Nhà thiết kế Trung Beret: Đưa vải thổ cẩm vào áo dài
Mới đây, bộ áo dài thổ cẩm của NTK áo dài Trung Beret (Nguyễn Thành Trung) gây được sự chú ý với khách du lịch quốc tế tại cố đô Huế do Hoa hậu Siêu hoàn cầu Châu Á 2019 Bon Nabi trình diễn.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với nhà thiết kế (NTK) Trung Beret về ý tưởng độc đáo và sáng tạo này. Bởi đưa các chất liệu vải, nhất là hoa văn và chất liệu dệt thô bằng tay của đồng bào dân tộc thiểu số là điều không đơn giản. Tuy nhiên, cuộc trao đổi cho chúng tôi thấy những mong muốn của NTK còn nhiều hơn là thiết kế một chiếc áo dài độc đáo, lạ mắt. Đó là sự mong muốn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, giới thiệu rộng rãi đến bạn bè quốc tế.
PV:Tại sao anh lại chọn chất liệu thổ cẩm cho bộ sưu tập áo dài của mình?
NTK Trung Beret: Nói về hoa văn thổ cẩm thì đã được ứng dụng nhiều trong những thiết kế áo dài bằng những chất liệu in hoặc thêu, nhưng dùng đúng vải thổ cẩm của đồng bào dệt thì chưa có nhiều, bởi chất liệu này, nếu không thật khéo thì không thể có một sản phẩm đẹp được. Sở dĩ tôi lựa chọn vải dệt thổ cẩm vì nó mang nhiều giá trị tinh thần trong cộng đồng dân tộc thiểu số nói riêng và cộng đồng người Việt Nam nói chung, nhưng nghề dệt thổ cẩm đang phải đối mặt với nguy cơ bị mai một.
Mai một vì số lượng người dệt ít, hay mai một vì không có đầu ra?
-Hiện nay, đời sống của các nghệ nhân vẫn khá chật vật do không tìm được thị trường tiêu thụ lớn, sản phẩm hoàn thiện ít được ưa chuộng. Với mong muốn cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số sống bằng nghề dệt thổ cẩm, cũng như lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống, tôi đã nỗ lực đồng hành cùng các nghệ nhân đưa thổ cẩm lên một tầm cao mới, ứng dụng nhiều hơn vào đời sống, tạo cho thổ cẩm có một chỗ đứng và tồn tại bền bỉ theo thời gian.
Theo nhận định của anh thì có khả quan?
-Đơn cử như việc ứng dụng thổ cẩm vào tà áo dài truyền thống, nó đang có những bước phát triển. Lấy chất liệu chính là thổ cẩm là chất liệu truyền thống kết hợp với hình ảnh áo dài để tạo ra tinh thần đoàn kết giữa các đồng bào dân tộc thiểu số.
Bảo tồn và phát triển thổ cẩm không chỉ là cơ hội kinh tế mà đó còn là sứ mệnh của chúng ta đối với một phần di sản quan trọng và thiêng liêng của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Mỗi tấm thổ cẩm dệt ra không chỉ là mồ hôi, công sức, đó còn là tình cảm bao người kết tinh trong đó. Giá trị làm nên tấm thổ cẩm không chỉ là chất liệu mà còn là hoa văn
Thổ cẩm không chỉ được dùng làm trang phục, mà còn là sản phẩm văn hóa tộc người, là quan điểm về thế giới quan, nhân sinh quan, là các giá trị về phong tục, tập quán.
Anh kỳ vọng nhiều hơn là đầu ra cho thổ cẩm?
-Tôi mong muốn đưa sản phẩm ra quốc tế nhưng vẫn giữ hồn thổ cẩm Việt ở sự nhấn nhá tinh tế, phá cách. Từ sự kết hợp này tôi muốn đưa thổ cẩm hội nhập hơn, gần gũi hơn với bạn bè quốc tế. Với sự nỗ lực và hy vọng, thổ cẩm như một sự kết nối, trang phục này không chỉ dừng lại trên sàn diễn mà có thể ra tới thảm đỏ; dành cho buổi tiệc quan trọng của những người nổi tiếng trong và ngoài nước.
Khi nhìn trang phục, người xem biết rằng nó bắt nguồn từ thổ cẩm của Việt Nam. Tôi muốn kết nối với vẻ đẹp hiện tại của thổ cẩm với những thiết kế tinh tế của áo dài quốc phục Việt Nam nhằm nâng tầm thổ cẩm, giúp sản phẩm dễ dàng đến với bạn bè quốc tế. Sắp tới tôi sẽ chính thức đưa áo dài thổ cẩm Việt Nam ra quốc tế thông qua tiết mục trình diễn của hơn 30 thí sinh đến từ các quốc gia trên thế giới trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Sắc đẹp Hoàn vũ 2020 (Miss Beauty Universer) tại thủ đô Kuala Lumpur Malaysia vào tháng 1/2020.
Và thông điệp của anh là?
-Nếu không có cội nguồn, không có quá khứ, hiện tại thì không có tương lai. "Thổ cẩm" là một dấu ấn và là thông điệp về cội nguồn. Chúng ta phải kết nối được sự giao thoa giữa cội nguồn và tương lai, giữa giá trị truyền thống và giá trị đương đại. Chính vì vậy mới kết hợp được chất liệu những kiểu dáng rất đương đại và có nhịp thời trang như chúng ta đang sống và hướng về tương lai.
Trong bộ quốc phục của tôi luôn luôn tôn vinh giá trị kết nối, những bộ đồ này không dừng lại ở địa phương mà có thể ra tới thảm đỏ dự những buổi tiệc sang trọng nhất dành cho những người nổi tiếng. Những ngôi sao không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới có thể mặc những bộ trang phục này thật sự là đẹp và họ biết cái đẹp này bắt nguồn từ Việt Nam. Một phần nào đó giúp địa phương bảo tồn để phát triển, bởi vì thổ cẩm không chỉ là cơ hội kinh tế mà đó còn là sứ mệnh của chúng ta đối với một phần di sản quan trọng và thiêng liêng của đồng bào các dân tộc Việt Nam, đưa hình ảnh trang phục Việt Nam đến với thế giới nâng thổ cẩm lên một tầm cao mới.
Cảm ơn NTK !