Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Từng bước sẽ bỏ thi nâng ngạch

Mai Loan - Hoài Vũ (thực hiện) 04/12/2019 14:22

Sắp xếp tổ chức bộ máy trong các cơ quan hành chính Nhà nước, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã kết hợp với việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả là mục tiêu mà các Nghị quyết của Đảng trong nhiều nhiệm kỳ đặt ra. Đặc biệt, Nghị quyết 18 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã đề ra quan điểm chủ trương về định hướng, lộ trình, bước đi tổ chức thực hiện rất cụ thể.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc thể chế hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn chậm, thiếu đồng bộ và chậm đưa các chủ trương Nghị quyết đi vào cuộc sống. Vậy giải pháp nào để tháo gỡ những bất cập trên gắn với việc tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo thi nâng ngạch? Trao đổi với Tinh hoa Việt, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định sẽ thay đổi thủ tục, phương thức về văn bằng, chứng chỉ trong bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch công chức.Không để bằng cấp là gánh nặng đối với
cán bộ, công chức

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Từng bước sẽ bỏ thi nâng ngạch

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân.

PV:Thưa Bộ trưởng, công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo thi nâng ngạch, chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức và viên chức là vấn đề được dư luận xã hội rất quan tâm. Tuy nhiên thời gian qua đã bộc lộ những bất cập. Vậy tới đây Bộ Nội vụ sẽ có giải pháp nào để chấn chỉnh tình trạng trên?

- Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Trước tiên về tuyển dụng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 161. Nhưng tới đây Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu để sửa đổi, tạo thuận lợi hơn về mặt thủ tục cũng như cách làm. Ví dụ, trong tuyển dụng đầu vào có rất nhiều cách như: Có thể phỏng vấn, thi trên máy, thi viết hoặc trắc nghiệm tiếng Anh trên máy tính. Cách làm như vậy nhằm để nâng cao chất lượng lên.

Theo Nghị quyết 26, sắp tới chúng ta sẽ thành lập bộ phận kiểm định chất lượng đầu vào thống nhất trên phạm vi cả nước, theo từng khu vực, theo từng lĩnh vực ngành nghề. Như vậy có kiểm định đầu vào rồi, địa phương sẽ phỏng vấn để phù hợp với từng vị trí việc làm ở địa phương, đơn vị mình. Cho nên, tôi cho là, tới đây sẽ yên tâm về vấn đề chất lượng đầu vào. Về phần mình, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ Đề án kiểm định chất lượng đầu vào, trong đó sẽ có những tiêu chuẩn như: Kiến thức chuyên môn - các bộ, ngành, các trường đào tạo phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Tất cả các trung tâm kiểm định không làm thay các cơ sở giáo dục đào tạo. Các kiến thức kèm theo ví dụ như tốt nghiệp đại học phải có chứng chỉ bằng B về ngoại ngữ, trình độ về tin học văn phòng. Khi kiểm định chỉ lên máy làm chứ chúng ta không làm thay, vì đã quy định như vậy rồi, giờ kiểm định chất lượng đào tạo không kiểm định 2 vấn đề này nữa. Nghĩa là Nhà nước không làm 2 lần. Ví dụ, với tiếng Anh, chỉ kiểm tra lại xem anh có sử dụng được tiếng Anh hay không? Với cách đó sẽ sắp xếp các quy trình, phương pháp, có trung tâm kiểm định chung cho cả khu vực hay trung tâm cho lĩnh vực tùy theo ngành, nghề. Cách làm như vậy sẽ đơn giản về thủ tục và các cơ quan, địa phương khi tuyển dụng sẽ tiếp tục tuyển dụng bằng việc phỏng vấn xem vào vị trí mà họ đang cần có làm được hay không.

Nhưng hiện nay có thực tế là đang có những bất cập trong việc “cào bằng” về văn bằng, chứng chỉ, thưa Bộ trưởng?

- Bất cập hiện nay là chúng ta chưa phân loại yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ theo yếu tố cần và đủ, mà “cào bằng” toàn bộ vị trí việc làm. Mặt khác, có việc đòi hỏi phải có bằng cấp nhưng khi công chức thi vào lại phải học lại. Những quy định này có từ năm 1993. Một quy định hơn 20 năm không sửa, để cho thủ tục rườm rà, Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm về vấn đề này. Sau khi Luật cán bộ, công chức được sửa đổi, chúng tôi sẽ sửa ngay và thực hiện các quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch công chức không thêm bất cứ một hồ sơ, thủ tục nào nữa. Qua đó sẽ quy định kiểm định tiêu chuẩn bằng cấp, chứng chỉ theo phương thức thực chất, không để những chuyện bằng cấp là gánh nặng đối với cán bộ, công chức.

