Ông Chín Cần với người nông dân
Ngày 30/11/2019, tại thành phố Tân An, tỉnh ủy Long An tổ chức Hội thảo “Đồng chí Nguyễn Văn Chính (tức Chín Cần) với Cách mạng Việt Nam và quê hương Long An”. 30 bản tham luận trình bày tại Hội thảo khẳng định những đóng góp to lớn của ông Chín Cần trong công cuộc giải phóng dân tộc và những đột phá đổi mới của ông trên nhiều phương diện trong thời kỳ xây dựng đất nước, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và đời sống người nông dân.
Bà Bùi Thị Minh Hoài, nguyên Uỷ viên dự khuyết BCHTƯ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (nay là UVTƯ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ) trao huy hiệu 60 năm tuổi Đảng cho ông Nguyễn Văn Chính tại Bệnh viện Thống Nhất - TP HCM (năm 2010).
Đổi mới công tác vận động nông dân
Nhớ lại, Hội nghị lần thứ 8 (khoá VI) BCHTƯ ban hành Nghị quyết số 08B – NQ/TW ngày 27/03/1990 “Về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng và nhân dân” cũng là thời kỳ ông Chín Cần, Uỷ viên BCHTƯ được Bộ Chính trị phân công về Hội Nông dân Việt Nam (HNDVN). Tại Hội nghị BCH HNDVN lần thứ 7 (khoá I) diễn ra từ ngày 2 đến 5/6/1992, ông Chín Cần được bầu làm Chủ tịch. Đại hội HNDVN (1993–1998) ông tiếp tục giữ chức Chủ tịch HNDVN cho tới khi nghỉ hưu (1995).
Ngay sau khi về HNDVN, ông Chín Cần chỉ đạo Ban Thường vụ thực hiện Nghị quyết số 08B–NQ/TW của BCHTƯ trong việc đổi mới công tác vận động và tập hợp các tầng lớp nông dân tham gia sinh hoạt HNDVN. Vào cuối quý II/1992, Thường trực TƯ HNDVN ban hành Chỉ thị số 499–CT/HND chỉ đạo các cấp Hội trên toàn quốc ngoài việc xây dựng và củng cố HNDVN trên địa bàn dân cư còn phải xây dựng “Chi – tổ Hội theo nghề nghiệp”.
Ông luôn nhấn mạnh: Nếu tổ chức HNDVN chỉ tập hợp nông dân vào Hội theo địa bàn hành chính thì rất hạn chế trong việc đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân.
Ông tự đặt ra nhiều câu hỏi và tìm câu trả lời, giải đáp. Trong cùng một ấp (thôn) hộ nông dân chuyên sống bằng nghề trồng trọt ngồi họp chung với những nông hộ chuyên chăn nuôi gia súc, gia cầm thì việc chuyển giao khoa học kỹ thuật sẽ rất bất cập; những hộ ít hoặc không có ruộng canh tác nhưng lại mưu sinh bằng nghề làm mướn (dịch vụ máy cày, máy bơm nước, gặt, cấy mướn) thì ai sẽ hỗ trợ? Chẳng lẽ HNDVN không quan tâm và không tập hợp họ vào tổ chức Hội?
Từ những suy nghĩ thực tế như vậy, ông Chín Cần chỉ đạo Thường trực TƯ HNDVN ban hành Chỉ thị số 499/HND và chọn xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch làm thí điểm để nhân rộng ra cả nước. Bản thân Chủ tịch HNDVN Chín Cần ngày đó cũng cùng ăn, cùng ở với nông dân xã Hiệp Phước suốt 3 ngày đêm để chỉ đạo điểm.
Từ thành công của mô hình xây dựng chi – tổ Hội theo nghề nghiệp ở Hiệp Phước, các địa phương ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, TP HCM, Phú Yên... không chỉ tập hợp nông dân trên địa bàn dân cư (ấp, thôn) vào Hội mà còn thu hút nông dân sinh hoạt Hội theo nghề nghiệp. Những hội viên HNDVN sinh hoạt ở chi – tổ Hội theo nghề nghiệp tự nguyện hình thành Tổ hợp tác hoặc Hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp do HNDVN làm nòng cốt.
Số liệu tập hợp ở các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cần Thơ, Long An thập niên 1990 có gần 16.340 Tổ hợp tác với gần 300.000 thành viên tham gia được xây dựng từ chi – tổ HNDVN theo nghề nghiệp. Số liệu từ HNDVN ghi nhận: “Đến năm 2016 cả nước có 5.091 tổ hội nghề nghiệp hoạt động khá”.
Quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 499–CT/HND đã gặp không ít khó khăn, một phần do đội ngũ cán bộ làm công tác Hội ở cơ sở yếu năng lực và sức khoẻ, một bộ phận cán bộ Hội ngại đổi mới, cộng với tư tưởng bảo thủ, duy ý chí tồn tại từ thời “bao cấp” tác động đến đổi mới tập hợp nông dân. Họ biện minh và lý luận: dưới cơ sở là ấp (thôn) đã có chi bộ Đảng lãnh đạo, nay thêm các chi – tổ Hội nông dân theo nghề nghiệp thì ai lãnh đạo? Rất mừng, cách giải thích máy móc như vậy không nhận được sự đồng thuận của các cấp uỷ cơ sở, không được nông dân đồng tình. Chỉ chưa đầy 2 năm sau khi có Chỉ thị số 499–CT/HND đã có 7,5 triệu nông dân tham gia sinh hoạt tại các chi – tổ Hội theo nghề nghiệp và địa bàn dân cư ở 9.261 xã – phường – thị trấn có HNDVN.
Xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân
Không dừng ở đổi mới phương thức tập hợp nông dân vào HNDVN, nhờ giành quỹ thời gian rất lớn đi thực tế để đến với nông dân, ông Chín Cần nhận ra một điều, nông dân đang rất đói vốn sản xuất.
Ông từng nói với những người làm công tác HNDVN: “Để vay được đồng tiền của ngân hàng, bà con nông dân phải qua nhiều tầng nấc, phải làm nhiều thủ tục rườm rà. Cầm được đồng tiền ngân hàng thì sắp tới ngày lúa trỗ, làm sao mua kịp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật?”.
Sự trăn trở ấy dần dần hình thành trong ông ý tưởng tạo cho nông dân thêm một kênh vốn do chính nông dân làm chủ (thông qua đơn vị chủ quản là HNDVN). Để ý tưởng sớm trở thành hiện thực, ông Chín Cần dùng uy tín cá nhân tranh thủ mọi cơ hội gặp những người có trách nhiệm của một số Bộ, ngành và Thủ tướng Võ Văn Kiệt để trình bày quan điểm về sự cần thiết phải có thêm một nguồn vốn của riêng HNDVN nhằm hỗ trợ mọi đối tượng hội viên nông dân phát triển sản xuất, thực hiện xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.
Cuối tháng 8/1994 tại một cuộc Hội thảo tổ chức ở thành phố Cần Thơ với chủ đề: Phát triển cơ cấu nông nghiệp và HTXNN cho nông dân vùng ĐBSCL do HNDVN phối hợp với Tỉnh uỷ tỉnh Hậu Giang (cũ), Viện Kinh tế TPHCM, trường Đại học Kinh tế TP HCM, Đại học Cần Thơ có sự tham gia của lãnh đạo một số Bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, Chủ tịch HNDVN các tỉnh – thành phía Nam; một số nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Nhằm tranh thủ diễn đàn hiếm hoi này, ông Chín Cần giao cho tôi viết Đề dẫn về việc HNDVN chuẩn bị cho ra đời một loại Quỹ như ông khẳng định trước mọi người: Quỹ Hỗ trợ nông dân để ông trình bày trước những người tham gia hội thảo. Tôi nhớ, trong giờ nghỉ giải lao, ngoài hành lang hội trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng tỏ ra rất đồng tình và ủng hộ loại Quỹ này.
Sau nhiều nỗ lực của ông Chín Cần và tập thể Ban Thường vụ TƯ HNDVN, quý I/1996, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép HNDVN được xây dựng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, đồng thời chỉ đạo Bộ Tài chính chuyển cho HNDVN 40 tỷ đồng tạo nguồn vốn ban đầu. Toàn bộ số tiền này được Thường trực HNDVN phân bổ cho 53 tỉnh – thành Hội trên toàn quốc.
Đến nay, sau hơn 20 năm vận hành (1996–2018), Quỹ Hỗ trợ nông dân do TƯ HNDVN quản lý đã đạt gần 2.000 tỷ đồng, hỗ trợ khoảng 2 triệu lượt hộ hội viên vay đầu tư phát triển sản xuất, thực hiện XĐGN bền vững. Nhờ nguồn vốn quỹ HTND, hàng vạn hộ nông dân không chỉ xoá xong nghèo đã vươn lên làm giàu chính đáng, nhiều người trở thành NDSXKDG các cấp.
Cùng với chủ trương “Tiến quân khai thác tiềm năng Đồng Tháp Mười”, ý chí “Xoá bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, đột phá đổi mới giá - lương - tiền” thời kỳ ông Chín Cần làm Bí thư Tỉnh uỷ Long An. Khi về HNDVN, ông tiếp tục phát huy ý chí tiến công, dám nghĩ dám làm để đổi mới hoạt động Hội và đem lại quyền lợi cụ thể cho nông dân. Con người ấy là ông Chín Cần - Nguyễn Văn Chính.
Như lời của cố Phó Chủ tịch HNDVN Nguyễn Thành Thơ tâm sự: “Khi anh Chín Cần về phụ trách HNDVN tôi rất mừng. Mừng vì giữa hai chúng tôi gặp nhau ở chỗ làm HNDVN không chỉ tập hợp đông đảo các tầng lớp nông dân vào Hội mà còn phải lo cho nông dân mỗi ngày có thêm đồng xu, cắc bạc như lời cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã căn dặn chúng tôi trong thời kỳ kháng chiến. Những ý tưởng và nhận thức ấy rất nhiều người biết, nhưng họ nói nhiều hơn làm. Riêng anh Chín Cần, lời nói luôn đi liền với việc làm cụ thể”.
Ông Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) sinh năm 1924 tại xã Tân Qúy Tây, huyện Bình Chánh, TP HCM. Với 70 năm hoạt động Cách mạng, ông Nguyễn Văn Chính giữ nhiều cương vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và đoàn thể ở địa phương và Trung ương. Từ 1959–1984: 3 lần làm Bí thư Tỉnh ủy Long An; UVBCHTƯ các khóa IV–V–VI–VII, Phó Ban Tổ chức Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ); Chủ tịch HNDVN. Được trao Huân chương Độc lập hạng Nhất và Huân chương Hồ Chí Minh.