếu” sức tưởng tượng vô hạn của mình ở trong các vật thể và phạm vi hữu hạn (giới hạn bởi vật chất, bởi không gian hay năng lực con người). Năm 2017, chúng tôi làm việc ở “Vùng Không tưởng”, dùng nghệ thuật để chuyển hóa không gian sống thành những thế giới không tưởng của tâm trí và cảm giác. Năm 2018 là “Hữu hình & Vô hình”, các nghệ sĩ làm việc với những thứ nhìn thấy và không nhìn thấy, cảm thấy và không cảm thấy, biết và không biết. Ý nghĩa của nghệ thuật đối với chúng tôi là như vậy, đưa con người trải qua các miền du đãng của tâm trí và chuyển hóa suy nghĩ của họ, chứ không thể mô tả rõ ràng thành các kết quả theo con số thống kê nào đó.
Vì sao chủ đề của MAP 2019 là “Bên kia sự hủy diệt”?
- Mỗi chủ đề là một thách thức cho nghệ sĩ, cho cả Ban Tổ chức. Chủ đề 2019 muốn đẩy nghệ sĩ vào những thể nghiệm khó khăn hơn, chúng đòi hỏi sự dũng cảm của nghệ sĩ. Chúng tôi nhìn thấy sự đổ vỡ và hủy diệt. Sự hủy diệt là một cụm từ mạnh mẽ, nhưng nó lại nằm trong bản chất, trong tế bào của cuộc sống, là cái mà ta thấy và đi qua hàng ngày. Liệu chúng ta thấy gì và các nghệ sĩ thấy gì, họ phản ánh điều đó bằng nghệ thuật ra sao. Qua đó chúng tôi mong muốn đưa ra những suy nghĩ về phía bên kia của “Hủy diệt”, của những bến bờ khác trong tâm trí mà con người chưa hướng tới.
Sáng tạo đồng thời cũng là hủy diệt, các anh muốn đi tận cùng vào nguyên lý của vô thường?
- Thực ra nghệ thuật được xây dựng chủ yếu bằng kinh nghiệm của những người làm và học nghệ thuật, đôi khi rất cá nhân và ích kỷ. Việc chọn một nguyên lý, bất cứ một nguyên lý Âu hay Á nào, để đi cho tới tận cùng nguyên lý ấy, có thể cho một chủ đề thuần túy lý thuyết và áp đặt. Có rất nhiều gặp gỡ và trùng lặp của thẩm mỹ, triết học, tôn giáo, đôi khi rất thú vị. Nếu như trong Phật giáo, tất cả sự vật không có điểm khởi đầu cũng không có điểm kết thúc, hoặc cái gì có sinh thì phải có diệt, hoặc bất cứ sự thay đổi nào của vạn vật đều sinh diệt không ngừng trong từng khoảnh khắc… Picasso cũng đã từng nói thế này: “Mọi hành vi sáng tạo trước hết chính là hành vi hủy diệt”. Không có hủy diệt sẽ không có lịch sử nghệ thuật. Không có hủy diệt sẽ không có tác phẩm nghệ thuật, một cách tưởng như vô cùng nghịch lý.
Vì sao các nghệ sĩ tham gia sẵn sàng phá hủy tác phẩm mà họ đã dày công tạo nên?
- Nghệ sĩ luôn phải tạo cho mình những thách thức để mà hoài nghi, để mà thất bại lại nhiều hơn thành công, thách thức lớn nhất chính là chối từ bản thân, cùng những gì mà họ đã từng nặng lòng yêu mến. Tháng Thực hành nghệ thuật 2019 có thể sẽ là dịp hiếm có để nghệ sĩ thể nghiệm cái mà họ chưa bao giờ ý thức được hoặc chưa dám làm.
Hành động này tôi thấy khá tương đồng với việc các tu sĩ Nepal, Tây Tạng vẽ tranh Thangka có khi mất đến 10 năm, nhưng khi hoàn thiện cũng là lúc phá hủy nó lập tức?
- Hành động này tương đồng với rất nhiều trường hợp trong sáng tạo nghệ thuật. Vẫn biết, sự hoàn thiện trong nghệ thuật chưa chắc đã phải là sự hoàn thiện như người đời tâm niệm. Cũng vẫn biết, sự hoàn thiện của cái này lại là kết quả của sự hủy diệt của một hoặc những cái khác. Đôi lúc là một thành công lớn, một hạnh phúc lớn. Đôi lúc gây sợ hãi và luyến tiếc.
