Nhiều văn bản ban hành sai về nội dung và thẩm quyền
Theo Bộ Tư pháp, hiện cả nước có hơn 200 luật, khoảng 2.000 nghị định và hơn 6.000 thông tư có hiệu lực, mỗi năm các bộ ban hành khoảng hơn 1.000 thông tư. Tuy nhiên, vẫn tồn tại tình trạng các văn bản quy phạm pháp luật sai về nội dung, thẩm quyền, căn cứ pháp lý, thể thức, kỹ thuật và về trình tự, thủ tục ban hành. Trong đó, đáng quan tâm là những điểm sai về nội dung và thẩm quyền.
Một biếm họa cho thấy văn bản bất hợp lý vẫn tồn tại.
Không ít thách thức
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, kết quả rà soát văn bản của các bộ, ngành, địa phương trong 3 năm 2016, 2017, 2018 (trừ Bộ Kế hoạch - Đầu tư; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Ngoại giao; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông) tại các bộ, cơ quan ngang bộ đã rà soát được 21.952/21.952 văn bản; số văn bản kiến nghị xử lý: 4.394 văn bản; trong đó số văn bản đã xử lý là 3.856; chưa xử lý là 538 văn bản. Tại địa phương, tổng số văn bản phải được rà soát là 146.811 văn bản; số văn bản được rà soát 144.281 văn bản; số văn bản kiến nghị xử lý là 26.112 văn bản; số văn bản được xử lý là 23.322; số văn bản chưa xử lý là 3.790 văn bản. Bên cạnh việc rà soát thường xuyên, nhiều cơ quan cấp bộ, địa phương đã tổ chức rà soát văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực.
Riêng Bộ Tư pháp đã kiểm tra hơn 17.000 văn bản của cấp bộ và các địa phương. Qua đó, phát hiện 507 văn bản có quy định chưa phù hợp về nội dung và thẩm quyền, trong đó có hơn 400 văn bản của chính quyền cấp tỉnh. Đến nay, đã xử lý dứt điểm 412 văn bản, nhưng cũng có những văn bản mà cơ quan ban hành chưa có phương án xử lý, giải trình thuyết phục.
Cần thẳng thắn nhìn nhận là hệ thống pháp luật của chúng ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, trong đó có những tồn tại, hạn chế chậm được khắc phục dẫn đến thay vì tạo thuận lợi lại làm chậm hoặc cản trở những nỗ lực tốt đẹp. “Sự chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ, thậm chí mâu thuẫn với văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn là những vấn đề đã được nói tới nhiều trong thời gian qua. Nếu chúng ta làm tốt, làm đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật này thì chắc bức tranh đã khác, doanh nghiệp và người dân đã không phải than phiền nhiều về pháp luật, Chính phủ và Thủ tướng đã không phải có nhiều chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể để làm tốt hơn công tác hậu kiểm văn bản quy phạm pháp luật”- Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nói.
Tăng cường trách nhiệm
Công tác kiểm tra, rà soát đã có tác động rất tích cực tới tinh thần trách nhiệm của các cơ quan. Sau mỗi lần trao đổi về các văn bản sai sót thì tình hình chuyển biến tốt hơn, kịp thời ngăn chặn hậu quả của nhiều quy định chưa phù hợp, có những văn bản vừa ban hành đã phát hiện ra sai sót.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra, rà soát văn bản cũng có những điểm yếu. Hiện cả nước có khoảng 23.000 cơ quan có trách nhiệm làm việc này nhưng hoạt động cả hệ thống chưa đều, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Việc phát hiện một số văn bản có quy định trái pháp luật chưa kịp thời, có trường hợp gây ra hậu quả rồi mới xem xét xử lý và xử lý cũng không kịp thời. Việc xác định và khắc phục hậu quả còn gặp khó khăn, việc xử lý trách nhiệm nhìn chung mới dừng lại ở mức nhắc nhở.
Một trong những khó khăn là các bộ, ngành khi kiểm tra theo thẩm quyền và phát hiện văn bản trái pháp luật không chủ động được việc xử lý triệt để các văn bản này do các văn bản đó phải được cơ quan ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.
Từ thực tế này, Bộ Xây dựng đề xuất, đối với các văn bản trái pháp luật của địa phương ban hành đã được đôn đốc, nhắc nhiều xử lý nhiều lần nhưng chưa ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ thì sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường trách nhiệm đối với công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ một số văn bản đang không rõ về hiệu lực; hướng dẫn cụ thể hơn về xử lý trách nhiệm đối với việc ban hành văn bản trái pháp luật; tham mưu giao một cơ quan đầu mối quản lý, vận hành thống nhất Cơ sở Dữ liệu quốc gia về pháp luật.