Nhà soạn nhạc Lương Huệ Trinh: Nhạc Mới tiếp cận người nghe theo cách tự nhiên nhất

Việt Quỳnh (thực hiện) 08/12/2019 08:00

Trong Liên hoan âm nhạc châu Âu với hòa nhạc đa phương tiện “Thư Hà Nội” diễn ra tại Hà Nội và TP HCM, khán giả ngồi đông chật, nghe và xem chăm chú từ đầu đến cuối. Chương trình “Thư Hà Nội” được soạn bởi Lương Huệ Trinh (Việt Nam) và Jean-David Caillouët (Pháp) đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả và các nhà chuyên môn.

Nhà soạn nhạc Lương Huệ Trinh: Nhạc Mới tiếp cận người nghe theo cách tự nhiên nhất

Nhà soạn nhạc Lương Huệ Trinh.

Không chỉ với riêng tôi mà tất cả các nghệ sĩ tham gia ‘Thư Hà Nội’ đều rất hào hứng khi nhìn thấy một cô bé 3 tuổi, không những em giơ tay lên múa theo nhạc mà còn nhất định không chịu vỗ tay vì không muốn chào tạm biệt. Khán giả của chúng tôi không chỉ là những người khác ngành, khác nghề, yêu âm nhạc mà còn có nhiều đồng nghiệp và thậm chí một số nghệ sĩ gạo cội của nghệ thuật sân khấu truyền thống cũng đã đến với chương trình - nhà soạn nhạc Lương Huệ Trinh chia sẻ.

Vì sao “Thư Hà Nội” lại gây cảm hứng cho chị để tạo ra một buổi hòa nhạc đa phương tiện như thế?

Thú thật, ý tưởng ban đầu không đến từ tôi hay nhạc sĩ người Pháp Jean-David Caillouët, mà đến từ cựu giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội Emmanuel Labrande. Khi nhận lời mời của ông về buổi hòa nhạc đại diện nước Pháp trong Liên hoan âm nhạc châu Âu tại Việt Nam 2019, chúng tôi đã trao đổi nhiều về việc làm sao để đưa ra được sự kết nối về mối quan hệ của hai nước. Ông Emmanuel đã đề cập tới cuốn sách “Thư Hà Nội” được xuất bản tại Hà Nội năm 2006 với sự hỗ trợ của sứ quán Pháp. Sau khi đọc cuốn sách này, nhạc sĩ Jean-David và tôi đã rất mê những câu từ, hình ảnh và văn phong của tác giả khi ông miêu tả Hà Nội dưới một con mắt sâu sắc thực sự. Cuốn sách đã trở thành nguồn cảm hứng để hai chúng tôi bắt tay vào thu thập tư liệu hình ảnh cũng như chất liệu âm thanh cho những sáng tác của mình.

Quá trình sáng tác “Thư Hà Nội” đã diễn ra như thế nào với chị?

Khi nhận lời mời của ông Emmanuel, tôi đã suy nghĩ rất nhiều xem nên mời ai, kết hợp những nhạc cụ gì để tạo nên một sự pha trộn giữa màu sắc Á và Âu. Âm nhạc của tôi trước giờ luôn có sự kết hợp của các âm thanh điện tử và những chất liệu được khai thác từ âm nhạc truyền thống. Tuy nhiên, khó là làm sao để âm nhạc vẫn toát ra được cái bản sắc vốn có trong mình nhưng không được lặp lại các sáng tác đã viết trước đây, làm sao để những nhạc cụ phương Tây có thể hòa quyện được với những làn điệu và âm thanh cổ truyền mà không có cảm giác các chất liệu bị cắt dán. Để thoát ra khỏi cái bóng của chính mình, tôi đã tạo âm thanh, xử lý và kết hợp chúng bằng một tâm lý, một cảm giác và một tinh thần khác trước. Bên cạnh đó thì câu hỏi về việc dàn dựng hình ảnh cũng khiến tôi trăn trở. Tôi đã dựng các video trừu tượng hoàn toàn trên những bức ảnh mà tôi chụp bằng điện thoại trong những chuyến đi của mình. Ở cả phần nghe và phần nhìn, tôi đã sử dụng ngôn ngữ văn học, thơ ca như một yếu tố trong một cấu trúc tổng thể chứ không chỉ là sự lắp ghép đơn thuần. May sao cuối cùng chương trình đã có một màu sắc riêng và nhận được những phản hồi tích cực từ khán giả.

