Giáo dục hòa nhập với trẻ khuyết tật
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy tại 18 quốc gia thu nhập thấp và trung bình cho thấy 23% trẻ em từ 2-9 tuổi có nguy cơ hoặc có một khuyết tật về mặt phát triển. Việc thúc đẩy phát triển tiềm năng của trẻ em là đòn bẩy quan trọng để tối đa hóa tiềm năng kinh tế của một quốc gia. Đó là thông tin được GS.TS Trần Công Phong - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - cho biết tại hội thảo quốc tế “Giáo dục học sinh rối loạn phát triển” lần thứ 2 với chủ đề: Nâng cao chất lượng mô hình giáo dục học sinh rối loạn phát triển vừa diễn ra tại Hà Nội vào 2 ngày 28-29/11.
Trẻ khuyết tật trong đó có trẻ rối loạn phát triển là một trong những đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất trong học tập, phát triển và hòa nhập xã hội. Làm thế nào tất cả trẻ khuyết tật được giáo dục có hiệu quả và phát triển hết khả năng để trở thành những người sống độc lập và có ích cho xã hội?... Đó là những câu hỏi mà các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực luôn trăn trở tìm kiếm câu trả lời.
Theo một số đại biểu, bên cạnh giáo dục chuyên biệt thì giáo dục hòa nhập là một trong những giải pháp tích cực giúp trẻ khuyết tật nói riêng và trẻ rối loạn phát triển được tham gia học tập cùng với các trẻ bình thường xóa bỏ sự cách biệt mặc cảm, xa lánh, đồng thời giúp trẻ phát triển bình thường, hình thành lòng nhân ái, yêu thương.
Bộ GDĐT đã ban hành Quyết định số 23/2006/QĐ-BGDĐT quy định về giáo dục hòa nhập dành cho người tàn tật, khuyết tật; các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục các cấp hàng năm đều có đề cập đến nội dung này. Tuy nhiên, góp phần thành công lớn nhất trong việc giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật chính là vai trò của các thầy cô giáo, những người trực tiếp hướng dẫn, dạy dỗ, chăm sóc các em. Trong đó, sự gắn kết thường xuyên với gia đình để thấu hiểu tâm sinh lý, đặc điểm của từng em một chính là mẫu số chung để giúp các em có thể hòa nhập tốt nhất với trường lớp, bạn bè và xã hội. Đặc biệt là cần sự can thiệp càng sớm càng tốt trong việc giáo dục trẻ để mang lại những hiệu quả tích cực.