Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô: Lan tỏa đức tin từ một đời sống lành mạnh
Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô là một tôn giáo hướng các tín hữu sống một đời nghiêm cẩn, mẫu mực. Các tín hữu chọn cách sống giữ mình để thực hành niềm tin tôn giáo. Nói như ông Hoàng Văn Tùng -Trưởng ban Điều phối Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô Việt Nam - việc thực hành một lối sống khiêm nhường, lòng đầy yêu thương, chính là tạo ra một môi trường sống lành mạnh để nuôi dưỡng những con người có trách nhiệm với bản thân, gia đình, Giáo hội và xã hội.
Ông Hoàng Văn Tùng. (Ảnh: Quang Vinh).
Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô được hình thành ở Mỹ vào đầu thế kỷ XIX, có trụ sở Trung ương giáo hội tại thành phố Salt Lake, bang Utah. Đây là một tôn giáo có uy tín trên thế giới với giáo lý, luật lệ, lễ nghi và đường hướng hoạt động ôn hòa, thượng tôn pháp luật. Được truyền vào Việt Nam từ năm 1962, nhưng do biến động của lịch sử, phải từ năm 1995, Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô mới hoạt động trở lại ở Việt Nam, hình thành hai điểm nhóm ở TPHCM và Hà Nội. Năm 2011, hai điểm nhóm này được sáp nhập thành Giáo hạt Việt Nam. Ban Tôn giáo Chính phủ đã trao quyết định công nhận cho Ban Đại diện lâm thời Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của chúa Giêsu Kitô Việt Nam từ năm 2016. Mới đây nhất, ngày 15/11/2019, Ban Tôn giáo Chính phủ đã trao Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô Việt Nam. Bằng một đời sống mẫu mực, kiên trì và từng bước thuyết phục cộng đồng bởi những việc làm tốt đời, đẹp đạo, gần gũi với văn hóa dân tộc, Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô đã góp phần thúc đẩy sự hòa hợp của giáo lý Giáo hội và văn hóa Việt Nam. Chính vì vậy, việc Chính phủ Việt Nam công nhận đăng ký hoạt động tôn giáo là sự ghi nhận những đóng góp tích cực của Giáo hội đối với đất nước thời gian qua, đồng thời khẳng định chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.
Chúng tôi tìm gặp ông Hoàng Văn Tùng trong không khí hân hoan này, khi bài thánh ca được cất lên ngân nga, chúng tôi vừa say sưa ngắm nhìn vừa không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến rất đông các tín hữu trẻ tuổi rạng rỡ, tươi sáng nhưng rất đỗi trang nghiêm khi đến tham dự buổi lễ. Ông Hoàng Văn Tùng đã chia sẻ điều này với chúng tôi bằng một câu hỏi: - Hẳn là các bạn đang tự hỏi, tại sao Giáo hội của chúng tôi lại có nhiều người trẻ như vậy?
PV:Vâng, thưa ông, so với nhiều tôn giáo như Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hindu giáo… Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô được xem là một tôn giáo có tuổi đời rất trẻ. Nhưng trong phạm vi của cuộc trò chuyện này, chúng ta không bàn về những khác biệt trong giáo lý, quan điểm và niềm tin tôn giáo giữa tín hữu của Giáo hội này và các tôn giáo khác, bởi vì mỗi người đều có quyền tự do tín ngưỡng. Điều khiến chúng tôi cảm thấy thú vị ở tôn giáo này là các thành viên lại có thể thực hành niềm tin tôn giáo của mình bằng một đời sống giữ mình, nếu không muốn nói có đôi chút “hà khắc” trong một thế giới hiện đại… Bởi vì, việc không uống cà phê, không uống rượu, không quan hệ thể xác trước hôn nhân là một trong những quy định được xem là nghiêm khắc đối với các tín hữu của Giáo hội, chưa kể đó lại là những người trẻ?
