'Lạc lối', hay những mảng đời mạt kiếp
Nhìn vào gáy năm cuốn sách của nhà văn Thùy Dương đang được xếp chằn chặn cạnh nhau trên giá, tôi chợt nhận ra Thùy Dương là nhà văn của những tiểu thuyết có nhan đề đúng hai chữ: “Ngụ cư”, “Thức giấc”, “Nhân gian”, “Chân trần”, và bây giờ là “Lạc lối” (NXB Trẻ, 2019). Điều này khiến tôi nghĩ đến Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (1906–1963), người huyện Cẩm Giàng, đồng hương Hải Dương với chị, một nhà văn cũng đặc biệt ưa thích các nhan đề sách hai chữ “Nho phong”, “Nắng thu”, “Đoạn tuyệt”, “Lạnh lùng”, “Đôi bạn”, “Bướm trắng”.
Dĩ nhiên, đây chỉ là một so sánh thuần túy hình thức, vụn vặt và cũng đầy khập khiễng, nhưng dù vậy, một cách trớ trêu, Nhất Linh cũng không thể làm được cái điều mà Thùy Dương đã và đang làm được bằng các tiểu thuyết có nhan đề hai chữ của chị: kể câu chuyện về những mảng đời mạt kiếp trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI.
“Lạc lối” có ba nhân vật chính, là ba người bạn gái thân thiết với nhau từ thuở thanh mai trúc mã: Ngà, Nguyên, và Trúc Thanh (riêng Trúc Thanh được tác giả cho gánh thêm nhiệm vụ của nhân vật người kể chuyện xưng Tôi, để cùng với nhân vật người kể chuyện vô nhân xưng tạo thành hai giọng kể đan mắc luân phiên suốt hơn 300 trang tiểu thuyết). Ba cuộc đời đàn bà khác nhau nhưng dường như chưa lúc nào rời nhau ấy đã giống như là cái tam vị để tạo nên một nhất thể mà tôi tạm gọi là “diễn ngôn giới nữ” của Thùy Dương, hình dung về người đàn bà của thời đại mình đang sống, không phải người thiếu nữ ngây thơ hơn hớn, cũng không phải bà lão phụ mòn mỏi về chiều, mà là người đàn bà đương độ thành thục và sung mãn trên mọi phương diện: từ thể chất đến nhận thức, từ trải nghiệm tình yêu/ tình dục đến những cọ xát va đập đủ loại với cuộc đời.
Người đàn bà ấy, ở khía cạnh đáng nể, thậm chí đáng sợ nhất, hiện thân bằng nhân vật Trúc Thanh. Không còn một chút gì thuộc về những mô hình phụ nữ truyền thống, như “Tam tòng tứ đức” hay “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” hoặc “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, Trúc Thanh luôn xông lên phía trước, giành lấy và sở hữu mọi thứ mình muốn bằng tất cả những phẩm chất sẵn có: sắc đẹp, sức hấp dẫn tính dục, thông minh và đầy bản lĩnh, bén nhạy trong phán đoán, khôn khéo trong ứng xử, quyết đoán lạnh lùng trong các tình huống ngổn ngang dang dở. Trúc Thanh tạc dạ lời tâm sự của ông bạn họa sĩ: “Đàn bà thường nhẹ dạ khi yêu, cứ tưởng khi hết lòng phụng hiến và hy sinh thì sẽ được đền đáp. Đâu ngờ với đàn ông, nhất là có quyền lực hay coi trọng quyền lực thì muốn có được tấm chân tình của họ không dễ”... Trúc Thanh đã “dốc sức” từ hai bàn tay trắng, và điều cô đạt được thì còn hơn cả mơ ước. Mọi ý nghĩ, tình cảm, lời nói, hành động của Trúc Thanh đều thấm đẫm tính mục đích, thậm chí ngay cả khi tưởng như cô đã hoàn toàn buông mình trong những thú vui thân xác. Duy nhất một lần Trúc Thanh “lỡ lời”, ấy là lúc cô phát biểu trong một hội thảo về kinh tế tư nhân: “Chúng tôi cũng muốn được đàng hoàng minh bạch, được cạnh tranh sòng phẳng, được mở mày mở mặt với thiên hạ lắm chứ. Nhưng vẫn cứ phải đối phó phải quanh co, phải đi đêm đi hôm là vì ai, vì ai mới được? Các ông ấy “ăn” thì cứ “ăn”, nhưng cũng phải biết “nuôi” chúng tôi với chứ”. Nhưng ngay sau đó, ta lại thấy Trúc Thanh vui vẻ nói với Ngà chuyện chồng mình về làm sếp mới ở cơ quan nhà nước của Ngà, nơi luôn sục sôi như một đấu trường giữa các phe nhóm (và Ngà có dự phần).
