Suy dinh dưỡng ở trẻ: Cần đặc biệt quan tâm
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm phát triển nòi giống, nhất là với trẻ em, trong đó có luôn chú trọng tới chiều cao, cân nặng, phòng chống bệnh tật, củng cố độ bền cũng như phát triển trí tuệ. Tuy nhiên, việc suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn còn nhiều vấn đề phải quan tâm, nhất là với trẻ em ở vùng núi, vùng sâu vùng xa điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
Thường xuyên đo chiều cao để kiểm tra sự phát triển của trẻ.
Cùng với những chính sách của Đảng, Nhà nước thì sự quan tâm tới sức khỏe, sự phát triển của trẻ cần phải được quan tâm trước hết từ mỗi gia đình. Không chỉ lo cho trẻ bữa ăn ngon là đủ, mà còn nhiều việc khác không thể không làm vì tương lai của chính con em mình.
Để tránh trẻ suy dinh dưỡng ở trẻ thấp còi, cha mẹ cần nắm rõ những giai đoạn phát triển của con em mình. Các bậc cha mẹ không nên chỉ quan tâm đến cân nặng của con, mà phải chú ý cả chiều cao. Ngay từ khi sinh, cần đo chiều dài của trẻ, con số này rất quan trọng, nó phản ánh tình trạng phát triển của trẻ. Đồng thời hãy lưu tâm đến những giai đoạn quan trọng phát triển chiều cao và cân nặng của trẻ.
Cần hiểu rằng, ở giai đoạn bào thai: Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai hoặc sinh non tháng, nhẹ cân, chiều cao thấp, thì nguy cơ suy dinh dưỡng thấp còi rất cao. Giai đoạn từ sơ sinh đến 2 tuổi: Chiều cao của trẻ lúc 2 tuổi bằng ½ chiều cao của trẻ lúc trưởng thành, vì vậy cách nuôi trẻ dưới 2 tuổi là vô cùng quan trọng. Giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì: Với trẻ gái từ 8 đến 14 tuổi, trẻ trai từ 9 đến 16 tuổi là giai đoạn phát triển “đột phá chiều cao”. Trẻ gái sau khi hành kinh, trẻ trai sau 18 tuổi sẽ rất khó có thể cao thêm được nữa.
Còn về cân nặng, cũng giống như chiều cao, có tốc độ phát triển mạnh ở 3 tháng cuối của thai kỳ, trong 3 năm đầu sau sinh và lứa tuổi thanh thiếu niên 12 đến 20 tuổi. Nếu có sự bất thường trong tốc độ tăng trưởng của trẻ, đột ngột giảm hoặc tăng, thì cha mẹ cần phải xem xét lại xem trẻ có vấn đề gì không, để có cách khắc phục.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc trẻ suy sinh dưỡng thể thấp còi. Trong đó đáng lưu ý:
-Khi thiếu dinh dưỡng hoặc mắc bệnh trong thời kỳ mang thai khiến cho thai nhi chậm phát triển trong tử cung cũng chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến trường hợp trẻ bị sinh non và bị duy dinh dưỡng ngay từ khi sinh ra.
-Bên cạnh đó, một số trường hợp bé không thể bú mẹ do nhiều nguyên nhân hoặc các bà mẹ bị tắc tuyến sữa hay sữa ít nhưng lại không chú ý bổ sung thêm chất dinh dưỡng hợp lý.
-Trẻ mắc các bệnh lý nhiễm trùng: Những bệnh lý trẻ thường mắc phải là viêm đường hô hấp, tiêu chảy,..nhất là ở những trẻ không được bú sữa mẹ thì sác xuất mắc bệnh sẽ cao hơn những trẻ bình thường. Khi bệnh trẻ thường cảm thấy khó chịu và biếng ăn.
-Những kháng sinh trong thuốc không chỉ tiêu diệt các vi trùng gây hại cho cơ thể, mà còn tiêu diệt các vi khuẩn có lợi ở đường ruột dẫn đến rối loạn đường tiêu hóa kéo dài, điều này khiến trẻ biếng ăn và thức ăn không được hấp thụ triệt để. Vì vậy, việc cho trẻ uống thuốc nhất thiết phải có chỉ định của bác sĩ, cha mẹ không được tự ý cho trẻ uống thuốc khi đau yếu.
-Chế độ dinh dưỡng không đảm bảo cũng được coi là nguyên nhân quan trọng dẫn tới việc trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi. Trong đó có việc trẻ không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng đặc biệt là các vi chất giúp trẻ phát triển chiều cao tốt. Trẻ thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, khiến trẻ không hấp thu được các dưỡng chất, nhất là thiếu các loại vitamin cần thiết cho phát triển chiều cao như canxi, sắt, kẽm, vitamin D, vitamin A…
Vì vậy, điều rất quan trọng là phải sớm phát hiện, xác định nguyên nhân chính dẫn tới việc con em mình suy dinh dưỡng thể thấp còi. Từ đó giúp cho các bậc cha mẹ dễ dàng hơn trong việc chữa trị và chăm sóc trẻ được tốt hơn.
Trẻ em vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn cần được chăm sóc chu đáo ngay từ trong gia đình.
Về vấn đề này, các bậc che mẹ cần phát hiện nhanh các triệu chứng sau ở con em mình:
-Trẻ biếng ăn hoặc ít ăn.
-Có tình trạng rối loạn tiêu hóa thường xuyên.
-Trẻ thường xuyên hay quấy khóc, kém hoạt bát và chậm biết đi.
-Chậm tăng cân, chiều cao trong 2 đến 3 tháng.
-Khó ngủ, ngủ giật mình, hay quấy khóc.
-Xuất hiện “hạt gạo” trên móng tay.
-Tóc thưa, dễ rụng, da khô.
-Dễ mắc các bệnh lý về nhiễm trùng.
Cần lưu ý, khi trẻ suy dinh dưỡng hệ thấp còi thường ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, trí tuệ, ảnh hưởng đến chất lượng nòi giống. Cụ thể:
-Nếu xảy ra trước 6 tuổi, trẻ sẽ chậm phát triển chiều cao, trí tuệ, trí thông minh.
-Về lâu dài, trẻ thấp còi không được can thiệt kịp thời, sau này trưởng thành có chiều cao thấp, và thường có nguy cơ tử vong cao, dễ mắc các bệnh hơn so những đưa trẻ bình thường, đồng thời khả năng làm việc, lao động cũng kém hơn.
-Trẻ gái bị suy dinh dưỡng thấp còi lớn lên có nguy cơ trở thành người phụ nữ thấp bé và khi sinh con thì nguy cơ suy dinh dưỡng thấp còi cho con cao hơn.
Với đồng bào miền núi, vùng sâu vùng xa, kinh tế gia đình còn khó khăn, chăm sóc sức khỏe qua hệ thống y tế còn hạn chế, thì việc trang bị kiến thức về tình trạng suy dinh dưỡng ở con em mình lại càng cần thiết. Điều đó bảo đảm cho trẻ phát triển bình thường, ít bệnh tật.
Cùng với việc tiếp nhận kiến thức của cán bộ y tế thôn bản, thì các bậc cha mẹ cần chủ động tự trang bị kiến thức cho mình để áp dụng ngay trong gia đình. Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý, khi trẻ đã bị dạng thiếu dinh dưỡng, hay mắc bệnh, thì tuyệt đối không tự ý mua thuốc cho trẻ uống. Mà phải tới các cơ sở y tế khám cho trẻ; đồng thời tuân thủ chỉ định của bác sĩ, nhất là khi cho trẻ uống thuốc hoặc điều chỉnh chế độ ăn uống.