Chị làm thế nào để phối hợp cùng nhà soạn nhạc người Pháp cùng chuyển soạn tác phẩm từ văn học đến âm nhạc và chơi nhạc cùng các nhạc công Pháp -Việt?

Trong suốt quá trình sáng tác, tôi và nhạc sĩ Jean-David liên tục trao đổi về cấu trúc, thời lượng của chương trình, của từng bài, nhạc cụ và cả những chất liệu mà chúng tôi thu thập được. Các tư liệu đó được để vào một “thư viện” online dành riêng cho “Thư Hà Nội”. Mỗi khi tạo ra được một bản nhạc hay có một ý tưởng mới, chúng tôi đều gửi cho nhau nghe - xem và bàn bạc. Thậm chí ngay cả font chữ sử dụng trong video và tờ giới thiệu chương trình, chúng tôi cũng thống nhất dùng cùng một loại chữ. Không chỉ trao đổi về những sản phẩm vừa mới làm ra, chúng tôi còn hỗ trợ nhau xử lý một số vấn đề kỹ thuật trong quá trình sáng tác hình ảnh và âm thanh. Hầu như ngày nào, đêm nào chúng tôi cũng online để bàn bạc với nhau rồi làm việc riêng, rồi lại trao đổi và làm việc tiếp. Làm cùng nhau đến mức chúng tôi đã nhập viện ở cùng một thời điểm từ hai thành phố khác nhau do vấn đề về sức khỏe (cười).

Nhà soạn nhạc Lương Huệ Trinh: Nhạc Mới tiếp cận người nghe theo cách tự nhiên nhất - 1

Nhà soạn nhạc Lương Huệ Trinh và các nghệ sĩ biểu diễn trong đêm nhạc đa phương tiện “Thư Hà Nội”. Ảnh: Trần Thị Hồng Nhung.

Việc kết hợp hình ảnh từ những tư liệu lịch sử về Hà Nội đầu thế kỷ XX, giọng đọc vài câu trích dẫn trong sách cũng trở thành giai điệu hòa trong tổng thể chung của tác phẩm, giọng hát ca trù, âm nhạc điện tử, các nhạc cụ quen thuộc như trống, guitare, cello đến bộ gõ, chuông, những con ốc kim loại… đã làm nên một tổng thể tác phẩm hài hòa đầy sáng tạo nhưng lại không khó để cảm thụ, chị chia sẻ sao về điều này?

Quan điểm sáng tác của nhạc sĩ Jean-David và tôi có phần giống nhau. Mặc dù làm việc ở dòng nhạc đương đại nhưng chúng tôi không bài xích hòa âm và giai điệu. Đôi khi có những nhầm lẫn rằng cứ nhạc đương đại là phải gồ ghề, gai góc và phải thật khó nghe. Nhưng thực tế không phải vậy. Ở những khoảnh khắc nhất định, chúng tôi vẫn sử dụng những giai điệu trầm bổng, mượt mà. Trước hoặc sau đó, hoặc thậm chí xen kẽ những nét giai điệu đẹp có thể là những âm thanh hoàn toàn tương phản. Có rất nhiều cách để xử lý trong âm nhạc. Bên cạnh đó, hai chúng tôi đều muốn khai thác khả năng thể hiện cá tính của từng nghệ sĩ biểu diễn. Bởi vậy, trong quá trình sáng tác, chúng tôi tạo ra những không gian nào đó để ít nhiều, mỗi người nghệ sĩ có thể thăng hoa với chính âm nhạc của mình, tất nhiên trong một sự gợi ý, khuôn khổ hay cấu trúc được định sẵn.

Trong các tác phẩm thể nghiệm của chị, luôn thấy xuất hiện dòng chảy âm thanh với nhịp điệu quen thuộc ẩn phía bên trong, hoặc sử dụng chất liệu âm nhạc truyền thống, đây có phải sợi dây kết nối từ đầu đến cuối bản nhạc để làm nền cho sự sáng tạo song hành?

