'Thanh Hoá - Rừng tự nhiên bị chặt phá tràn lan' - Kỳ cuối: Cần khởi tố vụ án
Việc gỗ rừng bị chặt hạ trên quy mô rộng, khối lượng lớn tại huyện Bá Thước (Thanh Hoá) đối chiếu với các quy định cho thấy đã vượt ngưỡng xử lý vi phạm hành chính. Quan điểm tham mưu của Chi cục Kiểm lâm là nếu có đủ cơ sở thì Cơ quan công an cần khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ mức độ sai phạm của từng cá nhân, tập thể liên quan.
Kiểm lâm phụ trách địa bàn đã bưng bít thông tin rừng bị đốn hạ.
Cần làm rõ trách nhiệm
Diện tích rừng bị chặt hạ tại Bá Thước do Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc (Cty Cẩm Ngọc), Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành (BQLRPH Thạch Thành), chính quyền địa phương và người dân làm chủ, có trách nhiệm quản lý, bảo vệ theo quy định. Vậy nhưng, chủ rừng không tổ chức kiểm tra thường xuyên, để xảy ra việc khai thác rừng trái pháp luật. Khi gỗ bị đốn hạ, chủ rừng cũng không phát hiện, báo cáo kịp thời. Sau đó, Hạt Kiểm lâm tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện Bá Thước làm rõ trách nhiệm vì cho rằng chủ rừng vi phạm Khoản 7, Điều 13, Nghị định 35/2019/NĐ-CP là chưa chính xác. Bởi xử phạt như quy định tại Khoản 1 hoặc điểm a, khoản 4 điều này, không tương ứng với khối lượng gỗ đã bị đốn hạ. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 13 chỉ xử phạt cao nhất đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 15m3 đến dưới 20m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 7m3 i 10m3 gỗ rừng tự nhiên. Trong khi đó, khối lượng gỗ bị khai thác trái phép ở Bá Thước do Chi cục Kiểm lâm Thanh Hoá (CCKL) thống kê đã lên đến hơn 50,6m3?.
Bên cạnh đó, về trách nhiệm của chủ rừng, BQLRPH Thạch Thành, Cty Cẩm Ngọc, Chi cục Kiểm lâm cũng đã đề nghị Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hoá xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, cá nhân được giao quản lý địa bàn để rừng bị khai thác nhưng không biết, không kiểm tra, không báo cáo. Được biết, ngày 26/11, Chi cục Kiểm lâm đã có cuộc làm việc với Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước để làm rõ trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền xã Điền Hạ, Điền Thượng trong việc thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW, có biểu hiện chủ quan, không nắm được tình hình trên địa bàn quản lý, để rừng bị khai thác trái pháp luật trên diện rộng. Trong khi đó, kiểm lâm viên địa bàn là ông Phạm Văn Dũng và ông Mai Văn Am cũng chưa làm hết trách nhiệm của mình. Hai ông này có phát hiện vụ việc nhưng không báo cáo kịp thời, không trung thực, bưng bít thông tin, che giấu vụ việc, gây bức xúc trong dư luận, dẫn đến thông tin phản ánh vượt cấp gửi đến CCKL Thanh Hoá.
Đối với ông Nguyễn Văn Thành - Trạm trưởng phụ trách tổ kiểm lâm cơ động không nắm bắt được tình hình trên địa bàn để tham mưu, đề xuất kiểm tra an ninh rừng, thực hiện Đề án 500 kém hiệu quả. Về phần ông Đào Đình Huy- Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bá Thước, phụ trách tuyến địa bàn cũng chưa thực hiện hết vai trò, trách nhiệm trong quản lý, chỉ đạo, điều hành. Ông Huy có biểu hiện chủ quan, ít xuống cơ sở, không nắm được thông tin, diễn biến vụ việc cho thấy năng lực yếu kém, chỉ đạo thiếu quyết liệt đối với cán bộ cấp dưới do mình trực tiếp điều hành. Cá nhân ông Lê Duy Ngợi- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bá Thước trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao chưa quyết liệt, thiếu kiểm tra, giám sát, đôn đốc.
Đề nghị cơ quan công an vào cuộc
Lãnh đạo CCKL Thanh Hoá cho biết: Hạt Kiểm lâm Bá Thước thống kê, báo cáo số lượng gỗ bị chặt hạ ở Điền Hạ, Điền Thượng khá ít, không đúng thực tế. Tiếp đó, CCKL Thanh Hoá thành lập đoàn, kiểm tra tổng thể, chi tiết. Thực tế, khi kiểm tra lại cho thấy, số lượng gỗ bị chặt hạ sau khi kiểm tra lần thứ hai tăng lên rất nhiều so với báo cáo trước đó. Ông Lê Quốc Việt- Phó Chi cục trưởng CCKL Thanh Hoá cho biết: Chi cục đã báo cáo vụ việc lên Giám đốc Sở NN&PTNT. Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Sở là làm nghiêm túc, sai đến đâu xử lý đến đó. Hiện, CCKL Thanh Hoá đang triệu tập từng người, từ kiểm lâm viên địa bàn, Phó hạt trưởng phụ trách tuyến, Hạt trưởng để làm rõ hành vi, mức độ vi phạm của từng người, nếu có tiêu cực sẽ nghiêm khắc xử lý.
Cũng theo lãnh đạo CCKL Thanh Hoá thì việc triệu tập các cá nhân liên quan trong lực lượng sẽ được thực hiện một cách cẩn thận, chắc chắn. “Vụ này làm rất tỉ mỉ, làm cuốn chiếu, anh nào xong rồi mới cho về và điều anh khác lên để làm tiếp. Chúng tôi làm tách lẻ, tránh việc thông đồng chối tội. Vấn đề chính là phải minh bạch, rõ ràng vì thực tế ngành chỉ đạo rất gắt gao, không dung túng”- ông Việt nói. Trước đó, vào ngày 1/8/2017, CCKL Thanh Hoá đã ban hành Công văn số 360/CCKL-TTrPC quy định về việc thông tin, báo cáo khi diễn ra sự việc an ninh rừng không được đảm bảo. Vậy nhưng, trong vụ việc xảy ra tại Bá Thước, thông tin đã bị bưng bít. Phó Chi cục trưởng CCKL Thanh Hoá thẳng thắn: “Chính phủ đang cấm mọi hành vi tác động, bảo vệ, giữ vững an ninh rừng nhưng anh lại để diễn ra việc làm trái với chủ trương của Đảng, Nhà nước. Người ta vào rừng chặt gỗ mà anh không có thái độ cương quyết; khi rừng bị chặt hạ, anh biết mà không ngăn chặn kịp thời”.
Đối với lực lượng kiểm lâm, từ kiểm lâm viên địa bàn đến Hạt trưởng với tư cách là đơn vị tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng nhưng lại để xảy ra hậu quả, chứng tỏ công tác tham mưu chưa tốt. Ông Lê Quốc Việt cho biết thêm: Riêng vụ việc này, CCKL đang đề nghị Sở NN&PTNT; Viện KSND, Công an huyện Bá Thước, Công an tỉnh vào cuộc làm rõ, trách nhiệm.