Nói không với đồ nhựa dùng một lần

Cẩm Anh 07/12/2019 08:00

Những năm đầu tiên điểm đến Cù Lao Chàm (Quảng Nam) đưa ra qui định du khách ra đảo không mang theo túi nilon và đồ nhựa sử dụng một lần phải nói là còn khá lạ lẫm. Thế mà rồi làm được, làm triệt để, để đến bây giờ sau nhiều năm trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, Cù Lao Chàm vẫn không một tí rác thải nhựa nào.

Đấy là việc được thực hiện khi thói quen dùng túi nilon, với đồ nhựa sử dụng một lần vẫn còn tràn ngập khắp cả nước. Còn bây giờ, ý thức về việc bảo vệ môi trường đã tốt hơn rất nhiều.

Nói không với đồ nhựa dùng một lần

Chung tay làm sạch bờ biển.

Truyền thông về tác hại của rác thải nhựa đã được nâng cao lên rất nhiều. Điều đặc biệt là không giống những việc khác, riêng vấn đề này thì có lẽ ý thức của giới trẻ tốt hơn cả người lớn. Trong mỗi một gia đình, các cảnh trẻ con nhắc nhở ông bà bố mẹ rằng không mang túi nilon từ chợ về nhà chắc là khá phổ biến. Nhiều nhóm bạn trẻ ở các trường học đã có các hoạt động rất hiệu quả trong việc tuyên truyền nói không với túi nilon và đồ nhựa dùng một lần. Tôi đã từng chứng kiến cảnh các bạn trẻ thực hiện một dự án tuyên truyền để chứng minh rằng thời ông bà mình chưa có túi nilon người ta đã sống rất hạnh phúc, cân bằng với thế giới tự nhiên. Nhiều bạn trẻ khác đi tiên phong trong việc sử dụng ống hút bằng tre, bằng giấy… Trong nhiều hệ thống bán lẻ như siêu thị, cửa hàng tạp hoá, đã đưa vào sử dụng túi giấy và túi sinh học tự huỷ…

Nói như thế để thấy trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 này, con người đã từ chỗ hoan hỉ tiếp nhận sự tiện lợi của các sản phẩm công nghiệp được sản xuất từ nhựa đi đến được nhận thức quan trọng rằng đó chính là việc cần chối bỏ, nếu không muốn tự huỷ diệt môi trường sống của chính con người. Nói về những bước tiến của nhận thức để thấy cho đến thời điểm này, không còn là thời bỡ ngỡ của một bến tàu ra đảo ở Cù Lao Chàm mà du khách buộc phải chấp hành một quy định chặt chẽ là phải gửi lại đất liền tất cả những sản phẩm đồ nhựa dùng một lần trước khi bước chân lên cano. Từ một mô hình thành công ở Cù Lao Chàm xanh tươi phải trở thành việc bình thường của tất cả các điểm du lịch khác trên cả nước.

Du lịch là một ngành dịch vụ đem lại nhiều lợi nhuận. Nhưng những gì thiên nhiên ưu ái ban tặng để đem lại lợi ích kinh tế cho con người không có nghĩa là chỉ khai thác mà không gìn giữ. Trong thực tế chúng ta đã từng chứng kiến những điểm thắng cảnh ban đầu cực kỳ hấp dẫn rồi chỉ sau một thời gian khai thác thì nó đã trở thành bẩn thỉu, nhếch nhác, bị du khách quay lưng. Chúng ta đã nhìn thấy trong nhiều mùa du lịch nhất là sau các kỳ nghỉ lễ, khi những dòng khách chen chúc rút về thì cũng là lúc nhiều bờ biển, những khu du lịch ngập ngụa trong túi nilon, chai nhựa, rác thải… Biển và mặt đất bao dung nhưng phải cả trăm năm những đồ nhựa ấy chưa chắc đã phân huỷ được. Không có sự bao dung nào đủ sức như thế. Không có bãi biển đẹp như mơ nào mãi đẹp sau hàng chục, hàng trăm năm chất thải cứ thản nhiên được xả ra như thế.

Sự chuyển động để có những điểm du lịch nói không với đồ nhựa sử dụng một lần là hoàn toàn có thể. Cù Lao Chàm và một số nơi khác làm được thì không có lý gì cả nước không làm được. Bắt đầu từ mỗi địa phương cần đưa ra các qui định chặt chẽ, buộc các điểm du lịch, các công ty lữ hành phải tuân theo. Sự thay đổi nhận thức của du khách đến thời điểm này là hoàn toàn có thể. Trong đó có thể phải tính đến cả các phương án như xử phạt thật nặng nếu công ty lữ hành hoặc du khách chưa chấp hành quy định không sử dụng đồ nhựa một lần. Dần dần rồi đó sẽ trở thành việc bình thường. Muốn như vậy thì phải giải quyết được bài toán: Không dùng đồ nhựa dùng một lần thì sẽ sử dụng bằng gì? Nghĩa là phải có các sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường đủ sức thay thế, ít nhất trước mắt là ở các điểm du lịch. Rồi tiến tới việc không sử dụng đồ nhựa một lần được thực hiện ở tất cả mọi lúc mọi nơi. Trong khi chưa làm được điều đó thì việc các điểm du lịch chấp hành trước là hoàn toàn khả thi.

Việc này không còn là kêu gọi nữa, khi nó đã trở thành mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ vừa đặt ra tại Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương trong đó lộ trình từ nay đến năm 2030 đạt mục tiêu 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. Nói không với đồ nhựa dùng một lần và túi nilon không thể chần chừ nữa.

Cẩm Anh