Ông Hoàng Văn Tùng: Đúng vậy. Điều này có thể khiến nhiều người ngạc nhiên, nhưng với những tín hữu của Giáo hội như chúng tôi thì đó là Lời Thông Sáng. Chúng tôi được khuyến khích không hút thuốc, không uống rượu, không sử dụng trà, cà phê hay các chất kích thích gây nghiện và đặc biệt mọi tín đồ luôn phải tuân theo chế độ một vợ, một chồng và quan hệ lành mạnh trước hôn nhân. Đấy là Lời Thông Sáng, lời dạy từ các vị tiên tri, trở thành thiên kiến của chúng tôi chứ không phải trong giáo lý, giáo luật. Điều này được các vị tiên tri khuyến khích giảng dạy cho chúng tôi theo từng thời kỳ.
Được biết, Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô còn được biết đến với một cái tên là Giáo hội Mặc Môn, và Mặc Môn là tên của một vị tiên tri trong Giáo hội…
- Mặc Môn chỉ là tên của một vị tiên tri trong nhiều vị tiên tri hiện giờ của Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô. Từ vị tiên tri đầu tiên là ông Joseph Smith đến bây giờ là ông Nelson Marion Russell. Chúng tôi luôn luôn tự hào với cái tên Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô. Đây mới là cái tên đầy đủ và đúng với ý nghĩa của tôn giáo này. Vì đây là một trong những giáo hội Kitô lớn và nổi tiếng nhất trong phong trào Thánh hữu Ngày sau (một phong trào Phục hồi Kitô giáo ở thế kỷ XIX).
Tuy nhiên, ở Việt Nam, Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô vẫn là một tôn giáo mới, được du nhập từ gần 60 năm trước. Ông có thể chia sẻ thêm về hành trình này?
- Khi được du nhập vào Việt Nam, Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô gặp khó khăn vì nhiều người không biết về chúng tôi. Họ có cách nhìn nhận khác so với thực tế, thậm chí đó còn là những cách nhìn khá tiêu cực. Tuy nhiên, Giáo hội luôn răn dạy các tín hữu phải sống khiêm nhường trong mọi hoàn cảnh cho nên chúng tôi đã có những hoạt động tương đối ổn định, không gây phiền nhiễu đến bất kỳ ai và cũng phù hợp với văn hóa của Việt Nam, nên dần lấy được cảm tình và sự tin yêu của người dân cũng như những người bạn. Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô là một giáo hội rất đặc biệt, không có người được trả lương, không có người tu chuyên nghiệp, chúng tôi vẫn đi làm, đi học bình thường. Trong phần giảng luận, mọi tín hữu có khả năng trình bày diễn thuyết đều có thể đứng lên để chia sẻ. Có những lúc chúng tôi chia sẻ về đức tin, về sự yêu thương, về lòng nhân ái. Chúng tôi chia sẻ về trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm gia đình. Chúng tôi chia sẻ về việc nuôi dạy con cái, chia sẻ và khuyên răn mọi người về lối sống… để giúp mọi người ngày càng tốt hơn cả trong gia đình cũng như xã hội.
Vậy để trở thành một tín hữu của Giáo hội thì có gì đặc biệt, thưa ông?
- Mỗi một tín hữu muốn vào Giáo hội phải đủ 8 tuổi trở lên thì mới được báp têm (lễ rửa tội). Ở Việt Nam hay trên thế giới cũng vậy, người chưa đủ 18 tuổi muốn gia nhập Giáo hội, phải được sự đồng ý của người giám hộ. Nếu trong một gia đình ở Việt Nam, người vợ muốn báp têm thì người chồng phải biết và ngược lại. Hơn nữa, người muốn gia nhập Giáo hội còn phải học một số bài học về giáo lý để biết về đức tin. Vì một khi đã báp têm thì phải cam kết trước Chúa và phải tuân theo những cam kết đó. Tín hữu của Giáo hội phải có đức tin về Chúa, phải có lòng yêu thương, sự khiêm nhường và phải có trách nhiệm với bản thân mình.
