Phê bình văn học, nghệ thuật dường như đang im tiếng
Ngày 5/12, Hội thảo khoa học toàn quốc “Vai trò định hướng của phê bình trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học, nghệ thuật (VHNT) hiện nay” do Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương tổ chức đã diễn ra tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Dự hội thảo có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội thảo.
Từ vắng bóng phê bình…
PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương trong phát biểu khai mạc Hội thảo nhận định: Thực tiễn thời gian qua cho thấy, bên cạnh những kết quả, thành tựu đã đạt được, phê bình văn học, nghệ thuật cũng đồng thời bộc lộ những hạn chế, yếu kém, đặc biệt là ở vai trò định hướng hoạt động thực tiễn và hoạt động sáng tạo, cần phải được phân tích, đánh giá, lý giải để tìm ra giải pháp phát triển lĩnh vực này trong thời gian tới.
Cũng chung nhận định này, phát biểu đề dẫn của PGS.TS. Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương cho rằng: Nhìn vào đời sống VHNT hôm nay dễ thấy vai trò mờ nhạt, thậm chí sự vắng bóng của vai trò của phê bình. Trước các yêu cầu bức thiết của đời sống xã hội và VHNT như định hướng giá trị, định hướng thẩm mỹ, định hướng tiếp nhận, định hướng dư luận và định hướng sáng tạo..., phê bình dường như im tiếng, rơi vào tình trạng bất lực, buông xuôi.
Đây cũng là quan điểm của ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương: Trải qua lịch sử hình thành và phát triển với nhiều bước thăng trầm, phê bình VHNT đã đạt được nhiều thành tựu và dấu ấn, phát huy vai trò, tác động tích cực đến hoạt động sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, đến thị hiếu, nhu cầu và trình độ thẩm mỹ của công chúng, công tác lãnh đạo, quản lý VHNT góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng nền văn nghệ yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, thực tiễn đời sống phê bình VHNT đã và đang đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi phải được tiếp tục nghiên cứu và tìm lời giải đáp. Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận so với thực tiễn sáng tác rất sôi động, đa dạng, phong phú, thậm chí phức tạp hiện nay, phê bình đang tỏ ra trầm lắng, chưa phát huy hết vai trò và sức mạnh của mình.
Đến khen chê dễ dãi
Cũng theo ông Võ Văn Thưởng, trong khi những hạn chế từ lâu tích tụ chưa được giải quyết thì thực tiễn lại xuất hiện những vấn đề mới. Ông Võ Văn Thưởng bày tỏ lo lắng: “Sự thiếu hụt về đội ngũ, nhất là ở các lĩnh vực nghệ thuật như Âm nhạc, Múa, Điện ảnh, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh,… diễn ra từ nhiều năm qua đã được chỉ ra nhưng các giải pháp khắc phục chưa thực sự hiệu quả.
Ở một số diễn đàn, đã xuất hiện không ít những bài viết cảm tính, thiếu cơ sở khoa học, khen chê dễ dãi, thậm chí chịu tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, chẳng những không những không định hướng được sáng tác và tiếp nhận mà còn làm tăng nguy cơ loạn chuẩn, loạn giá trị trong đời sống văn nghệ.
Trước hàng loạt sự kiện, hiện tượng nóng bỏng xuất hiện trong đời sống VHNT, phê bình nhiều khi còn lúng túng, chưa kịp thời, thậm chí còn mơ hồ trong nhận định, đánh giá và lý giải. Những biểu hiện đó khiến phê bình đang phải đối diện với nguy cơ hiện hữu là sự “quay lưng” của giới sáng tác và công chúng văn nghệ.”
Quang cảnh hội thảo.
