Airbus sa thải 16 nhân viên tình nghi là gián điệp cho quân đội Đức
Các nhân viên tập đoàn Airbus đã tiếp cận được nhiều tài liệu quân sự bí mật của quân đội Đức liên quan đến hai dự án mua sắm khí tài quân sự đã được lên kế hoạch.
Máy bay A350 1000 của Airbus trình diễn tại Triển lãm hàng không quốc tế Paris ở Le Bourget, Pháp, ngày 18/6/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN).
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, truyền thông Đức ngày 1/12 đưa tin Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus của châu Âu đã sa thải 16 nhân viên liên quan đến một vụ việc khiến Berlin phải mở một cuộc điều tra về nghi vấn hoạt động gián điệp công nghiệp.
Theo hãng thông tấn quốc gia DPA của Đức, lãnh đạo tập đoàn Airbus đã xác nhận việc sa thải những nhân viên này song không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Trong một tuyên bố, Airbus cho biết Tập đoàn này đang tiến hành đánh giá nội bộ với sự hỗ trợ của một công ty luật bên ngoài. Ngoài ra, Airbus cũng đang hợp tác đầy đủ với các cơ quan hữu quan để giải quyết vấn đề này.
Trước đó hồi tháng 9, nhiều nguồn tin từ tập đoàn Airbus cho biết các công tố viên Đức đang điều tra về nghi ngờ có hoạt động gián điệp nội bộ của các nhân viên Airbus trong hai dự án vũ khí giữa tập đoàn này với quân đội Đức.
Cụ thể, các công tố viên thành phố Munich đang tiến hành điều tra 17 nhân vật đã biết tên và nhiều nhân vật khác chưa xác định được danh tính, liên quan tới hành vi tiết lộ hoặc xúi giục tiết lộ các bí mật thương mại và bí mật của công ty.
Theo các nguồn tin trên, những nhân viên này đã bị triệu tập tới Cơ quan Truyền thông, Tình báo và An ninh (CIS) có trụ sở tại thành phố Munich, nơi chuyên xử lý các vụ việc liên quan đến vấn đề an ninh mạng và các hoạt động liên quan.
Theo truyền thông Đức, các nhân viên tập đoàn Airbus đã tiếp cận được nhiều tài liệu quân sự bí mật của quân đội Đức liên quan đến hai dự án mua sắm khí tài quân sự đã được lên kế hoạch, trong đó có dự án mua lại một hệ thống liên lạc.
Đức cùng với Pháp và Tây Ban Nha là những quốc gia nắm giữ cổ phần đáng kể trong Airbus, vốn được coi là "át chủ bài" trong lĩnh vực vận tải và quốc phòng.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Airbus đã phải đối mặt với một loạt cuộc điều tra, nhiều trong số đó có liên quan tới vai trò của Airbus là nhà thầu quốc phòng cho các chính phủ trên thế giới.
Tại Đức, hồi năm ngoái, Airbus đã phải nộp phạt hơn 81 triệu euro (90 triệu USD) để dàn xếp một cuộc điều tra tham nhũng xung quanh hợp đồng bán 18 máy bay chiến đấu cho Australia.