Lựa chọn dòng vốn FDI

Minh Phương 07/12/2019 08:00

Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Số dự án của doanh nghiệp FDI mới đăng ký trong 11 tháng đầu năm lên tới 3.478. Đáng chú ý, đang có sự dịch chuyển của nhiều doanh nghiệp FDI từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, chúng ta cần thu hút có chọn lựa để tránh việc trở thành nơi chất chứa công nghệ lạc hậu.

Lựa chọn dòng vốn FDI

Việt Nam vẫn đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư FDI.

Tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày hết tháng 11/ 2019, đã có 3.478 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 28,2% số dự án so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký cấp mới 14,68 tỷ USD, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2018.

Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá Việt Nam là điểm đến hứa hẹn nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, đối với các DN Nhật Bản, lâu nay, thị trường Việt Nam vẫn luôn là điểm sáng để các DN nước này “dừng chân”. Một báo cáo khảo sát được vừa được Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) công bố cho thấy, DN Nhật Bản đánh giá Việt Nam là một trong những địa điểm đầu tư rất hứa hẹn trong trung và dài hạn.

Kết quả khảo sát đối với các DN Nhật Bản hoạt động tại thị trường nước ngoài chỉ ra rằng, tỷ lệ bình chọn Việt Nam là điểm đầu tư hứa hẹn đạt 36,4%, tăng 2,5 điểm phần trăm so với năm 2018, qua đó đưa Việt Nam từ vị trí thứ 4 lên vị trí thứ 3 trong danh sách xếp hạng của JBIC. Hiện Nhật Bản là quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam lớn nhất trong năm qua với tổng vốn đăng ký gần 8 tỷ USD. Vốn FDI của Nhật Bản chiếm 31% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

Không chỉ Nhật Bản, nhiều quốc gia khác như Mỹ, Đức, Canada… rất chú trọng, quan tâm tới việc đầu tư tại thị trường Việt Nam. Theo bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Việt Nam, các DN Hoa Kỳ luôn đánh giá Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng tốt cả về kinh tế cũng như du lịch. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), DN Hoa Kỳ đã đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam, tích hợp Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời mở ra một thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là nước nằm trong top 10 nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn của Việt Nam, với tổng vốn đăng ký lũy kế đến năm 2018 đạt 9,3 tỉ USD.

Nhiều chuyên gia đến từ Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng chung quan điểm rằng, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng thông thoáng hơn, tạo nhiều thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài. Song song với những điều kiện đó, các FTA song phương, đa phương đang mang đến cho Việt Nam nhiều lợi thế để thu hút đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu...

Sáng suốt chọn lựa dự án

Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, nền kinh tế bắt đầu chứng kiến sự dịch chuyển của các dự án FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam do những căng thẳng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gây ra những “rung lắc mạnh” đến hai thị trường này. Chuyên gia ngành tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, sự chuyển dịch này là có và ngày càng bộc lộ rõ nét.

“Chúng ta bắt đầu nhìn thấy các nhà tư vấn bất động sản tìm đến các nhà đầu tư nước ngoài để tư vấn cho họ địa điểm có thể chuyển dịch các dự án từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam” – ông Hiếu nhấn mạnh và cho biết, thời gian tới Việt Nam sẽ đón nhận nhiều dự án FDI mới từ sự dịch chuyển này.

Có thể thấy, môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng hơn và hội nhập kinh tế sâu rộng khiến cho Việt Nam ngày càng trở thành điểm “dừng chân” hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Không phủ nhận, nguồn vốn FDI có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế chung, nhiều địa phương đã thay đổi diện mạo từ việc thu hút FDI, nhiều lao động có cơ hội làm việc từ các dự án FDI. Mặc dù vậy, giới chuyên gia kinh tế vẫn luôn khuyến cáo, nhà quản lý cần sáng suốt lựa chọn những dòng vốn FDI thực sự “chất”, thực sự mang lại hiệu quả cho nền kinh tế cũng như tạo sức lan tỏa sang khu vực DN trong nước, tránh tình trạng thu hút một cách dễ dãi để DN nước ngoài “đẩy” cộng nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam.

Minh Phương