Sớm tầm soát ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng đang nằm trong số 5 loại bệnh ung thư phổ biến nhất ở nước ta. Dự đoán đến năm 2025, nó sẽ trở thành bệnh ung thư phổ biến thứ 2 ở nam giới và thứ 4 ở ở nữ giới, đến năm 2040, số người mắc sẽ tăng gấp đôi so với năm 2018.
Cần lưu ý những cơn đau bụng không rõ ràng, khi dữ dội, lúc lại âm ỉ.
Khoảng 1 triệu ca tử vong vì CRC
Theo ghi nhận từ GLOBOCAN 2018, ung thư đại trực tràng (CRC) là bệnh ung thư gây tử vong đứng thứ ba và được chẩn đoán là bệnh ung thư phổ biến đứng thứ tư trên thế giới, gần 2 triệu trường hợp mắc mới và khoảng 1 triệu ca tử vong vì căn bệnh này. Việt Nam hiện có 32.900 người bệnh đang sống chung với CRC, cứ 100.000 người thì có tới 13-14 người mắc. Đây là thông tin được TS.BS Nguyễn Tiến Quang - Phó giám đốc Bệnh viện K - đưa ra tại Hội thảo Ung thư Việt - Pháp lần thứ 3 do Bệnh viện K tổ chức. Năm 2018, Việt Nam có gần 165.000 ca ung thư mới mắc, 115.000 ca bệnh nhân tử vong, trong đó, số bệnh nhân CRC mắc mới là 14.733 ca và tử vong là 9.286 ca. Tại Bệnh viện K Trung ương, mỗi tháng, các bác sĩ chẩn đoán mới khoảng 200 ca.
TS Phạm Văn Bình - Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Robot, Trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K nhấn mạnh: Tại Việt Nam, CRC là một trong những bệnh ung thư đường tiêu hóa có tỉ lệ mắc nhiều nhất. Bệnh nhân ngày càng trẻ hóa và có liên quan mật thiết tới chế độ ăn uống và sinh hoạt.
GS.TS Trần Văn Thuấn – Giám đốc bệnh viện K, Viện trưởng Viện Ung thư Quốc gia - chia sẻ: Mỗi năm Bệnh viện K phẫu thuật cho khoảng 22.000–23.000 bệnh nhân ung thư, trong đó riêng CRC đã chiếm hơn 2.000 ca, tương đương 12-15 bệnh nhân/ ngày. Hiện tại hơn 70% bệnh nhân CRC đến khám ở giai đoạn muộn (giai đoạn tiến triển 3-4) khiến hiệu quả của việc chữa bệnh bị giảm rất nhiều. Bệnh nhân có xu hướng trẻ hóa rất nhanh, khoa từng phẫu thuật cho bệnh nhân mới 10, 12 tuổi.
Phát hiện sớm, tỷ lệ sống trên 5 năm là 80%
Những tiến bộ gần đây trong sàng lọc phát hiện sớm và các phương pháp điều trị ngày càng hiện đại, kỹ thuật cao đã làm giảm tỷ lệ tử vong CRC. TS.BS Nguyễn Tiến Quang cho biết: Ngoài di truyền, tuổi, giới, dân tộc, đột biến gen thì có yếu tố mới nhưng vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, đó là chiều cao. Những người thường xuyên uống rượu, bia, bị rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột, bị polip đại tràng trên 1 cm và đa polip đại tràng cũng có nguy cơ cao. Nguy cơ nam giới mắc CRC cao hơn 1,5 lần so với nữ giới. Những người có anh chị em ruột, bố mẹ mắc CRC thì nguy cơ cao gấp 2 lần người bình thường. Những người nhiễm vi khuẩn HP có yếu tố nguy cơ cao gấp 1,5 lần người không mắc.
