‘Vai trò báo chí truyền thông với sự phát triển du lịch cố đô Huế và các tỉnh Bắc miền Trung’
Đó là chủ đề được Hội Nhà báo các tỉnh Bắc miền Trung (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế) đưa ra bàn thảo sáng ngày 7/12 tại Huế.
Quang cảnh Hội thảo.
TS.Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam tham gia chủ trì hội thảo.
Trong phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế Phan Thiên Định khẳng định, giá trị tiềm năng du lịch của các tỉnh Bắc miền Trung là rất lớn nhưng do thiếu liên kết nên vẫn đang diễn ra tình trạng “mạnh ai nấy làm”, do vậy mà tại hội thảo lần này, báo chí cần kết nối, hỗ trợ lẫn nhau nhằm nâng cao chất lượng truyền thông, góp phần biến Bắc miền Trung là điểm đến trong tương lai gần.
Một vấn đề cần lưu ý, Bắc miền Trung là nơi có nhiều di sản văn hóa nên trong quá trình khai thác đã xảy ra xung đột giữa bảo tồn và phát triển. Báo chí cần vào cuộc tham gia phản biện nêu rõ đúng sai nhằm giúp các địa phương giải quyết hài hòa mối quan hệ này, nếu thờ ơ thì sẽ là mảnh đất màu mở để mạng xã hội tự tung tự tác dẫn dắt dư luận và trở thành lực cản cho sự phát triển.
Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Cố đô Huế hiện có 7 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được UNESCO công nhận.
Quảng Trị có đến 522 di tích, danh thắng, 4 di tích trong đó được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, là nơi từng đóng Thủ phủ xứ Đàng Trong, nơi vua Hàm Nghị lập “kinh đô” Tân Sở xuống chiếu Cần vương chống Pháp, nơi đóng trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Quảng Bình có Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được UNESCO hai lần vinh danh, là quê hương của vị Đại tướng anh hùng Võ Nguyên Giáp. Hà Tĩnh, bản quán của nhiều nhân vật lịch sử - văn hóa nổi tiếng, như Nguyễn Du, Lê Hữu Trác, Nguyễn Công Trứ, Trần Phú, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, nơi có Khu di tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc, dân ca ví dặm (cùng với Nghệ An) được UNSCO công nhận là văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Mộc bản Trường học Phúc Giang là di sản Ký ức thế giới khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Nghệ An là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là quê hương của nhiều bậc anh thư hào kiệt, như Phan Bội Châu, Hồ Xuân Hương, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai. Đây còn nổi tiếng với Khu dự trữ sinh quyển tây Nghệ An…
Thanh Hóa là quê hương của Bà Triệu, của Vua Lê Thái Tổ và cùng với Thành nhà Hồ được UNSCO vinh danh là Di sản Văn hóa thế giới.
Cả sáu tỉnh Bắc miền Trung kéo dài gần 700 km bờ biển, với nhiều thắng cảnh nổi tiếng, như Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò, Cửa Hội (Nghệ An), Thiên Cầm, Thạch Hải (Hà Tĩnh), Nhật Lệ (Quảng Bình), Cửa Tùng (Quảng Trị) Thuận An, Lăng Cô (Thừa Thiên Huế).
Nơi đây là vùng đất sinh sống bao đời của 25 dân tộc và nhiều vô kể những giá trị văn hóa - lịch sử khác được xem là nguồn sản phẩm du lịch vô cùng phong phú… tiền đề to lớn để các tỉnh bắc miền Trung liên kết cùng phát triển du lịch.
Hiện nay, tăng trưởng từ du lịch của cả sáu tỉnh đều khá cao, đều được khẳng định ngành kinh tế du lịch là “ngành kinh tế mũi nhọn”, nhưng so với nhiều nơi, du lịch bắc miền Trung vẫn phát triển chưa tương xứng, đặc biệt thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh để quảng bá, phát triển.
Với 23 tham luận, các nhà báo, bằng tâm huyết của mình đã nêu lên thực trạng cũng như cách làm của mỗi địa phương, qua đó đề xuất vai trò của Báo chí trong quảng bá du lịch; sự liên kết giữa các địa phương hay làm cách nào để những tác phẩm hay, hấp dẫn để vừa thu hút du khách vừa gợi mở các nhà đầu tư tìm đến vùng đất này…