Cuộc thi âm nhạc mùa thu 2019: Một hoạt động nghề nghiệp ý nghĩa
Sau 6 ngày diễn ra sôi nổi trong không gian ngập tràn màu sắc nghệ thuật hàn lâm, Cuộc thi âm nhạc Mùa Thu 2019 chính thức khép lại bằng lễ bế mạc và trao giải tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Một tiết mục tham dự cuộc thi.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 30/11 đến ngày 5/12 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với sự tham gia của gần 170 thí sinh với 4 bộ môn gồm hoà tấu, độc tấu Piano, độc tấu Violin và hát thính phòng - nhạc kịch.
Trong 6 ngày với 13 buổi trình diễn, các thí sinh đã đem hết sức mình, tập trung cao độ để thể hiện phần thi của mình. BGK đã làm việc với cường độ cao, tận tuỵ, miệt mài và công tâm nhằm đánh giá, lựa chọn ra những thí sinh có kết quả tốt nhất để vinh danh. Với mong muốn cuộc thi sẽ vươn tới một tầm cao hơn, các thí sinh, các nhà hoạt đông nghệ thuật bác học có thể học hỏi được nhiều ý kiến với những cách nhìn nhận khách quan hơn BTC đã mời thêm các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm về các bộ môn Violin, Thanh nhạc và Piano đến từ các học viện nghệ thuật hàng đầu tại các nước Hungaria, Cộng hoà Pháp và Cộng hoà LB Nga cùng tham gia các hội đồng. Qua đó cũng là cơ hội để các thí sinh, các nghệ sĩ của chúng ta có cơ hội giao lưu, tiếp xúc, học hỏi bổ sung những kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp trong khi tham gia hội nhập sánh vai với bạn bè quốc tế .
Bộ môn Violin đã có 17 thí sinh đăng ký dự thi, tuy số lượng còn ít, nhưng các thí sinh đã trình diễn nghiêm túc, bảo đảm tính chuyên nghiệp, trong cuộc thi đã xuất hiện một số tài năng trẻ triển vọng. Tuy nhiên, một số thí sinh khi biểu diễn vẫn bị mất bình tĩnh. Đây là nhược điểm lớn của thí sinh Việt Nam vì ít có cơ hội biểu diễn trước công chúng.
Còn về Thanh nhạc, với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình nghệ thuật giải trí, đặc biệt là dòng nhạc nhẹ, đã ảnh hưởng có phần lấn át dòng nhạc cổ điển, từ đó hát cổ điển thính phòng ít có cơ hội phát triển như trước. Tuy nhiên, tại nhiều cơ sở đào tạo âm nhạc, phương pháp hát cổ điển vẫn còn được duy trì phát triển, bởi nó là cơ sở khoa học tạo điều kiện cho dòng hát nghiêm túc phát triển vững vàng. Trong đó phải kể đến Học viện Âm nhạc Quốc gia VN, Nhạc viện TPHCM, Học viện Âm nhạc Huế và các trường đại học lớn như Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội... Cuộc thi lần này, bên cạnh những gương mặt nổi tiếng quen thuộc đã xuất hiện rất nhiều giọng ca trẻ triển vọng và khá đa dạng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên sự ổn định trong thể hiện vẫn chưa được khẳng định, hoặc việc lựa chọn tác phẩm cho mình chưa phù hợp từ đó hạn chế thể hiện những ưu điểm nổi bật của mỗi cá nhân.
Với bộ môn Piano, số lượng các thí sinh tham gia đông đảo chiếm tỷ lệ cao và trải đều ở cả ba miền, số lượng các đơn vị tham gia cũng được tăng cường không chỉ nằm ở các nhạc viện mà còn thu hút được ở các trường nghệ thuật khác. Số lượng các thí sinh tham gia được trải đều ở các lứa tuổi trong các bảng đặc biệt là bảng A và B. Đặc biệt trong cuộc thi đã bộc lộ được nhiều tài năng đang ở độ tuổi rất trẻ.
Với bộ môn Hòa tấu thính phòng, cuộc thi đã thật sự mở lại một sân chơi hướng tới tất cả các đối tượng diễn viên, giảng viên, sinh viên hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn, giảng dạy, học tập âm nhạc giao hưởng thính phòng. Thật tiếc là số lượng thí sinh tham gia lần này còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên các nhóm tham gia đã thể hiện khá tốt phần trình tấu của mình, điều đó cho thấy trình độ học thuật cũng như kỹ thuật sử dụng nhạc cụ của thí sinh là khá cao.
Theo NSND Nguyễn Quang Vinh - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng Ban Tổ chức thì cuộc thi vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Không ít thí sinh vẫn chưa chuẩn bị tốt và kỹ lưỡng cho phần thi nên đã ảnh hưởng đến kết quả chương trình dự thi. Tuy vậy, theo ông Vinh, cuộc thi là một hoạt động nghề nghiệp có ý nghĩa. Thông qua đó, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo đánh giá thực trạng để từ đó có cách nhìn đầy đủ hơn, chính xác hơn và cũng từ đó sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm phát hiện, đào tạo bồi dưỡng những tài năng âm nhạc góp phần phát triển chung cho nền nghệ thuật của đất nước.
Tại lễ bế mạc và trao giải, BTC đã trao 3 Giải đệm đàn Piano xuất sắc cho ThS Trần Thái Linh - Giải đệm đàn cho Bộ môn Độc tấu Violin; ThS. NSƯT Trịnh Minh Trang; Ths Nguyễn Phương Hạnh - Giải đệm đàn Bộ môn Hát Thính phòng - Nhạc kịch. Ở Giải của bộ môn Độc tấu Violin có 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba; Giải của Bộ môn Hòa tấu có 1 giải Nhì và 3 giải Ba; Giải cho bộ môn Độc tấu Piano (3 bảng) có tổng cộng 3 giải Nhất, 24 giải Nhì, 6 giải Ba và 6 giải Khuyến khích; Giải cho Bộ môn Hát thính phòng - Nhạc kịch (2 bảng) có 3 giải Nhất, 3 giải Nhì, 4 giải Ba và 5 giải Khuyến khích. Ngoài ra, Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao 3 Bằng khen cho các thí sinh thể hiện xuất sắc bài của tác giả Việt Nam tại Cuộc thi.