Khi Picasso tuyên bố: “Mọi hành vi sáng tạo trước hết chính là hành vi hủy diệt”, ông đã lý giải một cách chính xác không chỉ hành trình nghệ thuật của riêng ông, mà cả tiến trình của lịch sử nghệ thuật nữa. Khi Jean Tinguely chế tạo những máy móc để chúng tự bị hủy diệt chỉ sau vài chục phút, ông đã bộc lộ cái nhìn của ông về thế giới và cuộc đời, rằng tất cả sớm muộn đều phải kết thúc. Các tu sĩ Nepal cũng đã phá hủy công trình của họ đúng vào khoảnh khắc cuối cùng khi công trình phải được hoàn thiện, để hoàn thiện không thể hoàn thiện? Như John Baldesarie đã đốt cháy nhiều tranh vẽ của ông trong những năm 1960-1970, và dùng tro tàn này để làm những chiếc bánh quy giống hệt như mọi chiếc bánh quy trên đời mà lại chẳng hề giống. Khi nghệ sĩ hủy diệt công việc của chính họ, hủy diệt không có nghĩa để công việc ấy vĩnh viễn mất đi. Có thể nói, lịch sử nghệ thuật được làm bởi chính những phủ nhận. Cũng có thể nói, sáng tạo chính là hủy diệt, một cách tưởng như vô cùng nghịch lý. Hoặc đơn giản như lúc giao thừa, năm cũ sẽ không còn nữa.
Kỳ vọng của hai anh sau sự kiện này?
- Hủy diệt vốn được coi như một hành động tiêu cực, bởi thói quen nhìn sự vật một cách phiến diện và thói quen sơ lược hóa ngôn từ. Hủy diệt do vậy bị kết án bởi đám đông, đến mức vô vàn sự vật đã tàn tệ rồi mà vẫn cứ yên tâm tồn lại mãi. Bởi vậy, mong muốn lớn nhất của Tháng Thực hành nghệ thuật năm nay là để công chúng hiểu rằng hủy diệt không có nghĩa chỉ là hủy diệt như họ đã tin là như thế, vì đã chứng kiến quá nhiều sự tàn bạo của loài người. Hủy diệt có thể giúp cho cái mới được ra đời, để thế giới được tồn tại để cuộc sống được tiếp tục.
Cảm ơn hai anh và chúc MAP 2019 thành công tốt đẹp.
* MAP 2019 có chủ đề “Bên kia sự hủy diệt”, với sự tham gia của 15 nghệ sĩ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Đức, Myanmar và Việt Nam: Aung Myat Htay (Myanmar), Aya Momose (Nhật Bản), Đặng Hồng Anh (Việt Nam), Dương Nguyên Hoài Nam (Việt Nam), Fuyuka Shindo (Nhật Bản), Hà Đào (Việt Nam), Huệ Nguyễn (Việt Nam), InYoung Yeo (Hàn Quốc), Lê Đình Chung (Việt Nam), Lê Quỳnh Trang (Việt Nam), Nguyễn Hữu Hải Duy (Việt Nam), Nguyễn L.Chi (Việt Nam), Till Ansgar Baumhauer (Đức), Minja Gu (Hàn Quốc), Quỳnh Đông (Thụy Sỹ). Với các thể loại: video, ảnh, trình diễn, hội họa, sắp đặt.
* Cùng sự hỗ trợ của 6 chuyên gia nghệ thuật: Leeji Hong (Hàn Quốc), Liheng Lee (Đài Loan), Pil Joo Jung (Hàn Quốc), Jennifer Vanderpool (Mỹ), Trần Trọng Vũ (Việt Nam
* Các hình thức hoạt động của MAP gồm có: Thực hành sáng tạo Nghệ thuật, thảo luận và trao đổi giữa nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế, đối thoại nghệ sĩ với công chúng, chương trình công chúng của nghệ sĩ thiết kế và thực hiện với các đối tác là những tổ chức, nhóm cộng đồng ở Hà Nội.
* MAP 2019 bao gồm 2 giai đoạn: Các chương trình Trao đổi Sáng tạo giữa các chuyên gia nghệ thuật, nghệ sĩ với nghệ sĩ, nghệ sĩ và công chúng từ ngày 8/10 đến 22/11/2019 và Triển lãm của Dự án từ 23/11 - 18/12/2019.