Hà Nội: Lỗ hổng trong công tác quản lý
Nhận rõ trách nhiệm và thừa nhận vẫn còn nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý khiến một số vụ việc đáng tiếc xảy ra tại Thủ đô thời gian qua. Đó là những thông điệp được đưa ra từ phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội diễn ra trong ngày 5/12.
Công tác di dời các nhà máy gây ô nhiễm diễn ra rất chậm. Ảnh: TL.
Di dời chậm vì doanh nghiệp... không có tiền
3 nhóm vấn đề được HĐND TP Hà Nội tiến hành chất vấn gồm: Tình hình và kết quả công tác quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên địa bàn; nhóm vấn đề về công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội và nhóm vấn đề về việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các trường ngoài công lập.
Tại nhóm vấn đề thứ nhất liên quan đến quản lý đô thị, ĐB Đoàn Việt Cường đặt câu hỏi, theo Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay còn chậm, đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của Sở thời gian qua và giải pháp đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới?
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, TP đã ban hành Quyết định số 74/2003 về việc di dời. Đến nay, đã xử lý triệt để 25 cơ sở ô nhiễm môi trường, di dời 67 cơ sở sản xuất của Trung ương và Hà Nội ra khỏi khu vực nội đô. Sắp tới sẽ tiếp tục rà soát và di dời những cơ sở còn lại.
Nói về những khó khăn vướng mắc trong việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, theo ông Đông, Thủ tướng đã giao cho các Bộ, ngành và TP có cơ chế chính sách để di dời. Tuy nhiên, hiện các Bộ ngành vẫn đang xây dựng chính sách mà chưa ban hành. Tâm lý các doanh nghiệp ngại đi ra ngoài ngoại thành cũng như các tỉnh lân cận do liên quan đến người lao động, địa điểm di chuyển xa. Và khó khăn lớn nhất là do hạn chế về năng lực tài chính của các đơn vị, khi di chuyển phải có địa điểm mới, có kinh phí đầu tư nâng cao dây chuyền sản xuất công nghệ để đảm bảo sản xuất cũng như giải quyết lao động việc làm với người lao động.
Thời gian tới, Sở sẽ cùng các sở ngành, quận huyện tiếp tục rà soát danh mục hơn 100 cơ sở, trình HĐND TP trong kỳ họp tới. Bên cạnh đó, ông Đông cũng kiến nghị TP bố trí kinh phí để xây dựng điểm mới, khu công nghiệp mới ở khu vực ngoại thành và cơ quan Trung ương, sớm xây dựng ban hành chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành.
ĐB Đỗ Thùy Dương (Tổ Cầu Giấy) chất vấn tại kỳ họp. Nguồn: Kinhtedothi.
Làm rõ trách nhiệm trong vụ học sinh trường Gateway tử vong
Với nhóm vấn đề về công tác quản lý nhà nước với các trường ngoài công lập trên địa bàn thành phố, ĐB Hoàng Thị Tú Anh đề nghị cho biết cụ thể kết quả rà soát các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn trong 1 năm rưỡi vừa qua ra sao? “Sau 1 năm rà soát, tháng 8/2019 xảy ra vụ đáng tiếc tại trường Gateway? Trách nhiệm của Sở thế nào?
Về trách nhiệm quản lý nhà nước, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, xác định đây là lĩnh vực mà nhân dân rất quan tâm, năm học 2019-2020, toàn ngành thực hiện phương châm “Sâu sát cơ sở, kỷ cương trong quản lý và thực chất trong đánh giá”. Trên cơ sở đó, Sở đã chỉ đạo và triển khai 6 nhóm giải pháp cụ thể.
