Khẳng định vai trò của Mặt trận trong thực hiện dân chủ ở cơ sở
Chiều 3/12, tại Hội thảo Khoa học “Vai trò của MTTQ Việt Nam trong thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn – thực trạng và giải pháp” do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức, GS.TS. Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở vì MTTQ Việt Nam là linh hồn của đại đoàn kết, là tác nhân quan trọng của dân chủ, của đồng thuận mạnh mẽ cho nên phải tỏ rõ vai trò tiên phong trong lý luận về dân chủ - đoàn kết và đồng thuận.
TS. Nguyễn Quang Minh, TS. Phạm Thị Hồng chủ trì Hội thảo
Hội thảo do TS Nguyễn Quang Minh, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam; TS Phạm Thị Hồng, Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì và thu hút nhiều vị trong Hội đồng tư vấn của UBTƯ MTTQ Việt Nam, đặc biệt là sự góp mặt tham gia ý kiến của đại diện Ủy ban MTTQ một số quận, huyện, phường, xã thuộc TP Hà Nội.
Đến từ cơ sở, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội Võ Hoàng Long cho rằng: Thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường theo quy định là phải công khai để dân biết, những nội dung nhân dân bàn và quyết định, những nội dung nhân dân giám sát. Từ thực tiễn, để có hiệu lực hiệu quả vai trò của Mặt trận trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở , ông Võ Hoàng Long đề xuất giải pháp: Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là việc thực hiện dân chủ ở xã, phường đến các tầng lớp nhân dân nhằm phát huy vai trò giám sát, làm chủ của quần chúng nhân dân trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Và bên cạnh đó, một giải pháp quan trọng là củng cố đội ngũ cán bộ Mặt trận quận và cơ sở vững mạnh.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Quang Đạo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Tây Hồ đề cập tới quy chế dân chủ trong cơ chế chính sách giải phóng mặt bằng. Theo ông Đạo, qua triển khai, thực hiện một số công trình, dự án ở cơ sở, đã bộc lộ một số vấn đề tồn tại, bất cập do quy chế dân chủ chưa thực sự đi vào cuộc sống. Công tác giải phóng mặt bằng là việc phức tạp, ảnh hưởng đến lợi ích của người dân và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự tại cơ sở. Trong khi đó, người dân lại không nắm đủ 4 yếu tố “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhất là hai yếu tố ban đầu.
Chủ tịch UB MTTQ quận Tây Hồ Trần Quang Đạo chia sẻ tại Hội thảo.
Đề xuất giải pháp, theo ông Trần Quang Đạo, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền và người đứng đầu, đặc biệt là chính quyền cơ sở thực hiện Quy chế dân chủ trong giai đoàn chuẩn bị đầu tư các Dự án. Người dân phải được biết, trao đổi thông tin và bàn để thống nhất. Bên cạnh đó tăng cường nguồn lực cho giám sát đầu tư của cộng đồng ở khu dân cư được phát huy, cũng như tăng cường nguồn lực để hỗ trợ MTTQ các cấp trong triển khai thực hiện.
Ở một góc nhìn khác, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Thắm chia sẻ về hoạt động giám sát thực hiện quy chế dân chủ trên địa bàn các xã, thị trấn. Và từ thực tiễn đã phát hiện nhiều bất cập: Pháp lệnh thực hiện dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn ban hành đã 12 năm, một số nội dung hiện nay không còn phù hợp, như: hình thức công khai tại trụ sở HĐND-UBND, trên loa truyền thanh, tỷ lệ nhân dân theo dõi có ý kiến là rất ít, do vậy một số nội dung công khai còn mang tính hình thức, hoặc một số nội dung yêu cầu công khai nhưng chính quyền còn chưa thực hiện nghiêm túc.
Đó còn là trình độ chuyên môn, kỹ năng giám sát của một số thành viên các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng còn hạn chế, không có chuyên môn sâu về tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về xây dựng cơ bản.
“MTTQ giám sát việc thực hiện của chính quyền, nhưng lại phụ thuộc ngân sách của chính quyền hỗ trợ, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng của các cuộc giám sát. Chưa kể, việc phát huy dân chủ hiện nay ở một số nơi nhân dân bị lợi dụng, lôi kéo và thực hiện dân chủ quá chớn”, bà Thắm khẳng định.
