Xây dựng một thế giới an toàn, không bạo lực
Từ ngày 25/11 - Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, đến ngày 10/12 - Ngày Quốc tế về nhân quyền, nhiều hoạt động và sự kiện đã, đang và sẽ được tổ chức tại các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước, bao gồm đối thoại chính sách, hội thảo, các cuộc thi nghệ thuật, triển lãm ảnh, đối thoại tại các trường đại học, giao lưu bóng đá và khiêu vũ với giới trẻ nhằm kêu gọi hành động chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam.
Các hoạt động này là một phần của Chiến dịch toàn cầu 16 ngày hành động chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới diễn ra hàng năm. Chiến dịch này cũng đồng hành cùng với chiến dịch UNiTE chấm dứt bạo lực với phụ nữ vào năm 2030 của Tổng Thư ký Liên hợp quốc huy động các Chính phủ, các tổ chức xã hội và công chúng trên toàn thế giới chung tay chấm dứt vấn nạn này. Cùng với màu cam để tượng trưng cho hy vọng và một tương lai tươi sáng không bạo lực, chủ đề toàn cầu của Chiến dịch năm nay là “Tô cam thế giới: Thế hệ bình đẳng chung tay chống lại bạo lực tình dục!”.
Chủ đề này nhấn mạnh sự cần thiết phải cùng nhau đứng lên, cùng nhau lên tiếng và cùng nhau hành động - chống lại “văn hóa không bị xét xử” đối với bạo lực tình dục và mọi hình thức bạo lực khác đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Bạo lực và lạm dụng đối với phụ nữ là một trong những vi phạm quyền con người phổ biến nhất, ảnh hưởng đến cuộc sống của một phần ba phụ nữ trên toàn thế giới. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là sự gia trưởng, quyền lực và kiểm soát tạo ra một môi trường xã hội trong đó bạo lực tình dục, và thậm chí là cưỡng hiếp, thường được bình thường hóa và hầu như không bị trừng phạt.
Tại Việt Nam, Nghiên cứu Quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ do Tổng cục Thống kê thực hiện, dưới sự điều phối của UNFPA tại Việt Nam năm 2010, cho thấy 58% phụ nữ đã từng kết hôn đã trải qua ít nhất 1 trong 3 hình thức bạo lực (thể chất, tinh thần hoặc tình dục) tại một số thời điểm trong cuộc sống của họ. Khoảng 50% nạn nhân đã không nói cho ai biết về bạo lực mà họ phải chịu đựng và 87% không tìm kiếm sự giúp đỡ từ các dịch vụ công.
Nghiên cứu Xét xử tội hiếp dâm của LHQ năm 2017 do UN Women, UNDP và UNODC hỗ trợ cho biết, Thái Lan và Việt Nam phải đối mặt với nhiều rào cản lớn về chính sách và thực tiễn về mặt xã hội, pháp lý và thể chế, dẫn tới khó khăn và thách thức trong việc tiếp cận công lý.
Bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam nói: “Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái có thể xảy ra với bất cứ ai xung quanh chúng ta. Bạo lực xảy ra trong cộng đồng và nơi chúng ta sinh sống, trên xe buýt và tàu hỏa, trong trường học và nơi làm việc. Bạo lực xảy ra trên mạng xã hội bao gồm cả lạm dụng và bắt nạt, và điều này cần phải được chấm dứt”.
Trong những năm gần đây, tiếng nói của nạn nhân và các nhà hoạt động về vấn đề bạo lực tình dục gây được sự chú ý thông qua các chiến dịch như #MeToo, #TimesUp, #NotOneMore, #BalanceTonPorc và những hoạt động khác. Sự bùng nổ của những chiến dịch này đã chứng tỏ rừng rằng chúng ta không thể giữ yên lặng hoặc bỏ qua vấn nạn này.
Ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam nói: “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ phải là ưu tiên hàng đầu của mọi nam giới và phụ nữ, chính phủ và doanh nghiệp. Cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng một thế giới là nơi cả nam và nữ, trẻ em trai và gái có thể hưởng cuộc sống an toàn không bạo lực. LHQ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tăng cường các nỗ lực để phá vỡ văn hóa im lặng và không bị xét xử, để đảm bảo rằng bạo lực tình dục là không thể dung thứ trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở bất cứ nơi nào tại Việt Nam.”
Bà Naomi Kitahara- Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam nói: “Ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ là điều chúng ta có thể làm được. Tất cả chúng ta đều có vai trò trong việc xây dựng văn hóa không khoan nhượng đối với bất kỳ hình thức bạo lực tình dục nào. Cùng nhau, chúng ta có thể làm cho Việt Nam an toàn hơn và công bằng hơn cho phụ nữ và trẻ em gái. Hãy chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam vì một tương lai không có bạo lực tình dục và bạo lực giới”.