Đừng yêu như thế
Những năm tháng của thập niên 1980, màn hình tivi còn là thứ hiếm hoi với các gia đình Việt, nhất là ở nông thôn. Thế mà nhờ những buổi tường thuật bóng đá của Đài Tiếng nói Việt Nam, người hâm mộ cũng thuộc lòng tên đội tuyển và cầu thủ.
Giải vô địch bóng đá thế giới Mexico mùa hè 1986 cả xóm xem chung một chiếc tivi bé tí nhưng dường như cũng đủ sôi động cả làng quê. Hay đến mùa hè Italia 1990 thì tivi đã nhiều lên, háo hức hơn, rộn rã không khí bóng đá hơn...
Ai đã xem bộ phim “Hồi đáp 1988” của Hàn Quốc thì sẽ thấy cái cảnh tượng những tháng năm mùa hè cả xóm xem chung bóng đá, phải lấy tay đập vào cái tivi đen trắng mỗi khi nó giở trò không phải chỉ là chuyện ở Việt Nam. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn nghĩ rằng hình như người Việt mình mang tình yêu với bóng đá sâu nặng hơn thì phải. Ở vào thời kỳ xã hội nói chung còn thiếu thốn vật chất mọi bề ấy, vẫn không thiếu tình yêu đối với bóng đá.
Cho nên, khi đến thập niên 1990 của thế kỷ trước, một lứa cầu thủ vàng của Việt Nam như Huỳnh Đức, Hồng Sơn... xuất hiện, cùng với những giải đấu khu vực của đội tuyển Việt Nam được truyền hình trực tiếp thì tình yêu ấy càng được thổi bùng lên. Ở ký túc xá Mễ Trì, đám sinh viên bạn tôi bụng đói meo vẫn thức xem bóng đá, tuyệt không đứa nào dính vào cá độ. Giả sử hồi ý có cầu thủ nào của đội tuyển Việt Nam sơ sẩy, cũng không phải chịu sự chửi bới của người hâm mộ.
Bắt đầu xuất hiện việc đổ ra đường hò reo ăn mừng mỗi khi đội nhà giành chiến thắng...
Tình yêu muôn đời không có lỗi. Nhưng cách yêu sai lầm và hậu quả nặng nề của nó thì lại trở thành lỗi lầm. Và những cách thể hiện tình yêu vẫn phản ánh những tính cách, trình độ văn hoá khác nhau.
Không hiểu sao tình yêu vào buổi ban sơ bao giờ cũng đẹp. Một thứ tình yêu trong trẻo không vụ lợi, không cực đoan. Đó là tình yêu bóng đá của những năm tháng còn nhiều thiếu thốn về vật chất. Người ta xem bóng đá xuýt xoa với một đường bóng đẹp, nuối tiếc một cú sút không vào...
Điều gì, cái gì khiến tình yêu bóng đá của chúng ta hôm nay bỗng chốc có nhiều khi trở thành mê lầm. Tại tình yêu cực đoan hay tại chúng ta hôm nay có sẵn công cụ trong tay để gây gổ với nhau. Kiểu nhiều người cùng mắng nhiếc một sai lầm của thủ môn hay việc lên đồng tụng ca một cầu thủ đều là những biểu hiện cực đoan. Khen quá hay chê quá đều có thể làm thui chột sự nghiệp của một con người, bất kể ngành nghề gì, với bóng đá càng hơn thế. Chúng ta đã từng chứng kiến những bài học cay đắng. Như một cầu thủ được nống lên như một tài năng xuất chúng chẳng bao lâu sau đã sa ngã và tiêu tan hoàn toàn sự nghiệp... Còn nhiều cầu thủ hôm nay được đưa lên mây xanh ngày mai đã lại dìm không thương tiếc.
Có người bảo rằng bóng đá những ngày đội tuyển U22 Việt Nam thi đấu Giải vô địch SEA Games giống như bộ lọc xã hội. Nhìn vào ứng xử trong tình yêu với bóng đá của không ít người mà định ra được cả nhân cách con người. Thôi thì nói thế hơi to tát quá. Chúng ta cũng không dám nghi ngờ tình yêu bóng đá của người Việt. Bất cứ ai, trong phát ngôn trên mạng xã hội, dù khen hay chê, đều chả nhân danh tình yêu với đội tuyển nước nhà. Thậm chí tình yêu bóng đá bấy lâu nay còn được mặc định tương đương với yêu nước và tự hào dân tộc.
Chỉ có điều, bóng đá suy cho cùng cũng chỉ là một môn thể thao, dù là thể thao vua, dù mang danh màu cờ sắc áo thì một trò chơi, tất có thắng có thua, có xuất sắc và có cả sai lầm. Yêu bóng đá là tốt nhưng đừng yêu cực đoan, bởi bóng đá giống như cuộc đời, sinh động và nhiều màu sắc.