Triển khai cấp thẻ Căn cước công dân: Gỡ rào cản thủ tục
Thay vì phải kê khai qua giấy tờ, từ tháng 12, người dân có thể kê khai thông tin trực tuyến khi làm thủ tục căn cước công dân. Đây là một trong nội dung đáng chú ý của Thông tư 48 (có hiệu lực từ ngày 1/12/2019) quy định mới về trình tự, thủ tục cấp, đổi căn cước công dân (CCCD) vừa được Bộ Công an ban hành.
Thay vì phải đến tận nơi làm căn cước công dân thì từ tháng 12 người dân có thể làm thẻ CCCD trực tuyến.
Đã cấp hơn 12 triệu CCCD tại 16 tỉnh
Triển khai Luật Căn cước công dân (CCCD) có hiệu lực (01/01/2016), đến nay theo báo cáo của Bộ Công an đã có 16 địa phương triển khai. Theo đó Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp cấp khoảng 1,9 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh tại 43 tỉnh, thành phố trên cả nước; tiến hành cấp hơn 12 triệu căn cước công dân tại 16 tỉnh, thành phố và đang xây dựng phần mềm phục vụ kết nối hệ thống Căn cước công dân với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, Bộ Công an đã thu thập thông tin được 80 triệu phiếu, đạt tỷ lệ 86% và tổ chức scan được khoảng 25 triệu dữ liệu.
Nhận thấy việc làm CCCD có lợi cho dân, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của công dân, nhiều địa phương đã có những sáng kiến, giải pháp. Đơn cử như tại Thanh Hóa, đội căn cước thường tổ chức các chuyến đi về cơ sở làm CCCD, phục vụ nhu cầu chính đáng của công dân, nhất là những người cao tuổi, người bị bại liệt, người lâm trọng bệnh. Đáng ghi nhận thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, bộ phận làm căn cước đến các gia đình, cơ quan, địa phương có nhu cầu thu thập thông tin, hình ảnh, làm CCCD. Ngoài ra đội đăng ký quản lý cư trú, cấp và quản lý CCCD còn chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho Công an các huyện vận hành trang thiết bị làm CCCD, đôn đốc làm căn cước cho học sinh chuẩn bị dự thi THPT quốc gia. Đến nay, Công an toàn tỉnh đã cấp đổi, cấp mới hơn một triệu CCCD, trong đó các đội công tác lưu động đã phục vụ, làm căn cước cho gần 12 nghìn công dân.
Cũng giống như Thanh Hóa, tỉnh Quảng Ninh cũng là địa phương tổ chức triển khai cấp thẻ CCCD lưu động cho người dân. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay đơn vị tổ chức cấp và làm CCCD đã tổ chức 20 cuộc làm lưu động. Nhờ đó đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng hiệu suất công việc của cán bộ, chiến sỹ và rút ngắn thời gian, công sức đi lại cho người dân.
Khắc phục khó khăn
Có thể thấy sau 3 năm triển khai cấp thẻ CCCD tại 16 địa phương đã có nhiều sáng kiến, giải pháp linh hoạt được triển khai, từ đó người dân rút ngắn được thời gian, công sức đi lại. Tuy nhiên phản ánh từ các địa phương triển khai cho thấy, việc triển khai cấp và làm thẻ CCCD gặp không ít khó khăn. Ý kiến từ người dân cũng như từ chính các đơn vị làm thẻ CCCD cho rằng, nếu không tổ chức làm lưu động thì việc hoàn thành cấp thẻ CCCD rất khó khăn vì người dân “ngại” đi làm. Hơn nữa dù Luật đã có hiệu lực từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn có nhiều người không biết được thông tin này.
Ngoài ra theo quy định tại Thông tư số 11/2016/TT-BCA ngày 4/3/2016 của Bộ Công an thì trong Tờ khai căn cước công dân phải có ngày, tháng, năm sinh. Tuy vậy, thực tế lâu nay nhiều sổ hộ khẩu do công an xã, phường, thị trấn cấp không ghi ngày, tháng sinh, hoặc có trường hợp ghi ngày, tháng, năm sinh trong sổ hộ khẩu với chứng minh nhân dân không khớp. Cá biệt có những trường hợp không đúng ngày, tháng sinh cả với giấy khai sinh... Trong khi đó để có được ngày, tháng, năm sinh thì phải đăng ký lại việc sinh theo quy định của Luật Hộ tịch. Nếu việc đăng ký lại khai sinh được thực hiện tại UBND cấp xã không phải là nơi đã đăng ký khai sinh trước đây, thì UBND nơi cư trú của người đăng ký lại việc sinh phải được nơi đăng ký khai sinh trước đây kiểm tra, xác minh về việc lưu giữ sổ hộ tịch tại địa phương. Khi có trả lời bằng văn bản về việc còn lưu giữ hoặc không lưu giữ được sổ hộ tịch thì mới được đăng ký lại việc sinh để cấp giấy khai sinh cho công dân. Như vậy về mặt thủ tục rất phức tạp nhất là khi ở không ít địa phương nhất là vùng sâu, vùng xa nhiều sổ hộ tịch của UBND cấp xã, phường, thị trấn lưu giữ thông tin từ năm 1980 trở về trước chắc chắn không còn.
Xuất phát từ thực tế trên, nhằm triển khai hiệu quả Luật CCCD theo lộ trình chậm nhất từ ngày 01/01/2020 phải thực hiện thống nhất theo quy định của Luật này. Đồng thời, các loại biểu mẫu đã phát hành có quy định sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2019, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 48 quy định mới về trình tự, thủ tục cấp, đổi CCCD. Theo đó điểm mới trong Thông tư 48 là quy định đối với thủ tục cấp CCCD, người dân có thể kê khai thông tin trực tuyến. Cụ thể, khi tiếp công dân đến làm thủ tục đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD thì cán bộ tiếp dân yêu cầu người dân đến làm thủ tục viết tờ khai theo mẫu (nếu không kê khai trực tuyến). Nếu công dân kê khai trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến, thì cán bộ in tờ khai CCCD để công dân kiểm tra lại thông tin, ký, ghi rõ họ, chữ đệm và tên.
Bên cạnh việc người dân có thể kê khai thông tin qua trực tuyến, thì Thông tư cũng quy định sẽ hủy, thu hồi Chứng minh thư bị hỏng, bong tróc. Cụ thể, cán bộ phụ trách sẽ thu Chứng minh nhân dân (CMND), cắt góc và trả lại cho công dân, trong trường hợp người dân đăng ký nhận thẻ CCCD qua chuyển phát nhanh.
Theo Bộ Công an khi người dân khi làm CCCD không phải đi lại để xin xác nhận số CMND cũ mà chỉ cần xin tại nơi cấp căn cước, cơ quan cấp căn cước phải có trách nhiệm xác minh và cấp cho công dân giấy xác nhận. Đặc biệt dù công dân đổi bao nhiêu lần và ở đâu thì đơn vị cấp căn cước phải có trách nhiệm gửi yêu cầu xác minh về đơn vị cũ của công dân, đơn vị đó sẽ cung cấp các thông tin trong tàng thư cho đơn vị cấp căn cước để xác nhận vào giấy xác nhận số CMND cho công dân, công dân không phải đi đâu hết.