Từ khi bắt đầu tiếp cận với âm nhạc lúc 6 tuổi cho đến nay, trong tôi luôn có một sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại, dù trước đây tôi có nhận thức được điều đó hay không. Bố mẹ, bác và ông tôi đều chơi nhạc cụ truyền thống nhưng anh em tôi lại học đàn phím (keyboard), sau này là piano và âm nhạc điện tử. Do đó, tôi tiếp cận với âm nhạc phương tây nhiều hơn. Tuy nhiên, nhờ được nghe nhiều nhạc truyền thống khi còn nhỏ, cộng với khoảng thời gian sau này khi tôi theo học nhạc sĩ Nguyễn Xuân Sơn mà sự nhận thức về giá trị của nghệ thuật truyền thống nói chung đã mang lại cho tôi một nguồn cảm hứng bất tận trong các thực hành nghệ thuật của mình. Tôi chỉ muốn đi dài hơi với con đường mà tôi cảm thấy thỏa mãn để đưa ra những cảm xúc và suy nghĩ của mình. Càng làm việc lại càng có nhiều điều để “giãi bày” qua âm nhạc nên tôi cứ từng bước chầm chậm đi qua 10 năm như vậy mà không hề đo đếm xem nó dài hay ngắn.

Với chị âm nhạc thể nghiệm có vị trí ra sao với nền âm nhạc Việt Nam nói chung?

Manh nha từ đầu những năm 90 tại Việt Nam, trải qua một chặng đường hơn hai mươi năm đầy chông gai, giờ đây âm nhạc thể nghiệm hay còn gọi là Nhạc Mới đã được công chúng quan tâm hơn, mặc dù nếu so sánh với các dòng nhạc khác, con số này là khá khập khiễng. Nhưng tín hiệu tích cực từ cả nghệ sĩ và khán giả đã chứng minh thể loại âm nhạc này phần nào đã được công chúng đón nhận. Hơn hai mươi năm không phải ngắn cũng chẳng phải dài cho một sự phát triển. Chỉ có cách làm việc chân thành với niềm đam mê và nhiệt huyết không ngừng thì mới mong từng bước các tác phẩm Nhạc Mới sẽ tiếp cận được người nghe theo một cách tự nhiên nhất.

Trân trọng cảm ơn chị!

“Sau hòa nhạc ‘Thư Hà Nội’ tôi sẽ nghỉ ngơi một chút trước khi bắt tay vào sáng tác các tác phẩm đặt hàng và các dự án cộng tác kéo dài cho tới 2022. Trước tiên sẽ là một tác phẩm cho nghệ sĩ piano người Brazil và âm nhạc điện tử, kết hợp cùng nghệ sĩ thị giác người Pháp cho triển lãm tại một bảo tàng phía bắc nước Pháp trong 6 tháng đầu năm 2021. Sau đó sẽ là dự án đa phương tiện với nhóm hòa tấu Handwerk từ Cologne cho buổi công diễn tại ba thành phố Đức Cologne, Essen và Münster mùa thu năm 2020, và sẽ diễn ra ở Việt Nam năm 2021 dưới sự tài trợ của Viện Goethe Hà Nội. Cũng trong mùa thu 2020, tôi sẽ sang Paris cho chương trình lưu trú sáng tác tại Trung tâm nghệ thuật Cité des Arts do Viện Pháp và Villa Saigon tài trợ. Năm 2021-2022 sẽ là một dự án đặc biệt không kém diễn ra tại Việt Nam với giọng ca bass-bariton hiếm hoi Nicholas Isherwood, người từng cộng tác thường xuyên với các tượng đài âm nhạc đương đại như Karlheinz Stockhausen, Olivier Messiaen, Iannis Xenakis…với sự tài trợ của IRCAM - Viện khoa học Pháp về âm nhạc, âm thanh và nghệ thuật âm nhạc electro-acoustic tiên phong”. (Nhà soạn nhạc Lương Huệ Trinh).

Việt Quỳnh (thực hiện)