An toàn xe đưa đón trẻ
Sau 2 vụ việc học sinh của một trường ở Hà Nội và Bắc Ninh bị bỏ quên trên xe đưa đón trẻ, mới đây lại liên tiếp xảy ra 2 vụ xe đưa đón của nhà trường “đánh rơi” học sinh xuống đường khiến dư luận bức xúc. Không bức xúc sao được khi đích đến của việc sử dụng dịch vụ xe đưa đón là để lựa chọn loại hình vận tải an toàn, tiện lợi nhất với trẻ nhỏ, nhưng thực tế lại không được như mong đợi.
Chỉ trong 1 tuần, tại Đồng Nai, liên tiếp 2 vụ xe đưa đón làm rơi học sinh xuống đường khi đang chạy khiến nhiều phụ huynh bất an. Trước đó chỉ vài ngày (26/11), một xe ôtô 16 chỗ chở học sinh Trường Tiểu học Phan Bội Châu (phường Long Bình, TP Biên Hòa) trong lúc ôm cua thì cửa sau bật tung khiến 3 học sinh rơi xuống đường.
Rất may mắn, các em học sinh trong cả 2 vụ “đánh rơi” khó hiểu trên đều không gặp nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng. Thế nhưng chỉ riêng việc tắc trách trong khâu kiểm tra an toàn trên xe cho những học sinh của các trường này cũng đã đủ khiến dư luận vô cùng bức xúc. Bởi chẳng ai nói trước được điều gì khi các em ngã xuống lòng đường vốn luôn có rất nhiều phương tiện tham gia giao thông. Điều gì sẽ xảy ra khi những phương tiện này không kịp phản ứng với những em nhỏ bất ngờ “rơi” xuống?
Điều đáng nói là những sự việc mất an toàn liên quan đến xe đưa đón trẻ không phải lần đầu xảy ra. Cách đây vài tháng hẳn dư luận chưa quên 2 vụ bỏ quên học sinh trên xe đưa đón và có một trẻ đã ra đi mà không có cơ hội trở về nhà. Sau những sự việc đau lòng như vậy người ta mới rà soát, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị có liên quan đến việc đảm bảo an toàn trong việc đưa đón trẻ. Tuy nhiên, khi rà soát người ta mới thấy loại hình dịch vụ xe đưa đón học sinh vẫn hoàn toàn tự phát, mạnh trường nào trường đó làm, không có bất cứ quy chuẩn nào về điều kiện an toàn, giá cả, chất lượng, cũng như hạ tầng giao thông.
Những hồi chuông cảnh báo đã được gióng lên nhưng vì sao những sự việc nguy hiểm tương tự vẫn cứ xảy ra là bởi, có một thực tế, so với loại hình xe hợp đồng vận tải nói chung, xe đưa đón học sinh hầu như không có thêm bất kỳ điều kiện cụ thể nào. Theo văn bản của Bộ Giao thông vận tải, tại Khoản 1 Điều 64 Luật Giao thông đường bộ quy định, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư thì kinh doanh vận tải đường bộ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và xe chở học sinh là loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Thế nhưng sau những sự việc trẻ bị “bỏ quên” trên xe Bộ này đã tiến hành xây dựng Dự thảo sửa đổi Nghị định số 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Tuy nhiên, liên quan đến loại hình dịch vụ vận tải này, Bộ Giao thông vận tải chỉ bổ sung thêm quy định: “Phải có phương án kiểm soát để bảo đảm không bỏ quên hành khách ở trên xe khi kết thúc hành trình”.
Chỉ bổ sung quy định “phải có phương án kiểm soát để đảm bảo không bỏ quên hành khách trên xe”, chi tiết này cho thấy, Bộ Giao thông vận tải vẫn chưa thực sự nhìn nhận vấn đề xe đưa đón học sinh là một nhu cầu đặc biệt của xã hội, nên chỉ đề xuất chính sách nhằm đối phó sự vụ thời sự chứ không đi vào bản chất của vấn đề.
Không phải ngẫu nhiên mà loại hình xe đưa đón học sinh trên thế giới đều mang tên gọi School Bus, tức xe buýt tới trường. Điều đó có nghĩa nó là loại phương tiện công cộng dành riêng cho học sinh, với các yêu cầu về nhận diện, về thiết kế phù hợp để dành riêng cho học sinh, với các tiêu chí an toàn đặc biệt.
Việc vẫn coi xe đưa đón học sinh như xe hợp đồng vận tải chắc chắn sẽ không đủ tác động tích cực đến hoạt động đưa đón học sinh vốn đang gặp rất nhiều vấn đề có thể gây ra những nguy cơ mất an toàn như hiện nay. Bởi, hầu hết các trường sẽ lựa chọn ký hợp đồng với bên thứ ba là bên kinh doanh dịch vụ vận tải chứ không trực tiếp làm. Tất nhiên, các doanh nghiệp vận tải thì không dễ phát triển năng lực quản trị học đường để phục vụ đối tượng đặc biệt là học sinh. Điều đó có nghĩa ngoài các nguy cơ về việc để quên học sinh trên xe, các tài xế, phụ xe thiếu chuẩn mực về tác phong giao tiếp cũng sẽ tác động tiêu cực tới trẻ em thông qua hành xử của mình.
Đặc biệt, khi xe đưa đón học sinh không buộc phải đáp ứng các điều kiện về thiết kế phù hợp với khả năng tiếp cận phương tiện của trẻ em, thậm chí những chiếc xe cũ nát, mất an toàn cũng có thể tận dụng để làm xe đưa đón trẻ sẽ dẫn đến những nguy cơ mất an toàn là điều có thể nhìn thấy trước.
Để lấp những khoảng trống, tạo sự an toàn cho học sinh, cần sớm nghiên cứu, tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ để cơ quan quản lý có thể giám sát một cách hiệu quả dịch vụ xe đưa đón học sinh. Đó không chỉ là quy định về phương tiện, về người lái, mà quan trọng là quy định về điều kiện kinh doanh đối với loại hình vận tải đặc thù này-TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nói.
Có thể thấy, việc đảm bảo an toàn cho học sinh trên những chuyển xe đưa đón phải là quy trình khép kín, có trách nhiệm của các nhà trường ở tất cả các khâu, bao gồm: Chất lượng xe, lái xe, nhân sự chính đưa đón, giáo viên chủ nhiệm, Ban giám hiệu nhà trường. Quy trình này bắt buộc phải có sự minh bạch và giám sát thường xuyên. Mục tiêu cuối cùng là học sinh được đến trường một cách an toàn.