Vậy việc đổi mới phương thức thi, xét tuyển bằng phương thức mới cụ thể như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Như tôi đã đề cập ở trên, vấn đề kiểm soát chất lượng công chức có nhiều cách. Ví dụ tin học, ngoại ngữ bây giờ phải thi trên máy tính, bài làm sát hạch bằng tiếng Anh, không cần phải có văn bằng. Căn bản là làm sao để công chức đó có trình độ để làm việc chuyên môn của họ. Ở nhiều nước tiên tiến, việc tuyển chọn công chức rất thực tiễn, họ không cần văn bằng, chứng chỉ, mà thông qua phỏng vấn để xác định người ứng tuyển có tương xứng, phù hợp với vị trí cần tuyển hay không? Họ cũng không hỏi những câu hỏi về chuyên môn nữa vì những vấn đề đó tại các trường đại học đã dạy rồi. Thay vào đó họ sẽ hỏi sâu vào nguyện vọng, lý do và kỳ vọng của người ứng tuyển với vị trí công việc họ mong muốn. Từ đó họ chọn được những ứng viên phù hợp cho vị trí công việc đang cần tuyển.

Thưa Bộ trưởng, nếu như vậy thì tới đây quy định tiêu chuẩn văn bằng, chứng chỉ đối với công chức được đổi mới như thế nào?

- Sắp tới, quy định tiêu chuẩn về bằng cấp, chứng chỉ tập trung công tác hậu kiểm là chính, chứ không bắt buộc phải cung cấp văn bằng này, chứng chỉ kia. Cụ thể, yếu tố bằng cấp, chứng chỉ sẽ phân thành hai loại là: cần và đủ. Đối với những giấy tờ, bằng cấp cần có trong hồ sơ thì bắt buộc phải có. Còn những bằng cấp, chứng chỉ khác kèm theo có thể bổ sung sau. Sau này khi hậu kiểm, công chức phải chịu trách nhiệm về vấn đề chất lượng trình độ của chính mình. Ví dụ về ngoại ngữ, sắp tới đây chỉ có một số vị trí việc làm được xây dựng tiêu chuẩn ngoại ngữ bắt buộc. Những vị trí thường xuyên tham dự hội thảo, hội nghị, diễn đàn quốc tế đối với lãnh đạo từ cấp Vụ trở lên không thể dắt theo phiên dịch. Những người này sẽ được yêu cầu phải đọc được tài liệu và nói được ngoại ngữ.

Nhưng khi những tiêu chuẩn về văn bằng, chứng chỉ thay đổi vậy cách thức tuyển dụng công chức sẽ được thay đổi như thế nào để lựa chọn được những người có năng lực thực sự?

- Chúng tôi sẽ nghiên cứu sửa đổi thủ tục, cách làm khác với hiện nay để vừa tinh gọn, vừa nâng cao chất lượng công chức. Như tôi đã nói, sẽ thành lập các trung tâm, tổ chức kiểm định chất lượng công chức chung. Các trung tâm, tổ chức này sẽ tổ chức kiểm định chất lượng bằng các cách thức tổ chức thi tuyển kỹ năng thực tế, không quá chú trọng vào văn bằng, chứng chỉ.

Xây dựng vị trí việc làm theo 4 nhóm

Với cách làm mới như vậy, Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về việc xác định vị trí việc làm sắp tới sẽ như thế nào?

- Đề án vị trí việc làm trước đây về công chức trong các cơ quan hành chính đã được Bộ Nội vụ phê duyệt, còn đối với viên chức theo Nghị định 161 và Nghị quyết 89. Chính phủ đã phân cấp cho Bộ, ngành địa phương để phê duyệt vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Nhưng bây giờ qua sắp xếp tổ chức này thì chúng ta phải điều chỉnh lại vì tổ chức có thay đổi, chức năng nhiệm vụ có thay đổi. Do đó phải sắp xếp lại và xây dựng đề án vị trí việc làm để làm sao sau khi sắp xếp các đơn vị này và sắp xếp vị trí việc làm chúng ta có thể kết hợp với hình thức trả lương theo vị trí việc làm mới.

