Chống hàng giả vào thời điểm nước rút

Đỗ Ngọc Quang 06/12/2019 08:00

Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường đã phê duyệt Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cho đến hết năm 2020, trước mắt là từ tháng 12/2019 đến hết tháng 3/2020. Trong đó đã công khai hàng trăm tụ điểm kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng nhái nổi cộm tại 20 tỉnh, thành phố.

Chống hàng giả vào thời điểm nước rút

Gian lận thương mại trên mạng vẫn chưa có giải pháp xử lý hiệu quả.

20 tỉnh, thành “vào tầm ngắm”

20 tỉnh, thành phố vào danh sách kiểm tra lần này có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Tây Ninh, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Kiên Giang. Nhìn vào danh sách này thì có thể thấy đã “trải dài từ Bắc tới Nam”.

Các mặt hàng sẽ nằm trong diện kiểm tra, xử lý là thực phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, trang sức, đồng hồ, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, túi ví… và các loại mặt hàng khác có xuất hiện tình trạng hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại các địa bàn.

Kế hoạch đấu tranh chống hàng giả trước mắt từ nay kéo dài tới hết tháng 3 năm 2020, 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm được tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và không tái phạm. 100% số cơ quan, chính quyền, ban quản lý chợ, trung tâm thương mại, tuyến phố, phường, xã, thôn, xóm... tại các địa bàn nổi cộm ký cam kết, quy chế phối hợp không để hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bày bán công khai, vi phạm tái diễn.

Đến hết tháng 12 năm 2020, 90% đến 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 90% đến 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm đã bị xử phạt vi phạm hành chính không tái phạm.

Chống hàng giả trên mạng có khó thật không?

Nếu như cuộc chiến chống hàng giả “trên mặt đất” đã khó khăn, thì cuộc chiến này trên thị trường ảo (mạng internet) lại có phần phức tạp hơn. Người bán hàng trên mạng thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng lại tập kết hàng hoá ở nhiều địa điểm, khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát.

Theo Bộ Công thương, các website thương mại phát triển bùng nổ trong 7 năm qua, từ 763 website năm 2013 đã tăng lên hơn 10.000 trang web. Quy mô thị trường thương mại điện tử cũng tăng lên nhanh chóng, từ 5 tỷ USD năm 2016, tăng lên 8 tỷ USD sau đó 2 năm. Tới nay, thương mại điện tử chiếm khoảng 5% tổng mức bán lẻ hàng hoá. Cùng với đà tăng trưởng này thì các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái cũng bùng nổ. Đến hết 2018, tổng số sản phẩm vi phạm đã gỡ bỏ trên các sàn thương mại điện tử là 35.943 và hơn 3.000 tài khoản trên các sản đã bị khoá. Có thể nói, kinh doanh hàng giả trên mạng xã hội đã trở thành vấn nạn, khiến người tiêu dùng mất niềm tin và doanh nghiệp làm ăn chân chính thua thiệt.

Một “chiêu” bán hàng nhập lậu, hàng giả trên kênh online là sử dụng hình ảnh thật, hàng chính hãng để quảng cáo, nhưng lại chào bán giá rẻ hơn nhiều hàng thật và khi giao hàng cho người mua là hàng nhái.

Tuy nhiên, theo cơ quan quản lý thị trường, cái khó là việc kiểm tra, xử lý phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể, trong khi 100% giao dịch trên mạng thường không có hoá đơn chứng từ. Việc lần ra đầu mối cung cấp hàng lậu, vì thế càng khó. Nói như ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thì thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi.

Nhưng ở chiều ngược lại, cũng không ít ý kiến cho rằng, nếu coi việc bán hàng giả trên mạng chót lọt là do “tinh vi” thì không phải. Nó xuất hiện rõ ràng ra đấy thì sao lại gọi là tinh vi? Quan trọng là năng lực của lực lượng quản lý thị trường đã không theo kịp “năng lực” của đối tượng kinh doanh hàng giả. Vì thực tế, không khó lắm để xác định đó là hàng giả, hàng kém chất lượng. Đã biết đối tượng tìm cách để lách các bộ lọc kỹ thuật của sàn thương mại điện tử thì chẳng lẽ bó tay không tìm ra cách xử lý. Còn nếu như kiến thức của lực lượng quản lý thị trường vẫn chỉ là “cơm chấm cơm” có gì dùng nấy thì tất nhiên gian lận thương mại trên mạng vẫn còn đất sống và tiếp tục sinh sôi nảy nở.

Chính vì thế, thái độ của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã nhận được sự đồng tình rộng rãi của cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng, khi ông đặt vấn đề những đơn vị như Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Cục Thương mại và Kinh tế số... đã ở đâu khi vẫn để hàng giả, hàng nhái tràn lan trên sàn thương mại điện tử.

Sở dĩ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn tồn tại trước hết là do bất cập trong cơ chế quản lý tiếp đó là sự “tiếp tay” của người tiêu dùng khi họ không có nhiều thông tin về mặt hàng mình đang mua mà chỉ dựa vào những gì được in trên bao bì hoặc nhận thông tin từ người bán hàng trực tiếp dẫn đến việc “người mua luôn thua người bán”. Nó còn do việc người tiêu dùng ngại động chạm đến việc kiện cáo, từ việc phần đông người dân hiểu và nắm luật rất hạn chế. Và cuối cùng là do doanh nghiệp thiếu ý thức tự bảo vệ mình.

Đỗ Ngọc Quang