Ở giai đoạn sớm, CRC thường không có biểu hiện rõ ràng khiến người bệnh chủ quan, lầm tưởng với những bệnh lý đường tiêu hóa khác, vì thế, người dân cần tầm soát bệnh khi có các dấu hiệu như tình trạng đau bụng. Các cơn đau thường không rõ ràng, khi dữ dội, lúc lại âm ỉ tương tự như biểu hiện của viêm đại tràng. Hay đó là rối loạn tiêu hóa kéo dài (ợ chua, chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, ăn không ngon miệng…) khiến người bệnh buồn đi nhiều hơn và có thể đại tiện ra máu, suy nhược cơ thể, người bệnh có thể bị giảm cân bất thường mà không phải do tập luyện thể dục hay ăn kiêng. Do vậy ngay khi thấy những biểu hiện bất thường trên, người bệnh cần đến thăm khám để được tư vấn, điều trị kịp thời.
TS.BS Phạm Văn Bình cho biết, nếu CRC được phát hiện sớm (giai đoạn 1 hoặc 2), tỷ lệ người bệnh sống trên 5 năm lên tới 80%.
Làm gì để phòng ngừa CRC?
CRC thường bắt đầu lành tính (gọi là polyp, không phải là u nhưng là một tổn thương có hình dạng giống như một khối u, có cuống hoặc không, do niêm mạc đại tràng và tổ chức dưới niêm mạc tăng sinh tạo thành). Không phải là ung thư nhưng polyp có thể phát triển thành ung thư sau một thời gian dài.
Một cách tốt nhất để phòng tránh ung thư là kiểm tra đại trực tràng thường xuyên. Polyp tiền ung thư thường không biểu hiện triệu chứng, có thể được tìm thấy qua nội soi đại tràng vài năm trước khi ung thư xâm lấn phát triển. Kiểm tra sàng lọc cũng tìm thấy được polyp tiền ung thư và cắt bỏ trước khi nó trở thành ung thư. Đây được xem là cách phòng bệnh cụ thể nhất.
CRC có thể phòng tránh được thông qua thói quen hoạt động thể lực, vận động hay luyện tập thể dục, ăn uống lành mạnh. Có nhiều yếu tố nguy cơ mà mọi người có thể phòng tránh được như các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu) được xem là có liên quan mật thiết đến ung thư đại tràng. Ăn khoảng 160g/ ngày hoặc chế độ ăn với thịt quá 5 lần/ tuần có nguy cơ cao gấp 3 lần. Dưới hình thức chiên, nướng, thịt xông khói, dăm bông, xúc xích, chất đạm sẽ làm tăng yếu tố sinh ung thư, còn mỡ sẽ bị chuyển hóa bởi vi khuẩn trong lòng ruột, làm tăng sản các tế bào biểu mô bất thường và phát triển thành ung thư. Ăn ít chất xơ dễ dẫn đến béo phì và có nguy cơ cao gây ung thư đại tràng, nên cần thay đổi chế độ ăn khoa học hơn để phòng bệnh. Các thức ăn chứa nhiều chất xơ (rau xanh, trái cây) giúp làm giảm nguy cơ này vì chất xơ giúp gia tăng tiêu thụ acid folic, gia tăng kết hợp chất xơ với các yếu tố sinh ung thư dẫn đến việc loại khỏi lòng ruột sớm vì giảm thời gian ứ đọng phân. Ngoài ra, chất xơ làm giảm pH trong lòng đại tràng và tăng sản xuất các acid béo chuỗi ngắn và yếu tố vi lượng chống hiện tượng ôxy hóa.
Các loại nước uống chứa cồn làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Thuốc lá được biết đến như là những “sát thủ” của bệnh lý tim mạch hay ung thư phổi. Gần đây nó được công nhận là những yếu tố nguy cơ rất quan trọng gây ung thư đại tràng cho cả hai giới, nhất là khi kết hợp với rượu bia.
Quan trọng nhất là không nên bỏ qua việc tầm soát phát hiện sớm căn bệnh này 6 tháng/ lần tại các cơ sở chuyên khoa uy tín, bởi CRC hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.