Trước đây vị trí việc làm mô tả khung năng lực không rõ, không có vị trí tương đương. Cho nên lần này xây dựng vị trí việc làm theo 4 nhóm: nhóm chức năng lãnh đạo quản lý; nhóm chuyên môn nghiệp vụ; nhóm chuyên môn nghiệp vụ dùng chung có thể là thanh tra, văn phòng, tổ chức và nhóm phục vụ. Trên cơ sở làm trước đây, bây giờ chúng ta xây dựng lại, chia nhóm để khi xây dựng thang bảng lương sẽ gọn lại theo vị trí việc làm. Vì vậy từng cơ quan, đơn vị phải tự làm, theo chức năng nhiệm vụ của mình đã được cơ quan có thẩm quyền giao sẽ xây dựng cơ cấu tổ chức của mình xem còn bao nhiêu bộ phận? Trong bộ phận này có bao nhiêu đầu công việc? Mỗi đầu công việc có những vị trí 1 người làm, có những vị trí 1 người làm nhiều việc, nhưng có vị trí nhiều người làm. Giờ xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm chúng ta sẽ từng bước bỏ thi nâng ngạch. Cũng phải nói thật: hiện nay vấn đề này đang có 2 luồng ý kiến, trong đó đa số thích thi theo vị trí việc làm, làm vị trí nào thì thi vào vị trí đó. Đương nhiên vị trí này tương đương với ngạch công chức nào và được hưởng lương theo ngạch công chức ấy. Giống như việc anh được đề bạt lên chức vụ nào thì tương đương với ngạch đó. Tức là trả lương theo vị trí việc làm. Sắp tới có thể nghiên cứu thi vào vị trí việc làm chứ không phải thi nâng ngạch, vì thi nâng ngạch mà không bố trí được vị trí đó thì anh đâu được hưởng lương theo vị trí đã thi.

Chúng ta không cào bằng về tinh giản biên chế nhưng hiện các Nghị định của ta đều đưa ra các chỉ tiêu, ví dụ như phải giảm 10% biên chế. Vậy chúng ta sẽ giải quyết mâu thuẫn này như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Chúng ta không cào bằng trong tổ chức. Ví như đối với từng địa phương, Bộ, ngành, các chỉ tiêu về tinh giản biên chế đều đảm bảo tỷ lệ từ nay đến 2021 giảm 10% theo tỷ lệ chung. Còn về các địa phương, Bộ, ngành không phải cứ giảm đều 10%, mà phải cân đối nhiệm vụ của mình. Tôi nói ví dụ, năm nay nhiệm vụ của Vụ này nhiều hơn thì phải tăng cường biên chế cho Vụ đó. Việc năm nay ít hơn thì Vụ đó phải giảm, hoặc tăng cường người từ Vụ ít việc sang Vụ nhiều việc hơn. Sang đến năm sau phải kiểm tra và điều chỉnh lại. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có rất nhiều loại như: loại hưởng từ ngân sách Nhà nước; loại có tự chủ theo tỷ lệ phần trăm; loại tự chủ chi thường xuyên và loại tự chủ hoàn toàn trong đó có tự chi đầu tư, hoặc xã hội hóa. Bây giờ tinh giản biên chế chỉ giảm ở những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, còn tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư. Chúng ta không phải đặt vấn giảm biên chế trong đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên mà chỉ giảm những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Vì giảm chỗ này, tăng chỗ khác theo nhu cầu của xã hội đang cần. Ví dụ giáo viên thiếu thì bổ sung, nhưng tại các trường đại học, các trường dạy nghề khi đã xã hội hóa thì phải giảm người hưởng lương đi. Miếng bánh ngân sách của chúng ta chỉ có từng đó nên muốn tăng lương thì phải đưa bớt người khác ra.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Từng bước sẽ bỏ thi nâng ngạch - 1

Đề án xây dựng vị trí việc làm mà Bộ Nội vụ đang soạn thảo hướng tới mô tả khung năng lực theo 4 nhóm, kết hợp với xây dựng thang bảng lương. (Ảnh: Quang Vinh).

Cán bộ xã chuyển lên huyện không cần thi

Thưa Bộ trưởng, trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện và xã thì nhiều địa phương đã có phản ánh về những khó khăn trong sáp nhập tại cấp xã, thôn, tổ dân phố do địa bàn rộng. Vậy chúng ta sẽ gỡ vấn đề này như thế nào?

