Mua sắm online: Người tiêu dùng vẫn thiếu niềm tin
Xu hướng mua sắm online đang ngày càng phổ biến và dần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Đây là cơ hội để sàn thương mại điện tử phát triển. Tuy nhiên, phần lớn người tiêu dùng Việt Nam vẫn chỉ mua hàng giá rẻ khi mua hàng online bởi vẫn chưa thực sự tin tưởng vào loại hình giao dịch này.
Người tiêu dùng vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào sàn thương mại điện tử.
Xu hướng mua hàng trực tuyến phát triển mạnh
Càng ngày, nhu cầu mua sắm của người dân càng gia tăng do thu nhập được nâng lên. Cùng với sự phát triển của công nghệ, thương mại điện tử cũng trở thành kênh lựa chọn khá phổ biến của người tiêu dùng bởi tính thuận tiện, nhanh và giảm nhiều chi phí về thời gian cũng như vận chuyển. Theo đó, thay vì tìm đến tận nơi các cửa hàng truyền thống để mua sắm, nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn kênh thương mại điện tử để giao dịch, mua bán. Theo TS Võ Trí Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, thói quen của người tiêu dùng ngày càng thay đổi, họ lựa chọn các kênh mua sắm trực tuyến nhiều hơn. “Người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ như đồng hành cùng các thiết bị di động, mạng xã hội và ngày càng thích nghi với việc mua sắm online”- ông Thành nhận định.
Cho rằng, xu hướng phát triển của thương mại điện tử sẽ ngày càng mạnh mẽ ở trong nước, Giám đốc Khu vực miền Bắc - Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam Đặng Thúy Hà cho hay, kết cấu dân số của Việt Nam đang ở mức trẻ, có khả năng tiếp cận internet nhanh. Do đó, người tiêu dùng Việt Nam có hứng thú trải nghiệm với những sản phẩm mới. Điều này thúc đẩy các thương hiệu mới phát triển. Một điểm nữa, tầng lớp trung lưu - nền tảng của tiêu dùng đang tăng nhanh. Tỷ lệ người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm chất lượng cao chiếm đến gần 26% thị phần nhóm hàng tiêu dùng nhanh… Những điều này tạo ra cơ hội lớn cho các DN có thể thích ứng với những thay đổi của thị trường và bắt kịp các xu hướng mới.
Chỉ chọn mua hàng giá rẻ
Tuy nhiên, có một đặc điểm là, phần lớn người tiêu dùng mua hàng online chỉ chú trọng mua hàng giá rẻ. Hầu như những sản phẩm đắt tiền người dân đều tìm đến tận cửa hàng để tìm hiểu rồi mới quyết định bỏ tiền ra mua hay không. Điều này được TS Võ Trí Thành khẳng định và cho biết, dù phần lớn người Việt ưa thích mua sắm trực tuyến, nhưng đa số là các mặt hàng giá rẻ vì họ vẫn lo ngại về yếu tố chất lượng sản phẩm, thanh toán an toàn.
Quả thực, theo khảo sát của PV, phần lớn người tiêu dùng chỉ chọn mua hàng online giá rẻ, rất nhiều người tiêu dùng cho biết, họ sợ mua sắm trực tuyến do không ít lần bị chủ hàng lừa vì sản phẩm không đúng như quảng cáo. Chính bởi vậy, họ không dám yên tâm và trao niềm tin cho việc mua sắm trực tuyến mà theo họ là “đầy tính rủi ro”. Điều này cho thấy, niềm tin của khách hàng đối với sàn thương mại điện tử vẫn còn khá mong manh. Bởi vậy, để có được lòng tin với khách hàng và có thể trụ vững trên thị trường, các DN kinh doanh online cần thực sự chân thành với người tiêu dùng. “Các nhãn hàng phải tạo ra nhiều lợi ích cho khách hàng và xã hội, thái độ, dịch vụ chăm sóc khách hàng phải hết sức tận tâm. Khi DN tạo được thương hiệu, tạo được chữ tín, khách hàng họ sẽ tự tìm đến” – TS Võ Trí Thành khuyến cáo.
Trao đổi về xu hướng tiêu dùng của người Việt, giới chuyên gia cho rằng, với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của thương mại điện tử, các DN cần nắm cơ hội này để thúc đẩy sản xuất, đưa ra những sản phẩm mới phù hợp với xu hướng này. Ở đây, không chỉ yêu cầu sự nâng lên của chất lượng sản phẩm mà cả yêu cầu về thái độ phục vụ, dịch vụ chăm sóc khách hàng…
Theo đánh giá mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới thì Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã tăng lên thứ hạng 67, tăng 10 bậc và 3,5 điểm trong một năm vừa qua. Báo cáo này cũng cho biết, Việt Nam là quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất toàn cầu, nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới. Đây là tiền đề để các DN Việt chinh phục thị trường trong nước, nâng cao vị thế của mình ngay trên “sân nhà”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia để có có một hệ sinh thái thương mại điện tử, “sân chơi” đủ lớn cho DN Việt phát triển điều đầu tiên là cần hoàn thiện khung pháp lý.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Bùi Huy Hoàng- Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương) cho rằng, các DN cũng như người tiêu dùng Việt hiện đang đứng trước cơ hội chuyển mình từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và những lợi ích to lớn của xu thế hội nhập toàn cầu. “Tuy nhiên, thương mại điện tử tại Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại cũng như thách thức trong phát triển bền vững. Để thương mại điện tử tận dụng tối đa tiềm năng, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cũng như cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng logistic”- ông Bùi Huy Hoàng nhấn mạnh.