Những ngọn lửa dẫn đường

Tuệ Phương 08/12/2019 08:00

Bắc Giang là cái nôi quan họ, nhưng cũng là nơi nổi tiếng với điệu sình ca của người Cao Lan, điệu sli giao duyên của các chàng trai, cô gái Tày và Nùng. Sự đa dạng về bản sắc cũng phần nào nói nên cái phức tạp của địa hình, của thành phần dân cư cũng như những khác biệt kinh tế - xã hội ở các địa phương. Những tưởng phức tạp ấy sẽ tạo thành lực cản, nhưng Bắc Giang lại đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đặc biệt, trong bất kỳ phong trào nào cũng luôn xuất hiện những tấm gương điển hình...

Những ngọn lửa dẫn đường

Đường giao thông nông thôn, điểm nhấn xây dựng NTM tỉnh Bắc Giang.

1. Những cơn gió bấc thông thốc thổi những ngày cuối cùng của năm cũ không ngăn được không khí rộn ràng trên những cánh đồng, trên những triền đồi trên khắp Bắc Giang. Thực ra, đã có một thời, vẫn biết là nông dân phải gắn với ruộng đồng, nhưng nhiều người nảy sinh tâm lý “chán ruộng”. Cấy cày quanh năm, thu lợi chẳng bao nhiêu, lại còn “bày vẽ” cây vụ đông cho phức tạp. Nhưng tâm lý đó đã bị đẩy lùi cùng với phong trào xây dựng NTM.

Chúng tôi về thôn Phú Mại (xã Tư Mại, huyện Yên Dũng). Tháng 12 là thời điểm người dân đẩy mạnh canh tác khoai tây – một loại cây vụ đông cho thêm thu nhập xen giữa hai vụ chiêm, mùa. Thay cho tình trạng những mảnh ruộng bị “băm nhỏ” là những ô ruộng rộng lớn. Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Phú Mại Nguyễn Văn Huy tự nhận mình là người “con của đất”. Ở đất này, muốn thoát nghèo, trước tiên, vẫn phải từ chính mảnh ruộng của mình. Phải làm sao để người dân gắn bó với ruộng đồng khi bấy lâu, trong quá trình sản xuất, công sức bỏ ra rất lớn nhưng hiệu quả mang lại không cao, số lương thực làm ra chỉ đáp ứng cho gia đình và số ít dùng để chăn nuôi nhỏ, lẻ. Ông Huy nhớ lại: “Năm 2011, Tư Mại là một trong 6 xã đầu tiên của huyện được chọn làm điểm xây dựng NTM. Địa phương bắt đầu xây dựng cơ sở vật chất về điện, đường, trường trạm từ xã đến thôn, chỉnh trang khu dân cư… Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp giành được nhiều quan tâm hơn cả vì chúng tôi xác định, muốn thực hiện NTM thành công, thì cần “cách mạng nông nghiệp”. Chỉ có canh tác trên các thửa ruộng lớn mới tiết kiệm chi phí, công sức và tập trung chăm bón tốt được”. Ông Huy đã tham mưu cho Chi bộ, chính quyền thôn đăng ký với Đảng ủy, UBND xã làm điểm dồn điền đổi thửa cho toàn xã, phấn đấu từ 15 thửa mỗi hộ dồn lại còn 3 thửa trên một hộ. Giai đoạn đầu, khi đưa ý kiến ra Chi bộ có rất nhiều ý kiến phản đối hoặc đưa ra nhiều khó khăn, so sánh và cho rằng có thể sẽ không thực hiện được. Trước tình hình đó, ông đã phân tích cho nhiều đảng viên, kể cả đến từng nhà các đảng viên lão thành, có uy tín để nói về các mặt lợi khi dồn ruộng. Trước thái độ chân thành của ông Huy và những lợi ích từ việc dồn ruộng, bà con nhân dân cơ bản đồng tình. Những mảnh ruộng lớn giúp người dân yên tâm đầu tư. Chỉ vài năm trước, “cánh đồng mẫu lớn” là chuyện ở trên tivi, trên báo chí, mấy ai dám nghĩ Phú Mại làm được. Thế mà chẳng ai ngờ, những cánh đồng mẫu lớn với các giống lúa Bắc thơm, Nàng xuân hay trồng khoai tây xuất hiện. Người dân náo nức mua sắm các thiết vị nông cụ để sản xuất thay cho sức kéo trâu bò, toàn thôn có 10 chiếc máy cày to, 5 máy gặt đập liên hoàn, máy cày nhỏ các loại trên 30 chiếc. Chỉ bốn năm sau khi khởi xướng, năm 2015 thôn Phú Mại là một trong các thôn hoàn thành sớm và về đích NTM đầu tiên của xã.

Những câu chuyện tương tự như Phú Mại có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu trên quê hương quan họ Bắc Giang. Khó khăn là có thật, nhưng cộng đồng biết chung sức vượt qua. Tính đến hết năm 2019, Bắc Giang có 114/203 xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, có hai huyện đạt chuẩn NTM.