- Bộ đã có Thông tư để điều chỉnh thay đổi những Thông tư trước đây. Tôi đã đi khảo sát và có điều chỉnh lại về chế độ chính sách cho người hoạt động ở thôn, tổ dân phố. Từ trước đến nay đều là những người không chuyên trách, chỉ có 3 chức danh là: Bí thư, Tổ trưởng tổ dân phố và Trưởng ban công tác mặt trận. Nhưng, ở địa phương đưa về làm công tác đoàn, phụ nữ trong khi cơ chế không có. Thôn chỉ làm công tác tự quản vì ở thôn hiện chỉ làm 3 nhiệm vụ đó là: xây dựng quy chế hương ước; vận động thực hiện chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước; và quyết định các công trình của thôn đóng góp, bầu Trưởng thôn. Hiện ở xã phân công cho Trưởng thôn, những người này thực hiện nhiệm vụ của thôn, thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước của xã là sai. Vì thôn không phải cơ quan hành chính Nhà nước, không thực hiện chức năng quản lý Nhà nước. Việc xã, xã phải làm, còn thôn chỉ làm đúng 4 chức năng như tôi nói ở trên. Chứ nói thôn là “cánh tay nối dài của xã” là hoàn toàn sai. Chứ xã yêu cầu hôm nay đi đắp thủy lợi, hay thu thuế cũng gọi thôn xuống là không đúng, thôn không làm những việc đó.

Vậy chúng ta cần có chính sách thế nào đối với những người sẽ bị tinh giản, thưa Bộ trưởng?

- Chính sách hiện đang có là Nghị định 26 là những người không có tái cử trong cấp ủy, HĐND, hay các chức vụ bầu cử những người này được hưởng theo Nghị định 26, anh tự nguyện nghỉ không tái cử nữa. Thứ hai, là thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị định 108 và Nghị định 103. Thứ ba, là tiếp nhận cán bộ của xã lên huyện, như vậy thì các huyện phải ưu tiên phần tuyển dụng mới cho những người đã đủ điều kiện tiêu chuẩn đã làm việc ở xã, đã có kinh nghiệm ở xã thì được ưu tiên tuyển dụng vào, vì họ gắn bó với xã nhiều năm liền, bây giờ đi tuyển 1 em học sinh mới ra trường; nói thật, so với những người đã làm việc 5 năm ở xã đã đủ tiêu chuẩn là không được. Chính sách bây giờ sẽ là tiếp nhận chứ không thi vì chính sách liên thông: đủ tiêu chuẩn điều kiện thì cán bộ xã được chuyển lên huyện. Thứ tư, là chuyển từ xã này sang xã khác, vì thiếu do cán bộ đã nghỉ hưu hoặc xin nghỉ trước theo chế độ. Hiện có khoảng 60% có thể sắp xếp được ngay, còn lại 40% chờ sắp xếp với lộ trình là 5 năm sẽ kết thúc.

Thưa Bộ trưởng, khi sáp nhập các xã sẽ dẫn đến trường hợp bị dôi dư. Vậy chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Người đứng đầu chỉ có 1, tức là Bí thư. Chủ tịch, Phó Chủ tịch thì được giữ lại. Cho nên có việc sau sắp xếp, tổng số cao hơn so với thực tế nhưng sau 5 năm phải trở lại vị trí cũ. Trừ trường hợp người đó không tái cử, hết tuổi tái cử, không đủ điều kiện tái cử thì thôi. Còn đủ điều kiện tái cử, còn tuổi tái cử phải để sắp xếp đảm bảo đúng 5 năm, vì nếu không được chuyển lên cấp huyện thì anh đã đủ tuổi nghỉ hưu rồi. Đây là vấn đề đã được lường trước, trong tất cả các đề án các tỉnh đã xây dựng các phương án rất cụ thể

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Từ năm 2020 xét nâng ngạch công chức sẽ không thêm hồ sơ, thủ tục

Chúng tôi cam kết năm 2020 sau khi Luật Cán bộ, công chức sửa đổi sẽ sửa ngay và sẽ thực hiện các quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ, thủ tục nào nữa. Trong Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 đã nói rất rõ về tiêu chuẩn văn bằng của ngoại ngữ là phù hợp với từng vị trí việc làm. Như vậy là chúng ta quy định về tuyển dụng công chức bằng ngoại ngữ là như nhau, còn ở từng vị trí phải có chứng chỉ văn bằng, bằng cấp khác nhau nên phải sửa cái này. Sắp tới sau khi có luật, các tổ chức phải sửa lại đặc biệt là thực hiện chủ trương của Nghị quyết 26, tức là phải có tỷ lệ nhất định làm việc trong môi trường quốc tế. Từ cấp vụ trở lên phải đạt được trình độ ngoại ngữ đủ tiêu chuẩn, điều kiện làm việc quốc tế. Vì thế sau khi Luật Cán bộ công chức ban hành Bộ Nội vụ sẽ quy định, không còn là gánh nặng đối với cán bộ, công chức nữa, mà đó là vấn đề đi vào thực chất của nó là có đạt được trình độ hay không để áp dụng trong công việc chuyên môn của mình.

Mai Loan - Hoài Vũ (thực hiện)