Ông Dũng cho biết, sở đã tiến hành rà soát từ các văn bản quản lý; triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục, công khai theo đúng quy định. Đặc biệt, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, rà soát toàn bộ các điều kiện hoạt động của các trường ngoài công lập. Đến nay đã thanh tra được 9 trường, kiểm tra chuyên môn được 89 trường, kiểm tra 1.090 cơ sở mầm non, mẫu giáo tư thục, kiểm định chất lượng giáo dục 105 trường…
“Mặc dù việc rà soát đã rất cố gắng nhưng đúng như ĐB Tú Anh nêu, vẫn xảy ra một số tồn tại, như vụ việc tại trường Gateway ở quận Cầu Giấy. Về nội dung này, đối với các nhà trường, chúng tôi luôn quán triệt đến Hiệu trưởng, các chủ nhóm lớp ngoài công lập, việc đầu tiên là phải đảm bảo an toàn, an ninh một cách tốt nhất cho các học sinh và giáo viên khi đến trường” – ông Dũng nói.
Trở lại câu hỏi về trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong vụ 1 học sinh tiểu học của Trường Tiểu học Gateway tử vong trên xe đưa đón học sinh, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Trách nhiệm lớn nhất trong vụ việc này là các cá nhân có liên quan đưa đón học sinh, giáo viên chủ nhiệm của lớp, Ban Giám hiệu nhà trường. “Về nguyên nhân, chúng tôi cho rằng, vẫn còn lỗ hổng trong công tác quản lý và tinh thần làm việc thiếu trách nhiệm của các cá nhân trực tiếp liên quan đến vụ việc này. Nguyên nhân cụ thể thì phải chờ công bố từ phía cơ quan điều tra” - ông Dũng nói.
Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, để không xảy ra các sự vụ tương tự trong thời gian tới, Sở đã yêu cầu tất cả các trường có tổ chức đưa đón học sinh phải thống kê, rà soát lại các xe, số học sinh đưa đón trên từng xe, gửi kết quả rà soát này tới Công an TP và Sở Giao thông vận tải để phối hợp quản lý. Đồng thời, phải lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ đưa đón học sinh thận trọng, xây dựng quy trình đưa đón học sinh một cách nghiêm túc…
Giải pháp nào để ngăn chặn tội phạm nghiêm trọng?
Với nhóm vấn đề về công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội ĐB Nguyễn Hoài Nam nhắc lại việc trong các báo cáo của Ban Pháp chế của HĐND có đặt vấn đề công tác phòng ngừa xã hội thuộc trách nhiệm công an cơ sở các cấp. Thời gian qua, các vụ giết người hoặc tội phạm nghiêm trọng đều xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ nhân dân, kể cả mâu thuẫn tranh chấp đất đai…”. Tôi chưa thấy rõ ý này trong báo cáo của Giám đốc Công an TP, yêu cầu đồng chí báo cáo rõ với TP, chúng ta cần làm gì, giải pháp nào để ngăn chặn tội phạm giết người nghiêm trọng này? đại biểu Nam chất vấn.
Trả lời, Giám đốc Công an TP Đoàn Duy Khương cho rằng, trước hết cần nhận thức đúng thế nào là phòng ngừa xã hội và thế nào là phòng ngừa nghiệp vụ. Chúng tôi thường có cụm từ “gắn phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ trong phòng chống tội phạm”. Các đối tượng có tiền án tiền sự cơ quan Công an đang quản lý được chúng tôi xếp vào diện phòng ngừa nghiệp vụ; còn các mâu thuẫn trong xã hội có thể do bộc phát. Vụ ở Đan Phượng là điển hình về chuyện phòng ngừa xã hội yếu kém, trong đó có trách nhiệm của lực lượng công an nhất là công an cơ sở. Chúng tôi đã yêu cầu Công an huyện kiểm điểm, đội Cảnh sát Hình sự và cán bộ Công an xã kiểm điểm. Vì mâu thuẫn giữa 2 anh em không phải bộc phát mà đã có thời gian kiện cáo, mâu thuẫn, nhân dân trong khu phố đều biết.
“Trách nhiệm là của cả hệ thống cơ sở, nhưng dù sao chúng tôi cũng thấy trách nhiệm của mình với vai trò nòng cốt trong việc tham mưu và tổ chức triển khai phòng ngừa xã hội gắn với phòng ngừa nghiệp vụ chưa hiệu quả” - Giám đốc Công an Hà Nội nhìn nhận.