Mạng ảo 'bẫy' tiền thật
Tốc độ phát triển nhanh và mạnh của thương mại điện tử (TMĐT) mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp muốn bán hàng, kinh doanh trên thị trường online. Với khoảng 40 triệu người Việt thường xuyên truy cập internet, trong đó phần lớn là mua sắm trực tuyến… TMĐT được kỳ vọng sẽ góp phần vào tăng trường chung của nền kinh tế cả nước.
Tuy nhiên, song song với sự phát triển của TMĐT cũng đã xuất hiện những hành vi của một số phần tử tiêu cực. Trong đó phải kể đến sự xâm nhập của hàng giả, hàng nhái ngày một tràn lan, mở rộng quy mô trên các sàn TMĐT. Cũng giống như tại thị trường truyền thống, tại môi trường mạng cũng xuất hiện vô số các loại sản phẩm giả nhãn mác từ giày dép, quần áo thời trang cho đến các mặt hàng điện tử công nghệ…
Nói về việc mua sắm hàng online, nhiều người tiêu dùng cho biết, ít nhất một lần đã mua phải hàng giả, nhái nhãn mác trên sàn TMĐT. Tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”, sản phẩm thật khác xa với sản phẩm quảng cáo dường như đã thành nỗi ám ảnh của người tiêu dùng đối với việc mua sắm online.
Chỉ cần gõ vào mục tìm kiếm trên Google bất cứ sản phẩm gì, từ mỹ phẩm, giày dép, quần áo thời trang, cho đến hàng điện tử, đồ gia dụng… tất tật cái gì cũng có thể mua sắm được trên sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên đi kèm với tính tiện lợi mà TMĐT mang lại, nhiều người tiêu dùng cũng không ít lần “khóc dở mếu dở” vì mua phải hàng rởm, giả nhãn mác khi mua hàng online. Do không được đến tận nơi “mục sở thị”, nên người mua hàng sẽ không thể trực tiếp lựa chọn sản phẩm theo ý mình. Và do vậy, nhiều kênh bán hàng online đã trà trộn những sản phẩm cấp thấp vào để bán cho người tiêu dùng hòng kiếm lợi.
Đáng chú ý, theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện nay trên các trang mạng xã hội còn xuất hiện tình trạng nhiều người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ, live stream và đăng các quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, song không ít trong số đó là những quảng cáo không đúng sự thật, bán hàng không rõ nguồn gốc gây bức xúc lớn cho người tiêu dùng. Đáng quan ngại, nhiều đối tượng tận dụng sự cả tin cũng như lòng tham của khách hàng đã tung ra những chiêu mời gọi trúng thưởng các sản phẩm giá trị cao… Và kết cục là không ít người tiêu dùng đã bị lừa ngoạn mục, dẫn đến “tiền mất tật mang”.
Đơn cử, hành vi gọi điện nhắn tin của nhóm đối tượng đến các số thuê bao di động, lừa chủ thuê bao là trúng một giải thưởng lớn nào đó, rồi yêu cầu người dân chuyển 10% số tiền giải thưởng để đóng thuế. Không ít người tiêu dùng, đặc biệt là người dân ở vùng sâu vùng xa đã chịu mất trắng do trót tin và chuyển một khoản tiền cho đối tượng với hy vọng sẽ “rinh” được quà lớn về nhà. Song, kết cục là quà chẳng thấy đâu, tiền một đi không trở lại, còn đối tượng lừa kia cũng “thuê bao ngoài vùng phủ sóng”, hoàn toàn không liên lạc được.
Ngoài việc lừa đảo trúng thưởng, một hình thức mới cũng được nhà chức trách cảnh báo, đó là hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, qua quá trình kiểm tra, các tài khoản facebook này đều là các tài khoản “ma” và đều kinh doanh các sản phẩm ảo, hoàn toàn không có thật. Cộng tác viên nào trót tin nộp một khoản tiền nào đó vào tài khoản của kẻ “tuyển cộng tác viên” kia coi như mất trắng.
Có thể thấy, thị trường online còn phong phú các hình thức lừa đảo hơn thị trường truyền thống. Và rõ ràng, mặc dù với rất nhiều sự thuận tiện, song TMĐT cũng đang trở thành miếng bánh ngon của không ít đối tượng tuồn hàng giả, hàng nhái vào tiêu thụ cũng như giở nhiều trò “ảo” để bẫy tiền thật của người dân.