Các tín hữu thuộc thánh ca đoàn trong một tiết mục biểu diễn.
Trách nhiệm với bản thân mình có phải là một lối sống đạo đầy sự nghiêm cẩn mà chúng ta đã nói ở trên như không uống rượu bia, không hút thuốc…?
- Đúng vậy. Vì phải có trách nhiệm với bản thân mình thì mới là người sống có trách nhiệm với gia đình, Giáo hội và xã hội. Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô có tôn chỉ mục đích, có giáo lý, giáo luật rất rõ ràng. Giáo lý và giáo luật của Giáo hội cũng tương đương với luật pháp. Nếu vi phạm luật pháp thì cũng gần như vi phạm Giáo luật. Các tín hữu cũng không được sử dụng tên của Giáo hội để can thiệp vào chính trị của một quốc gia hay một đất nước nào đó. Đồng thời, Giáo hội luôn khuyến khích tín hữu yêu thương mọi người và phải có kiến thức cũng như công ăn việc làm để trang bị cho mình một cuộc sống tốt, một gia đình tốt.
Có thể thấy, trong câu chuyện của ông, của Giáo hội, giá trị gia đình được đề cao, được coi là một nền tảng. Ông có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa này?
- Các tín hữu của Giáo hội không nhất thiết là phải có vợ hoặc có chồng vì cũng có nhiều tín hữu độc thân. Tuy nhiên, khi đã lập gia đình thì tín hữu đó cần phải có trách nhiệm cá nhân rất lớn. Kinh thánh đã viết: trong cuộc sống, người nam sống một mình không tốt và phải có người nữ. Hay như Chúa khi tạo lập nên thế gian này thì cũng đã tạo ra Adam và Eva. Trong sách giáo lý và giáo ước, Giáo hội khuyến khích tín hữu xây dựng một gia đình hạnh phúc giữa một người nam với một người nữ. Điều này được khẳng định bằng việc họ sẽ có một đám cưới đền thờ. Để có một gia đình tốt, để nuôi dưỡng con cái tốt thì người bố và người mẹ cũng phải tốt. Ðây chính là gốc rễ để tạo lập nên một gia đình hạnh phúc bền chặt đại đồng.
Những quy định này rất tương đồng với văn hoá phương Đông như ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong xu thế của sự phát triển, đã có nhiều quan niệm thay đổi, thậm chí bị coi là cổ hủ thì việc duy trì lối sống đạo có phần nghiêm khắc như Giáo hội đang thực hành liệu có làm cho số lượng tín hữu giảm dần so với thời gian?
- Thật ra ở bên Mỹ, Giáo hội của chúng tôi là Giáo hội của những người già vì số lượng người già nhiều hơn người trẻ. Nhưng ở những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam thì ngược lại. Mặc dù là một tôn giáo mới, thời gian hoạt động chưa nhiều nhưng tôi phải khẳng định rằng, số lượng người trẻ của Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô Việt Nam nhiều hơn người già. Nhà thờ của chúng tôi luôn mở rộng cửa và cũng đã có rất nhiều tầng lớp xã hội ở nhiều lứa tuổi khác nhau tìm đến để tham gia. Điều này được lý giải có lẽ là ở chỗ: chúng tôi không khuyến khích cũng như không tạo ra những môi trường không tốt cho bản thân cũng như gia đình. Chúng tôi không có những buổi tiệc tùng với rượu bia, không có những buổi nhảy nhót thâu đêm suốt sáng. Chúng tôi cũng không hút thuốc, hay dùng chất kích thích. Đặc biệt chúng tôi không cho phép một người nam và một người nữ ở chung một phòng. Tất cả những quy định này đều được hướng dẫn rất kỹ càng. Nếu một người nam và một người nữ ở trong một phòng thì cửa phòng bắt buộc phải mở rộng hoặc phải có thêm người thứ ba. Giáo hội luôn tạo ra môi trường lành mạnh như vậy. Và may mắn là có những người nhìn ra môi trường lành mạnh đó nên sẵn sàng ở lại.