2. NTM cho ai? Đấy là câu hỏi mà không ít người nông dân đã đặt ra khi mới triển khai, không phải người dân nào cũng hiểu. Người nông dân chính là mục tiêu mà cuộc vận động hướng đến. Người nông dân cũng là người thụ hưởng thành quả. Đấy là câu chuyện vừa làm, vừa vận động, vừa thuyết phục để bà con tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Khi người dân tin, sức mạnh của dân là vô bờ bến.

Đây là câu chuyện xảy ra ở Việt Ngọc - một xã miền núi nằm ở phía Tây của huyện Tân Yên. Hệ thống đường giao thông của Việt Ngọc có tổng chiều dài 114,5 km. Tất cả các tuyến mặt đường hẹp đi lại khó khăn chưa đáp ứng được yêu cầu trong điều kiện giao lưu kinh tế. MTTQ xã đã tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương ra được nghị quyết lãnh đạo, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân hiến đất, tháo dỡ công trình để mở rộng, nắn chỉnh đường. Biết là đường hẹp, đi lại khó khăn, cảnh quan không đẹp, nhưng động đến đất đai là động đến quyền lợi. Không hưởng ứng là một chuyện, có những gia đình còn chống đối quyết liệt. Chủ tịch UB MTTQ xã Việt Ngọc Dương Thị Quy nhiều phen đau đầu. MTTQ xã đã phối hợp cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức nhiều hội nghị để tuyên truyền, giải thích, phân công các Đảng ủy viên phụ trách bám sát địa bàn, phát huy tốt sự lãnh đạo của cấp ủy các Chi bộ, vai trò gương mẫu của cán bộ đảng viên, của Ban Công tác Mặt trận ở các thôn, vai trò của người cao tuổi, của những người có uy tín trong dòng họ, trong cộng đồng dân cư để xây dựng thành hạt nhân tuyên truyền vận động. Đồng thời, phải lên kế hoạch để ứng phó với từng trường hợp cụ thể. Khi cộng đồng được “đả thông” tư tưởng, chính người dân đã có sáng kiến đóp góp hỗ trợ những hộ gia đình bị tháo dỡ để xây lại công trình khi mở đường. Vận động được tuyến đường nào, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM bắt tay ngay vào bê tông hoá tuyến đường đó. Những tuyến đường “kiểu mẫu” được mở ra trong sự ngạc nhiên của người dân, khiến nhiều thôn, xóm rủ nhau tình nguyện hiến đất mở đường. Sau 6 năm, đến năm 2019 nhân dân Việt Ngọc đã hiến đất làm đường giao thông nông thôn với diện tích kỷ lục 75.000 m2 đất trong đó 4.567 m2 đất thổ cư và 70.433 m2 đất canh tác. Chưa kể người dân hiến đất mở rộng mặt đường tỉnh lộ 295, 297 đi qua xã là 30.055 m2 trong đó đất ở là 10.025 m2, đất nông nghiệp 20.030 m2…

3. Thi đua là yêu nước. Yêu nước thì phải thi đua. Sinh thời, Bác Hồ đã dạy chúng ta như thế. MTTQ tỉnh Bắc Giang vừa tổ chức biểu dương những tấm gương điển hình trên địa bàn tỉnh có hành động vì cộng đồng và người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số. 110 tập thể, cá nhân đã được vinh danh trong các lĩnh vực khác nhau, từ đổi mới cơ cấu kinh tế, chung tay gìn giữ môi trường cho đến hiến đất vì cộng đồng, nỗ lực xây dựng tình đoàn kết cộng đồng... Truyền thống yêu quê hương, yêu đất nước luôn sẵn có trong mỗi người. Những chủ trương đúng đắn, sự tuyên truyền, vận động kịp thời đã thổi bùng nhiệt huyết để phong trào thi đua khoe sắc. Và việc tuyên dương, khen thưởng, chia sẻ kinh nghiệm đã biến những tấm gương điển hình ấy trở thành những ngọn lửa dẫn đường trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM đô thị văn minh”, trong phong trào xây dựng NTM.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang Trần Công Thắng cho biết: “MTTQ các cấp trong tỉnh nhận thức sâu sắc để tập hợp, đoàn kết nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phải đặc biệt quan tâm, phát huy các nhân tố tích cực, các nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, người có uy tín ở cộng đồng dân cư, phát huy và nhân rộng gương người tốt, việc tốt để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ ở địa phương, cơ sở. Trước tác động mặt trái của cơ chế thị trường, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì những việc làm vì cái chung, vì cộng đồng, hy sinh cái riêng vì lợi ích của mọi người rất đáng được tôn trọng, rất cần được biểu dương”.

Năm 2020 đang đến gần. Với những thành tựu to lớn trong xây dựng NTM, đó là một năm mới đoàn kết, ấm áp và yên vui với bà con các dân tộc tỉnh Bắc Giang.

Tuệ Phương