NATO thừa nhận 'cơ hội và thách thức' từ Trung Quốc
Phát biểu nhân Hội nghị thượng đỉnh NATO tổ chức tại London (Anh) để đánh dấu lần sinh nhật thứ 70 của khối này, Tổng Thư ký NATO Jens Stolenberg hôm 4/12 nói rằng toàn khối cần phải bắt đầu chú ý tới tới việc “Trung Quốc đang tiến gần hơn tới chúng ta”.
Tổng Thư ký NATO Jens Stolenberg .
Căng thẳng trong khối NATO
“Chúng ta thấy họ ở Bắc Cực, chúng ta thấy họ ở châu Phi, chúng ta thấy họ đang đầu tư mạnh tay cho cơ sở hạ tầng ở châu Âu và đương nhiên đầu tư cả trên không gian”- ông Stolenberg nói về Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Stoltenberg khẳng định NATO không muốn tạo đối thủ mới và chỉ cần các đồng minh NATO sát cánh thì khối quân sự này vẫn mạnh mẽ và an toàn.
Những bình luận mà ông Stolenberg xuất hiện giữa lúc mà cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phơi bày sự chia rẽ sâu sắc trong khối NATO.
Trong bài phát biểu hồi tháng trước, Tổng thống Macron từng cảnh báo rằng NATO đang có nguy cơ “chết não” do sự thờ ơ của nước Mỹ đối với khối đồng minh này. Trước đó ông Trump từng mô tả NATO là “lỗi thời”. Lãnh đạo Pháp còn đặc biệt chỉ trích quyết định rút khỏi Syria của chính quyền Washington, bỏ mặc các đồng minh người Kurd trước chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước khi đến London để tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Trump đã gọi những bình luận mà lãnh đạo Pháp đưa ra là “xúc phạm”, trong khi các nhà lãnh đạo khác đưa ra chỉ trích ở mức kiềm chế đối với ông Macron.
Màn tranh cãi nảy lửa này đã phơi bày căng thẳng trong khối NATO, giữa một bên là các thế lực ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) gồm Đức và Pháp, và bên còn lại là ông Trump, người thể hiện quan điểm hoài nghi EU một cách công khai.
NATO được thành lập trong Chiến tranh Lạnh với mục đích đẩy lùi tầm ảnh hưởng của Liên Xô ở châu Âu, nhưng giai đoạn đó đã qua đi và cái mà Mỹ hay gọi là “mối đe dọa từ Nga” rõ ràng không thể sánh bằng so với trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Theo truyền thống của NATO, các thành viên được dẫn dắt bởi các ưu tiên mà Mỹ đặt ra, điều này phản ánh vai trò to lớn của quân đội Mỹ trong bất kỳ chiến dịch nào. Lần duy nhất mà NATO phải kích hoạt Điều 5 - quy định rằng đòn tấn công nhằm vào một nước là nhằm vào tất cả - là vào sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ.
Sau sự kiện này, NATO tiếp quản vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố, và trong bài phát biểu hồi tháng trước, Tổng thống Macron cũng nhắc lại điều này như mục đích tồn tại chính của khối này trong thời điểm hiện nay.
“Cơ hội và thách thức”
NATO bao gồm 29 nước thành viên, và có vô số nước đối tác, trong đó bao gồm một số nước - như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia - từ lâu đã tìm cách cân bằng cán cân sức mạnh với Trung Quốc trong khu vực. Thế nhưng Trung Quốc trước đây chưa từng nằm trong các kế hoạch của NATO.
Về phần mình, ông Stelenberg nhấn mạnh rằng việc tái định hướng lại mục tiêu nhằm vào Trung Quốc không phải là hành động thách thức Bắc Kinh ở khu vực Thái Bình Dương – dù cho nhiều nước thành viên và đối tác của NATO đã làm vậy - mà là để ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Âu.
Trong một bài phát biểu hồi tháng 11 vừa qua, ông Stolenberg nói rằng: “Chúng ta cần nhận thức rõ hơn về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Và điều đó ảnh hưởng thế nào tới an ninh của chúng ta, xét về cả cơ hội và thách thức”.
“Trung Quốc sẽ sớm sở hữu nền kinh tế lớn nhất thế giới. Và hiện nay ngân sách quốc phòng của họ đã đứng vị trí thứ hai, liên tục đầu tư mạnh tay để phát triển các khả năng quân sự mới”- ông Stolenberg nói.
Tổng Thư ký NATO còn nhấn mạnh rằng thách thức từ Trung Quốc còn vượt ngoài lĩnh vực quân sự: “Trung Quốc đang trở thành nước tiên phong trong phát triển công nghệ mới. Từ 5G cho tới công nghệ nhận diện khuôn mặt; từ máy tính lượng tử cho tới việc thu thập lượng dữ liệu khổng lồ trên toàn cầu”.
Giới lãnh đạo NATO dự kiến sẽ ký một tuyên bố chung để công nhận về “cơ hội và thách thức” từ Trung Quốc. Dù cụm từ này không mạnh mẽ như một số nước thành viên mong muốn, nhưng dù sao nó cũng là một lĩnh vực hiếm hoi giúp các nước thành viên của NATO đoàn kết, thay vì chia rẽ.