Ông suy nghĩ như thế nào về những người trẻ hiện nay, về những bữa tiệc ngập tràn bia rượu?
- Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô luôn có cách nhìn nhận tích cực về các bạn trẻ. Những bạn trẻ lạc lối, không may lâm vào con đường xấu chẳng qua là do các bạn chưa tìm ra được một môi trường tốt. Do vậy, khi tìm được môi trường tốt thì các bạn sẽ phát huy rất tốt. Giống như câu chuyện trong xã hội hiện đại, không phải bạn trẻ nào cũng muốn hút thuốc, không phải cô gái, chàng trai nào cũng muốn uống rượu mà tất cả những yếu tố đó đều do môi trường tạo ra mà thôi.
Hiện tại, chúng ta đang nhiễm một “văn hóa” hơi đặc biệt - đó là trong cuộc nhậu phải có một chút “men” thì mới vui. Đây là một suy nghĩ bình thường. Tuy nhiên, nếu trong cuộc gặp gỡ đó chúng ta thử không uống rượu, không uống bia thì cuộc nói chuyện đó sẽ dài hơn. Chúng ta hỏi thăm nhau kỹ càng hơn và quan trọng hơn là mọi người đều tỉnh táo. Tôi cũng từng chứng kiến có những cuộc họp lớp bạn bè đánh nhau vì rượu bia. Mặc dù đây là những trường hợp không may mắn và hy hữu xảy ra. Nhưng chưa kể đã có biết bao tai nạn đáng tiếc ở ngoài kia từ việc say bia rượu. Chính vì vậy, Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô luôn mong muốn tạo ra một môi trường lành mạnh hoặc tạo ra những cơ hội để mọi người có thể cùng với nhau vui vẻ nhưng vẫn hết sức an toàn và tỉnh táo.
Chúng tôi rất muốn ông chia sẻ thêm về việc thực hành nghi lễ tôn giáo, điều đó có gì khác so với những tôn giáo khác?
- Sự thờ phụng của chúng tôi cũng giống như các tổ chức tôn giáo khác đó là chúng tôi cũng có Lễ Tiệc Thánh vào ngày Chủ nhật. Tuy nhiên, chúng tôi không cầu kỳ về quần áo, trang phục mà chúng tôi vẫn ăn mặc âu phục như bình thường, còn phụ nữ thì chỉ cần mặc váy quá đầu gối để mang tính chất trang nghiêm Giáo hội.
Điểm nhấn trong Lễ Tiệc Thánh là gì, thưa ông?
- Tôi thấy rằng điều quan trọng nhất của tiệc thánh là chức Tư tế. Những người nam mang chức Tư tế sẽ làm Lễ Tiệc Thánh cho chúng tôi. Tức là những người nam khi đủ 12 tuổi trở lên thì sẽ được nhận chức Tư tế. Chức Tư tế này được truyền lại từ Chúa Giêsu Kitô qua các môn đồ của ngài. Với chúng tôi, khi Chúa Giêsu Kitô chết đi thì đó là thời kỳ đen tối, nhưng đến năm 1920 khi mà vị tiên tri Joseph Smith đã nhận được sự mặc khải của Chúa để phục hồi lại Giáo hội thì lúc đó phúc âm mới được phục hồi.
Tổ chức Lds Charity thuộc Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô ký biên bản phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trao tặng 5.000 xe lăn và 1.000 khung tập đi cho người tàn tật tại Việt Nam giai đoạn 2019-2021.
Kinh Thánh viết: "Sống ở trên đời, ai trong chúng ta cũng muốn yêu và được yêu, bởi tất cả chúng ta đã được yêu bằng một tình yêu cao cả”. Chúa là người đã mang đến tình yêu cao cả cho con người. Cho nên nếu được viết rút gọn Kinh thánh thì đó chỉ có thể là yêu thương, là sự chia sẻ. Ông quan niệm về điều này như thế nào?
