Đoan Hùng (Phú Thọ): Hiệu quả từ công tác giám sát, phản biện xã hội
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, công tác giám sát và phản biện xã hội trên địa bàn huyện Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ) ngày càng đi vào thực chất và phát huy hiệu quả. Thông qua hoạt động này, Mặt trận và các đoàn thể đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực giúp cấp ủy, chính quyền quyết định các vấn đề quan trọng trong quản lý, lãnh đạo, điều hành trên các lĩnh vực.
Mặt trận tham gia giám sát xây dựng đường giao thông nông thôn ở Đoan Hùng (Phú Thọ).
Theo Chủ tịch MTTQ huyện Đoan Hùng Phùng Đức Ấm, việc thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị có ý nghĩa quan trọng trong viêc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn huyện Đoan Hùng đã chủ động triển khai nghiêm túc. Từ việc chủ động bám sát tình hình thực tế địa phương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã xây dựng kế hoạch giám sát tập trung vào những vấn đề bức xúc mà người dân kiến nghị.
Trên cơ sở chương trình giám sát đã được Thường trực Huyện ủy phê duyệt, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp với UBND huyện, thống nhất nội dung, đơn vị giám sát, chủ động xây dựng kế hoạch giám sát, thành lập đoàn giám sát và triển khai giám sát. Thống kê trong 5 năm qua cho thấy, hoạt động giám sát và phản biện xã hội đã được Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện Đoan Hùng triển khai thực hiện bài bản, hiệu quả. Ở cấp huyện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã chủ trì giám sát 9 cuộc bằng hình thức thành lập đoàn giám sát và 5 cuộc giám sát bằng hình thức nghiên cứu văn bản, tại 43 lượt cơ quan, đơn vị. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề được nhân dân quan tâm như giám sát việc thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông nông thôn; giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đối với các đối tượng là hộ nghèo và cận nghèo giai đoạn 2010-2014; giám sát việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy ước, hương ước giai đoạn 2012-2015; giám sát các qui định của pháp luật đối với hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng; G iám sát cải cách thủ tục hành chính. Sau giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã có 35 ý kiến kiến nghị, đề xuất đối với Trung ương, tỉnh, huyện, cơ sở. Số ý kiến được tiếp thu, giải quyết 32/35 đạt 91,4%/ tổng số ý kiến kiến nghị, đề xuất.
Không chỉ có vậy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội huyện giám sát 23 cuộc, đối với 85 đơn vị được giám sát. Nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; Giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ, các chế độ, chính sách có liên quan đến người lao động tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Sau giám sát đã có 69 ý kiến nghị các cơ quan, đơn vị và cơ bản đã được tiếp thu giải quyết.
Cùng với hoạt động giám sát, công tác phản biện xã hội trên địa bàn huyện cũng đã có những bước chuyển tích cực thông qua các hội nghị phản biện trực tiếp hoặc gửi văn bản lấy ý kiến phản biện, đảm bảo các dự thảo văn bản về chủ trương, chính sách, qui định, đề án của địa phương. Thông qua các cuộc phản biện đã tập hợp được nhiều ý kiến đóng góp quan trọng của các tầng lớp nhân dân. Nhiều ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao; trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp các cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, quản lý, điều hành.
Mặc dù vậy, ông Phùng Đức Ấm cũng thẳng thắn cho rằng, công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội còn một số hạn chế. Tại các địa phương vẫn còn một số ít Mặt trận cơ sở chưa tiến hành giám sát độc lập, mà tập trung chủ yếu vào các hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Nội dung, hình thức phản biện chưa phong phú, chất lượng phản biện chưa cao. Hay như việc tiếp thu giải quyết những đề xuất, kiến nghị sau giám sát của Mặt trận chưa được quan tâm giải quyết kịp thời ảnh hưởng đến hiệu quả các cuộc giám sát.
Để nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, ông Phùng Đức Ấm cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Quyết định 217, 218 và các văn bản có liên quan để tạo sự thống nhất, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của MTTQ và các đoàn thể trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Đặc biệt, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cần quan tâm đến việc nắm bắt tình hình nhân dân, tình hình dư luận xã hội để lựa chọn nội dung giám sát phù hợp. Việc thực hiện các bước giám sát phải đảm bảo quy trình, đưa ra các kiến nghị, đề xuất có sức thuyết phục cao cũng như giám sát kết quả tiếp thu, giải quyết của cơ quan chức năng đối với các nội dung mà Mặt trận kiến nghị, đề xuất.