Nói về cách viết phê bình “một bài nửa khen nửa chê”, PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ chỉ ra: "Viết một bài phê bình văn học, nghệ thuật phải lao tâm khổ tứ. Đó là chưa nói đến chuyện còn phải nâng cao bản lĩnh, trách nhiệm, thấy đúng phải khen, thấy sai phải phê bình, đấu tranh chứ không thể theo dạng chung chung được. Một bài nửa khen nửa chê dễ. Nhưng một bài khen chê đúng mức, mà người ta cảm thấy đúng là ngọn roi để quất lên cho hoạt động sáng tạo có những đổi mới, để tỉnh táo ra để phát triển tốt hơn mới là điều hết sức cần thiết".
Còn theo PGS.TS. Phan Trọng Thưởng thì phê bình đang không đảm đương được sứ mệnh của mình, lại luôn luôn mang tiếng là tụt hậu, ăn theo sáng tác, là nghiệp dư, là trầm lắng, là thiếu sức sống, bỏ rơi trận địa...
Hướng tới một nền phê bình VHNT lành mạnh, khoa học, dân chủ, nhân văn
Tại hội thảo, hàng loạt các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn về hoạt động Lý luận, phê bình đã được các đại biểu cùng đặt ra, phân tích và đề ra giải pháp nhằm phát triển lý luận, phê bình trong thời gian tới. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đề xuất: Chúng ta cởi mở với lý thuyết văn nghệ thế giới nhưng không được coi nhẹ di sản VHNT của dân tộc; phải quy hoạch công tác lý luận, phê bình, tăng nguồn lực cho hoạt động này. Tổng biên tập các báo, các nhà xuất bản phải quan tâm nhiều hơn nữa đến hoạt động này.
Để góp phần chấn hưng phê bình VHNT Việt Nam hiện nay, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng bày tỏ tin tưởng: Trong khi chờ đợi những bước chuyển mới về cơ chế, chính sách và điều kiện làm nghề, các nhà phê bình cần tiếp tục nuôi dưỡng và truyền giữ ngọn lửa đam mê sáng tạo, phát huy trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của mình để từng bước góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng của phê bình VHNT...
Ông Võ Văn Thưởng cho rằng, để nâng cao chất lượng phê bình văn học, nghệ thuật, cần bắt đầu từ việc xây dựng đội ngũ các nhà phê bình chuyên nghiệp. Phê bình văn học, nghệ thuật là công việc khó khăn, nhọc nhằn, đòi hỏi người làm nghề phải hội tụ, kết tinh được cả tư duy khoa học và nghệ thuật, trí tuệ và cảm xúc, thực sự nhạy bén và có bản lĩnh vững vàng để nhận diện, đánh giá những vấn đề đang diễn ra và chưa định hình trong đời sống.
“Tự do sáng tác phải gắn liền với tự do phê bình, củng cố và phát huy không khí phê bình lành mạnh, dựa trên tinh thần tôn trọng khác biệt và đối thoại, tranh luận dân chủ, khách quan, trung thực về mọi vấn đề trong đời sống văn nghệ. Chúng ta không chấp nhận lối phê bình dung tục, cực đoan, quy chụp nhưng đồng thời cũng cần khẩn trương khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, khen chê cảm tính, hời hợt trong phê bình. Xuất phát từ tính chất đặc thù của công việc phê bình văn học, nghệ thuật, chúng ta mong đợi và đòi hỏi cao nhưng cũng không thể khắt khe, định kiến mà cần bao dung, kiên nhẫn, ngay cả với thất bại của một số cây bút viết phê bình, nhất là với những tài năng trẻ”, ông Võ Văn Thưởng nói.
Ông Võ Văn Thưởng kỳ vọng tâm huyết, khát vọng của giới văn nghệ hướng tới một nền phê bình VHNT lành mạnh, khoa học, dân chủ, nhân văn, đủ sức đồng hành, là chỗ dựa tin cậy của sáng tác và công chúng tiếp nhận chính nguồn sức mạnh, là cơ sở để chúng ta vượt lên khó khăn, thực hiện tốt sứ mệnh trong giai đoạn mới, đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa. Hoạt động lý luận phê bình thực hiện tích cực nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.