Do đó, bà Nguyễn Thị Thắm kiến nghị, cần nâng Pháp lệnh thành Luật thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Có chế tài và kiên quyết xử lý các cấp chính quyền không công khai dân chủ với nhân dân và xử lý nghiêm những trường hợp cố tình lợi dụng dân chủ để làm giảm uy tín của Đảng, của các cấp chính quyền.
Bà Thắm cũng cho rằng, cần tiếp tục xác định công tác giám sát thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là một nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và tạo sự đồng thuận xã hội.
Lắng nghe những chia sẻ cũng như kiến nghị về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội, GS.TS. Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, có một mối liên hệ mật thiết giữa Mặt trận với dân chủ, nhất là thực hiện dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn.
GS.TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, Nguyên Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu.
Mối liên hệ này thể hiện sự tương tác biện chứng giữa vai trò của Mặt trận với tư cách là một thiết chế chính trị - xã hội đặc thù của hệ thống chính trị với dân chủ và dân chủ cơ sở xét trên phương diện thể chế và giá trị xã hội. Sự vận động dân chủ hoá toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội để thực hiện dân chủ, quyền làm chủ của người dân, nhất là ở cơ sở, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát triển và hoàn thiện nhà nước pháp quyền đòi hỏi sự nỗ lực của từng thành viên trong hệ thống chính trị và của toàn xã hội, trong đó tính chủ động, sáng tạo của MTTQ Việt Nam đóng vai trò cốt yếu và quan trọng.
“Đoàn kết và đồng thuận xã hội chỉ có thể thực hiện với tiền đề và điều kiện là dân chủ và dân chủ ở cơ sở”, GS.TS. Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
Nêu giải pháp GS.TS. Hoàng Chí Bảo cho rằng, cần phải làm rõ mối quan hệ lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước với Mặt trận, trước hết ở cấp vĩ mô – toàn quốc, cụ thể hóa tới địa phương và cơ sở. Lãnh đạo Đảng phải quyết liệt thay đổi tư duy lãnh đạo, đề xuất quan điểm, nguyên tắc để thể chế hóa thành luật và chính sách của Nhà nước phù hợp với Hiến pháp về vấn đề xác định tổ chức Mặt trận là tổ chức chính trị - xã hội nhưng đội ngũ cán bộ Mặt trận không công chức hóa, chuyển hẳn sang hoạt động xã hội, theo phong cách Dân vận, từ đó chỉ đạo Quốc hội thay đổi phân bổ nguồn lực đầu tư từ ngân sách, xây dựng hệ thống thang bảng, ngạch bậc lương cho cán bộ Đảng, cán bộ Mặt trận và đoàn thể.
GS.TS. Hoàng Chí Bảo cũng cho rằng, cần xóa bỏ triệt để tình trạng do phụ thuộc vào lương nhà nước, do nhà nước “nuôi” nên không thể phản biện, không thể kiểm soát quyền lực các cơ quan công quyền cũng như hành vi của tổ chức và cá nhân đúng thực chất và hiệu quả. Đây cũng là tiếp tục đẩy mạnh Đảng tự đổi mới chính mình để thúc đẩy Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể đổi mới. Mặt trận là đối tượng thụ hưởng kết quả đổi mới này nên phải chủ động đề xuất dự án, chương trình, kế hoạch, biện pháp, bước đi thực hiện quyết sách lãnh đạo của Đảng.
Bên cạnh đó, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cán bộ, từ cán bộ lãng đạo chủ chốt đến cán bộ chuyên môn ở các cấp, nhất là cơ sở hiểu rõ và làm đúng dân chủ cơ sở và quy chế, pháp lệnh dân chủ cơ sở.
“Riêng UBTƯ MTTQ Việt Nam cần đi sâu nghiên cứu lý luận về dân chủ - đoàn kết và đồng thuận, mối quan hệ, điều kiện thực hiện. MTTQ Việt Nam là linh hồn của đại đoàn kết, là tác nhân quan trọng của dân chủ, của đồng thuận mạnh mẽ cho nên phải tỏ rõ vai trò tiên phong trong lý luận về dân chủ - đoàn kết và đồng thuận”, GS.TS. Hoàng Chí Bảo nói.
Quang cảnh Hội thảo.