Kịch bản sân khấu: Bộn bề những lo toan
Nhiều năm nay, sân khấu nước nhà nói chung, sân khấu Thủ đô nói riêng rất ít khán giả. Mặc dù các đơn vị nghệ thuật hàng năm dù dàn dựng vở mới theo kế hoạch nhưng do thiếu các kịch bản chất lượng nên chưa tạo nên được sức hút với công chúng.
Một cảnh trong vở “Ngôi nhà trong thành phố” của Nhà hát Kịch Hà Nội.
Kinh tế chi phối nghệ thuật
Đây là vấn đề không mới nhưng vẫn chưa tìm được lối thoát, trong khi khán giả hiện nay có rất nhiều “kênh” giải trí để lựa chọn. Ở thời điểm hiện nay, chính những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu phải thừa nhận không có vở diễn nào ra đời có thể thu hút được sự chú ý của công chúng như mấy chục năm về trước khi mà đội ngũ tác giả kịch bản có bản lĩnh, dũng cảm trả lời những băn khoăn của thời đại, dự báo những nguy cơ. Sân khấu hiện chưa có nhiều những tác giả xông xáo vào những lĩnh vực mũi nhọn của đời sống hiện đại, khắc hoạ tính cách tiêu biểu của con người hôm nay của thời hội nhập, mở cửa. Ngoài ra còn có sự dễ dãi trong sáng tạo của người làm nghề nên sân khấu không có tác phẩm đỉnh cao.
Theo NSND Bùi Thanh Trầm- Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, cơ chế thị trường cũng khiến cho đội ngũ sáng tạo văn học- nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng năng động hơn, nhưng cũng làm cho đội ngũ này phân hóa mạnh mẽ, chịu những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực. Nghệ thuật sân khấu còn tồn tại xu thế chạy theo đồng tiền đi theo chiều hướng không đúng, nhiều yếu tố thiếu sự lành mạnh, chính thống như kịch kinh dị, sân khấu ma. Vẫn còn ít tác phẩm hay tạo dư luận và gây tác động mạnh mẽ. Các đề tài truyền thống vắng bớt dần, các đề tài kinh dị, bạo lực, ái tình chụp giật… nổi lên như một cứu cánh. Một số vở diễn sân khấu có biểu hiện bắt chước, mô phỏng, chạy theo hình thức và thủ pháp mới, đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc. “Tác phẩm sân khấu phản ánh hiện thực đời sống mờ nhạt, vì vậy thời gian qua ta thấy không ít nhà hát, rạp chiếu bóng quạnh vắng, không có người xem, tuyển diễn viên trẻ loại hình sân khấu truyền thống không có người, nhiều nghệ sĩ không sống được với nghề nên đã đi tìm mưu sinh khác”- NSND Bùi Thanh Trầm bày tỏ.
Tìm đòn bẩy cho sáng tác
Tác giả kịch bản chính là người đặt nền móng đầu tiên cho một tác phẩm sân khấu, là người tạo ra “phần hồn” để trên cơ sở đó đạo diễn và diễn viên làm nên một vở diễn hoàn chỉnh. Trong lịch sử sân khấu của Việt Nam giai đoạn nào cũng có những nhà sáng tạo tài hoa. Nhưng những người tài hoa thường rất hiếm, sự ảnh hưởng của họ đến sân khấu là lớn lao nhưng đáng tiếc vẫn không đủ để vượt qua, để giải quyết được những bế tắc của sân khấu hôm nay. Một số người sáng tạo sân khấu có tài, có tâm thì nay đã già yếu, tiếng nói đóng góp trở nên yếu ớt. Số khác không nhỏ chiếm được những thành công ở những giai đoạn nhất định, nhưng họ lại chỉ lấy đó làm hành trang hành nghề cho cả hành trình hoạt động sân khấu của họ, mặc cho nhu cầu thẩm mỹ của xã hội thay đổi, mặc cho sân khấu biến chuyển không ngừng... Có thể nói, đội ngũ tác giả sân khấu hiện nay không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng.
NSND Trần Quốc Chiêm- Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội dẫn chứng, trong 10 năm trở lại đây, Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội đã mở nhiều khóa biên kịch kịch hát dân tộc mà biên kịch kịch hát dân tộc là công việc vô cùng khó mà không ai dám chủ quan cho rằng cứ học là làm được. Bên cạnh năng khiếu, công sức đào tạo còn có cả tâm huyết với nghề mình chọn mới hy vọng có thành công. Đội ngũ tác giả trẻ hiếm hoi như vậy đã dẫn đến tình trạng thiếu kịch bản trầm trọng. Việc thiếu kịch bản dẫn đến tình trạng có đơn vị nghệ thuật phải tìm dựng những kịch bản cũ hoặc những kịch bản đã dàn dựng của các bộ môn khác…
Có thể nói, câu chuyện kịch bản sân khấu nói chung và với Hà Nội nói riêng đang bộn bề những lo toan. Để giải quyết, điều quan trọng nhất thì tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên… phải thể hiện bản lĩnh, dấn thân, nhập cuộc hết mình cùng với cái nhìn đúng đắn. Cùng với đó, các cấp lãnh đạo cần đặc biệt quan tâm hơn nữa đến việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ, quan tâm chế độ đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ, giúp họ giải quyết những khó khăn trong cuộc sống đời thường.