Người đàn bà ấy, ở khía cạnh đáng thương nhất, hiện thân bằng nhân vật Ngà. Xinh đẹp, và ngoài xinh đẹp ra thì chẳng còn gì khác. Hay nói cho đúng hơn, ngoài cái diện mạo bắt mắt trời cho, mọi thứ ở Ngà đều ở mức của mẫu số chung tầm thường: từ năng lực cá nhân, bản lĩnh, ý chí, cho đến những toan tính, những tham vọng, và cả thói đố kỵ ghen ghét cũng… rất đỗi chị em. Nhưng có lẽ nhờ thế, phẩm chất trung bình cộng mang tính phổ quát ấy thể hiện đủ đầy nhất ý niệm của nhà văn về sự “lạc lối” của con người thời hiện tại. Đấy là vong thân. Là tình trạng con người đánh mất chính mình trong sự cuốn xô không ngừng của những lớp sóng đời. Con người không tìm được lối để về với cái tự tính uyên nguyên của bản ngã. Công việc, gia đình, quyền chức, tiền bạc, những mối quan hệ xã hội, những lợi ích cá nhân, những bận tâm nho nhỏ… tất cả đều có thể là những tha lực liên tục kéo con người thời hiện tại đi rất xa đến mức đôi khi họ ngỡ ngàng không hiểu nổi mình đang ở đâu, làm gì, và đâu là ý nghĩa của toàn bộ những loay hoay rối rít trong cuộc tồn sinh của mình suốt bấy nay? Ngà bị rơi vào cuộc đấu đá tranh đoạt trong cơ quan một cách bất tự giác. Cô không rõ lắm về cái phần “quả thực” đang vẫy gọi ở thì tương lai, nhưng vẫn lẽo đẽo vì cuộc đấu đá tranh đoạt cho “phe mình”, cho dẫu căng thẳng, mệt mỏi, chán nản, thất vọng, cô đơn… Ngà từng triết lý một cách dung tục khi đang còn hào hứng đấu tranh: “Cuộc đời suy cho cùng khác gì một bãi nước tiểu, nốc cho khỏe vào để rồi phải tìm cách xả cho nhanh”. Nhưng khi ván bài đã ngả, mọi sự đã ê chề, thì: “Cuộc đời suy cho cùng để làm gì nhỉ - đâm đầu, va đập, giẫm đạp lên nhau để chạy đua. Chả cần biết chạy được đến nơi nào đó rồi lại ngỡ hóa ra không!”. Như thế, sống mà như không sống, sống mà như chỉ để bị chìm trong một thứ hư vô chủ nghĩa cộc cằn.
