65 năm trường học sinh miền Nam trên đất Bắc: Vận dụng mô hình xưa vào giáo dục hiện nay

Nguyên Khánh (thực hiện) 06/12/2019 08:00

Đã 65 năm qua nhưng những bài học từ mô hình trường học sinh miền Nam đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà vẫn còn nguyên giá trị, và chúng ta cần vận dụng những ưu việt của mô hình này trong đổi mới giáo dục hiện nay, GS.TSKH.NGND Lê Du Phong - Phó Ban Liên lạc HSMN đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết.

65 năm trường học sinh miền Nam trên đất Bắc: Vận dụng mô hình xưa vào giáo dục hiện nay

Ông Lê Du Phong.

PV: Đã 65 năm trường học sinh trên đất Bắc được thành lập, xin ông chia sẻ những kỷ niệm khó về những ngày sống và học tập tại mái trường này?

Ông Lê Du Phong: Tôi còn nhớ những ngày đầu ra Bắc, hầu hết học sinh miền Nam (HSMN) cũng cỡ tuổi tôi, tầm 9 đến 10 tuổi. Tôi được đưa về sống trong nhà của một người dân ở tỉnh Hà Tây (cũ). Lúc đó miền Bắc rất nghèo, nhưng gian nào đẹp nhất họ dành cho HSMN. Bữa đầu tiên ăn cơm cùng gia đình này tôi thấy họ chỉ đưa cơm cho chúng tôi ăn, chúng tôi vô tư ăn hết phần cơm của mình và cũng thắc mắc vì sao họ lại không ăn chung. Được 2, 3 hôm tìm hiểu mới biết, bao nhiêu đồ ăn ngon, cơm trắng người dân đã nhường hết cho HSMN còn họ và con cái thì ăn khoai, sắn. Kể từ hôm đó chúng tôi quyết định ăn cùng. Có cơm ăn cơm, có khoai ăn khoai chứ mình được ăn ngon mà người khác nhịn đói thì không nuốt nổi.

Hay có những lần đi gặt ở Ứng Hòa, thời tiết mùa đông miền Bắc lạnh thấu xương nhưng bà con tối ngủ trong đống rơm, có mấy cái mềm, cái chiếu để đắp họ dành hết cho HSMN với lý do các con ở trong Nam không chịu được rét, các mẹ nhường cho. Cuối cùng chúng tôi thống nhất cùng mang chăn mềm ngủ chung với bà con quanh đống rơm. Chỉ những chi tiết rất nhỏ như vậy nhưng chúng tôi không bao giờ quên được ân tình của đồng bào với những đứa trẻ xa nhà. Chúng tôi không thể nào quên công ơn đồng bào miền Bắc, các thầy các cô đã đùm bọc, dạy dỗ chúng tôi lên người. Như bạn biết đấy, nhờ có những ngày tháng được học ở những ngôi trường này hầu hết các lứa học sinh miền Nam đã trưởng thành. Vì sao chúng tôi đều trở thành những người thành đạt trong xã hội thì không thể không kể đến công lao của ngôi trường mình đã học. Thế nên, những HSMN như chúng tôi đều thấy rằng mô hình trường HSMN trên đất Bắc dù đã trải qua 65 năm nhưng tới nay vẫn còn nguyên giá trị.

Vì sao ông lại cho rằng, mô hình trường HSMN có nhiều ưu Việt, còn nguyên giá trị và có thể ứng dụng trong đổi mới giáo dục ở thời điểm hiện tại?

- Tôi là người công tác lâu năm trong ngành Giáo dục. Tôi rất băn khoăn về nền giáo dục hiện nay. Trên các phương tiện thông tin đại chúng rất nhiều thông tin trò không ra trò, thầy không ra thầy… Từ đó tôi nghĩ đất nước mình muốn tiến lên, muốn vươn ra biển lớn, trước tiên phải chấn hưng giáo dục, cải cách giáo dục. Mà muốn cải cách giáo dục thì phải làm các cuộc đại phẫu, nghĩa là chịu đau để cải cách.

Nếu cải cách giáo dục thì mô hình nào sẽ phù hợp? Tôi lại nghĩ về mô hình của trường HSMN. Thực ra, tất cả các nguyên lý về giáo dục hiện tại là rất đúng. Thế nhưng kết quả tại sao lại không được như chúng ta mong đợi. Phải chăng lỗi ở khâu tổ chức thực hiện chứ không phải ở chủ trương, chính sách. Theo tôi, điều kiện để đổi mới, cải cách giáo dục giờ hơn ngày xưa quá nhiều. Nói không có tiền cũng không đúng, bởi nhân dân luôn sẵn sàng đóng góp. Mình phải nghĩ đến thế hệ sau, muốn thế các thế hệ trước phải quan tâm vấn đề này. Tôi không biết các trường khác thế nào nhưng với Trường Đại học Kinh tế quốc dân nơi tôi công tác, thế hệ hôm nay luôn tìm cách lo cho thế hệ tương lai. Các cựu sinh viên của trường đã đóng góp để hình thành các quỹ khuyến học cho các em sinh viên của trường với số tiền lên tới 50 tỷ đồng. Chỉ cần nhìn vào sự đóng góp cho quỹ khuyến học của một trường thôi đã thấy rằng để đổi mới, cải cách giáo dục nguồn lực đâu có thiếu, vấn đề là mình có đủ tâm, tầm để xử lý việc đó không? Tôi nghĩ bài học HSMN hoàn toàn chuẩn, có thể áp dụng được nếu ta thực sự có quyết tâm.

Được biết ông từng là hiệu trưởng của Trường Đại học Kinh tế quốc dân vậy cá nhân ông đã áp dụng được những bài học kinh nghiệm gì từ trường HSMN trong quản lý vận hành ngôi trường nơi ông làm lãnh đạo?

- Rất nhiều bài học kinh nghiệm từ trường HSMN được tôi ứng dụng vào dạy và học ở trường Đại học Kinh tế quốc dân. Như chương trình giáo dục toàn diện cho học sinh không chỉ học chữ mà phải rèn luyện thể chất như hồi chúng tôi là HSMN. Tôi đưa ra yêu cầu sinh viên phải tập thể dục sau giờ học cũng như vào buổi sáng vừa mới dậy như trường HSMN ngày trước. Đặc biệt, tất cả các thầy đều quan tâm đến việc học của học trò, cho nên anh không phải là chủ nhiệm kiểu lớt phớt, mà tối phải đi kiểm tra xem học trò học thế nào, ai có khó khăn về cuộc sống, học tập, để kịp thời giúp đỡ chứ thầy không chỉ lên lớp dạy chữ.

Lúc tôi là hiệu trưởng, tôi bình đẳng với tất cả mọi người nhưng cũng rất nghiêm khắc. Công việc tôi giao phải thực hiện, phải làm đến nơi đến chốn. Tôi cho rằng những bài học kinh nghiệm của trường HSMN có thể vận dụng trong hệ thống giáo dục như học phải đi đôi với hành, trọng nhân cách…, Mô hình của trường HSMN có thể thực hiện ở các trường dân tộc nội trú hiện nay.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyên Khánh (thực hiện)