Nỗ lực cứu bờ biển Cửa Đại
Đã có hàng nghìn tỉ đồng bỏ ra và hàng trăm cuộc hội nghị trong nước và quốc tế để tìm các giải pháp cứu bờ biển Hội An nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả. Hiện Quảng Nam đang tăng cường công tác chống sạt lở, tiếp tục triển khai các phương án cứu bờ biển này.
Bờ biển Cửa Đại đang phải chịu nhiều tổn thương.
Chúng tôi vừa trở lại biển Cửa Đại, chứng kiến sự tàn phá của triều cường đối với bờ biển. Những cơn sóng lớn liên tiếp đánh mạnh vào bờ khiến hàng trăm mét kè mềm bờ biển tan hoang, ăn sâu vào đất liền.
Anh Nguyễn Tùng, một người dân ở đây cho biết, cứ vào mùa mưa bão, những con sóng lớn trên 1 mét xuất hiện điên cuồng tấn công bờ biển, nhất là đoạn kè mềm phía ngoài khu nghỉ dưỡng Victoria đến khu nghỉ dưỡng Palm Garden khiến bà con rất lo lắng.
Tại khu vực Cồn Doi thuộc khối phố Phước Hải, phường Cửa Đại, sóng đã cuốn hàng trăm cây dương trồng phòng hộ trôi ra biển. Ông Mai Văn Trúc (72 tuổi), khối Phước Hải, phường Cửa Đại cho biết, trước đây rừng dương kéo dài ra tới mép nước biển cách nơi đây hơn 50m. Thế nhưng sóng lớn khiến rừng phòng hộ bị trôi ra biển. Sạt lở nặng nhất từ năm 2016 đến nay.
Theo ông Ngô Xuân Đông- Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đại, việc sạt lở diễn ra ở khu vực Cồn Doi rất phức tạp.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Nam và chính quyền thành phố Hội An cùng với các bộ, ngành liên quan đã tích cực tìm các giải pháp và triển khai để cứu bờ biển Hội An.
Từ năm 2013 đến nay, hầu như năm nào chính quyền tỉnh, thành phố và Trung ương đã ưu tiên bố trí vốn chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại bằng hình thức kè cứng kết cấu bê tông cốt thép và bằng bao tời đựng cát. Năm 2014 đã kè mềm hơn 400m từ khách sạn Victoria đến khách sạn Hội An; năm 2015 kè mềm 240m từ nhà hàng Hòa Hưng đến nhà hàng Sen và gia cố 714m chân kè đoạn từ khách sạn Pusionalya đến SunRise bằng đá hộc; năm 2017 kè mềm hơn 1km từ khách sạn Victoria về hướng khách sạn Palm Garden...
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã có cuộc họp đề xuất giải pháp bảo vệ bờ và tôn tạo bãi biển Cửa Đại. Tại đây các chuyên gia thủy lợi, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã đưa ra nhiều nhận định và phương án khả thi để cứu bờ biển Hội An. Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân gây xói lở là thiếu hụt trầm tích ở vùng biển Hội An; sự suy giảm lưu lượng trầm tích từ sông Thu Bồn và lượng cát chảy vào vùng biển Cửa Đại cùng với đó là nhiều nguyên nhân khác.
GS.Marcel Stive, chuyên gia thủy lợi hàng đầu của Hà Lan đã đưa ra giải pháp bù lượng bùn cát thiếu hụt bằng giải pháp nuôi bãi; đồng thời hạn chế sức tải bùn cát dọc bờ bằng cách giảm độ sâu vùng sóng từ xa và giảm dòng ven bờ, nạo vét luồng phía bờ Bắc để tích trữ lượng trầm tích phục vụ cho công trình nuôi bãi.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng thừa nhận, phải chọn được phương án tối ưu cho dự án chống xói lở bờ biển Cửa Đại, không thể hư đâu vá đó. Mới đây nhất, tại Kỳ họp thứ 13 diễn ra cuối tháng 11, các đại biểu đã xem xét, biểu quyết thống nhất bổ sung dự án chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An với tổng mức đầu tư 42 triệu euro (tương đương hơn 1.128 tỷ đồng).