Người đàn bà ấy, ở khía cạnh đáng ngại nhất, hiện thân ở nhân vật Nguyên. Một kiểu “thầy” – thầy cúng, thầy pháp, nghiêng về phía những hoạt động mang màu sắc tín ngưỡng, tâm linh – nhưng lại nửa đạo nửa đời. Nguyên vừa có cái huyền bí của người mang chút năng lực siêu tự nhiên (sau một cơn bạo bệnh tưởng chết), lại vừa có nét minh triết của kẻ già dặn lẽ đời, luôn giữ được sự bình thản để tìm ra cách ứng phó tốt nhất trước mọi biến động. Nguyên được tất cả mọi người tôn trọng, thậm chí kính cẩn, xem như là nguồn sức mạnh có thể trấn an những băn khoăn về nỗi hung cát, có thể cầu cúng trấn yểm để hóa giải những ám chướng đang vây bủa, khơi thông những luồng năng lượng thiêng, ngõ hầu giúp người ta thay đổi vận khí theo hướng tích cực, thậm chí hiện thực hóa cả những tham vọng về quyền lực và tiền bạc. Ai nhờ Nguyên cũng giúp, nhưng không phải giúp với tư cách của “người được lựa chọn”, mà với tư cách của người đang hành nghề “thầy”. Chuyện gì Nguyên cũng biết cả, nhưng không mấy áy náy về việc trong đám người nhờ cậy kia có những kẻ đang đối đầu nhau cực kỳ quyết liệt. Và cái tình thế thầy bà lập lờ thiêng và phàm này đã bị nhà văn lật tẩy bằng một “xen” đối thoại thú vị giữa Trúc Thanh với Nguyên: “ -Mà đừng có giấu, tôi biết rõ là thù lao đẫy túi đấy… - Có thế mới duy trì được ngôi đền chứ. Tam Tạng đi thỉnh kinh còn để lại bát vàng kia kìa. -Thế tiền thừa bà để cho ai? - Ông em trai vừa lười vừa phá, mặc xác. Chắc mấy đứa cháu thì phải giúp cho một ít. Tôi định mua thêm khu đất bên cạnh làm vườn cho đẹp. Người ta về đền còn có chỗ vãn cảnh”…
Chính từ nhân vật bà “thầy” này mà “Lạc lối” của Thùy Dương đã chạm đến và gọi trúng tên cái nỗi sợ hãi mơ hồ mà vô cùng phổ biến trong bầu khí quyển tinh thần của xã hội. Dấu hiệu của nó, từ góc quan sát của Nguyên, là việc tượng Phật Di Lặc – ông Phật chỉ xuất hiện ở thời mạt kiếp để cứu độ nhân loại - được bày ở khắp nơi, nhất là trong các tư thất quan quyền. Cái cảm quan về thời mạt kiếp thấm suốt cuốn tiểu thuyết, trong sự “lạc lối” của các nhân vật, trong cái nháo nhác cuống cuồng của những tranh giành và hưởng thụ, lật lọng và tước đoạt, lừa đảo và móc ngoặc, bày mưu và triệt hạ, xì xụp cầu cúng và đặt “cục gạch” để giành quyền ưu tiên, v.v… Không gian trong “Lạc lối” đúng là không gian của mạt kiếp, bời bời xáo trộn, bức bách tức thở và đầy sự thù địch với con người...
Thật ra, trong văn chương Việt Nam đương đại, cảm quan về thời mạt kiếp đã từng xuất hiện ở truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp – được nhà nghiên cứu La Khắc Hòa gọi là “thời mạt”, với những đặc trưng “động rừng”, “loạn cờ” – nhưng ở tiểu thuyết “Lạc lối” của Thùy Dương, cảm quan ấy được nhấn sâu thêm bởi những quan sát và cọ xát trong rất nhiều năm của chị với giới doanh nhân và những liên minh chìm nổi của giới này, trong tư cách một nhà báo (Thùy Dương từng là phó Tổng biên tập báo Diễn đàn doanh nghiệp, hiện chị là Tổng biên tập tạp chí Thương gia). Nên ở “Lạc lối”, Thùy Dương đã không giữ giọng văn đằm thắm, nhân hậu như trước nữa, mà sắc, đanh, lạnh, phũ. Lời cầu xin của nhân vật Ngà ở cuối cuốn tiểu thuyết: “Cầu cho giọt nước mắt này sẽ khô đi cho một ngày mới trong trẻo và an lành sẽ đến” là một vọng âm đầy tuyệt vọng. Nhưng có thể, với tác giả, vọng âm ấy vẫn leo lét một hy vọng nào đấy, cho dẫu mơ hồ…