- Giáo hội của chúng tôi luôn mang sự yêu thương tới cho mọi người. Muốn làm được điều đó trước hết chúng tôi phải sống có trách nhiệm. Trong cuộc sống, mọi người phải có trách nhiệm và nghĩa vụ công dân. Mỗi một tín hữu khi sống bất kỳ ở một quốc gia nào hay một vương quốc nào đó đều phải có trách nhiệm với đất nước đó. Trách nhiệm của các tín hữu chúng tôi là phải có công ăn, việc làm, có học thức, cần phải xây dựng gia đình riêng cho mình và cần sự đóng góp cho Giáo hội cũng như phục vụ cho cộng đồng. Chúng tôi cũng giống như nhiều tôn giáo khác nghe lời Chúa dạy là đóng góp 10% từ lợi nhuận mà mình làm ra. Còn những người già, các bạn trẻ tham gia phục vụ Giáo hội thì họ phải tự bỏ chi phí và họ phải tiết kiệm từ bé. Chúng tôi cũng cố gắng nhắc nhở mọi người đóng góp một phần thức ăn của mình để giúp đỡ người khác. Một tháng chúng tôi có một ngày nhịn ăn và tiền đó được đưa vào Quỹ hỗ trợ nhân đạo. Quỹ này của Giáo hội hoạt động theo phương diện quốc tế. Ở Việt Nam trong mấy năm vừa rồi qua thống kê chúng tôi tổ chức được khá nhiều hoạt động có ý nghĩa. Tổng cộng chúng tôi đã làm được 192 dự án. Trong đó, có những dự án về nhà vệ sinh, về nước sạch, về xe lăn và những dự án cấp cứu cho trẻ sơ sinh… Tất cả những hoạt động này đều được làm thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng.
Mặc dù theo đuổi một tôn giáo nghiêm khắc nhưng có thể thấy các tín hữu của Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô Việt Nam đang có sự dấn thân rất ý nghĩa đối với những vấn đề của đời sống, những vấn đề của con người. Điều này tương đồng với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước mà MTTQ Việt Nam phát động trong thời qua, thưa ông?
- Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô Việt Nam luôn ủng hộ và tham gia tích cực các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận phát động, đặc biệt là ủng hộ đồng bào lũ lụt, ủng hộ người nghèo. Chúng tôi chủ yếu ủng hộ, giúp đỡ bằng hiện vật. Giáo hội luôn có những người tình nguyện làm việc này. Họ sẽ đến tận nơi, tìm hiểu xem sự giúp đỡ đó có cần thiết không, và giúp đỡ như thế nào mới là phù hợp. Hiện nay, chúng tôi đang kết nối theo hệ thống Mặt trận từ Trung ương xuống địa phương để công việc hỗ trợ này được thuận lợi hơn. Giáo hội luôn có cách thức để giúp đỡ người nghèo một cách tốt nhất. Hiện nay, một trong những việc mà chúng tôi cũng đang cố gắng phối hợp thực hiện với các bệnh viện, trường học là xây nhà vệ sinh công cộng.
Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô Việt Nam hiện có bao nhiêu tín hữu, thưa ông?
- Hiện nay tổ chức Giáo hội ở Việt Nam có khoảng trên 1.000 người, phạm vi hoạt động tập trung chủ yếu tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Nhưng trên thực tế, chúng tôi vẫn còn hơn 1.000 tín hữu đang bị thất lạc. Đó là trước năm 1975, do hoàn cảnh lịch sử nên một số người không đến được nhà thờ. Đặc biệt, chúng tôi có một lượng tín hữu lớn hơn - đó là những tín hữu ở Campuchia. Nhiều người Việt Nam đã theo và báp têm ở Campuchia nhưng sau đó họ gặp phải một số khó khăn về giấy tờ nên họ quay trở về Việt Nam. Hiện giờ, chúng tôi đang tìm lại những người này vì họ có sổ tín hữu và tên hiệu đầy đủ.
Trân trọng cảm ơn ông!