Vụ 2 anh em ruột tại Sóc Sơn (Hà Nội) tử vong: Phát hiện mẫu đất có vi khuẩn gây bệnh Whitmore
Liên quan đến vụ 3 trẻ trong cùng một gia đình tử vong trong thời gian ngắn tại Sóc Sơn, trong đó 2 trẻ dương tính với khuẩn gây bệnh Whitmore, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội đã phối hợp các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương lấy mẫu đất, nước tại các khu vực có nguy cơ cao của hộ gia đình.
Ảnh minh họa.
Kết quả phát hiện một mẫu có vi khuẩn gây bệnh Whitmore. Đây là mẫu đất được lấy ở độ sâu dưới 90cm nằm trong khu vực sinh hoạt của gia đình.
Trước đó, như Đại Đoàn Kết đưa tin, đầu tháng 4, một gia đình tại thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội có một bé gái 7 tuổi tử vong với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột chỉ sau 3 ngày có biểu hiện sốt. Sau đó trong vòng chưa đầy một tháng (từ ngày 27/10 đến ngày 16/11), cũng tại hộ gia đình này có liên tiếp hai con trai tử vong cũng với biểu hiện ban đầu là sốt.
Hai trường hợp sau được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore.
Ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hà Nội cho biết, bệnh Melioidosis còn được gọi là bệnh Whitmore, là một bệnh truyền nhiễm trên người và động vật. Theo quan điểm không đúng, một số cho rằng đây là bệnh vi khuẩn “ăn thịt người”. Thực chất, bệnh Whitmore là một bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn thông thường bởi một vi khuẩn Gram âm có tên khoa học là Burkholderia pseudomallei (B. pseudomallei). Bệnh có khả năng điều trị và đáp ứng tốt bằng kháng sinh.
Bệnh Whitmore được ghi nhận nhiều ở Australia, Đông Bắc Thái Lan. Ngoài ra Malaysia, Singapore, Campuchia, Lào và Việt Nam cũng ghi nhận các trường hợp mắc bệnh rải rác. Tại Việt Nam, bệnh Whitmore được mô tả lần đầu tiên vào năm 1925 tại TPHCM, sau đó là Hà Nội, Huế. Bệnh gặp ở tất cả các độ tuổi, cả ở nam và nữ. Tuy nhiên những người có nghề nghiệp thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với đất, nước sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ngoài ra, những người có các bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch dễ bị mắc bệnh, diễn biến trầm trọng và nguy cơ tử vong cao hơn.
Thời gian ủ bệnh từ khi tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh đến khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh không được xác định rõ ràng, có thể từ một ngày đến nhiều năm, trung bình từ 2 – 4 tuần sau khi tiếp xúc.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng bao gồm: Sốt, nhiễm trùng cục bộ, nhiễm trùng lan tỏa. Sốt có thể theo cơn, kèm theo lạnh run, hoặc sốt kéo dài. Kèm theo sốt là các triệu chứng như ho, đau ngực, đau đầu, đau cơ hoặc khớp và chán ăn. Khi diễn biến nặng bệnh nhân có thể bị viêm đường tiết niệu, viêm phổi, loét da, suy hô hấp, áp xe ở gan, lách, nhiễm nhiễm trùng máu và suy đa phủ tạng. Bệnh Whitmore có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác như bệnh lao hoặc các dạng viêm phổi.
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Melioidosis (Whitmore). Để chủ động phòng bệnh, người dân cần thực hiện các biện pháp hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng. Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao (những người có vết thương ngoài da, những người mắc mãn tính như đái tháo đường, bệnh thận mãn tính, người có tình trạng suy giảm miễn dịch, người già và trẻ em). Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh sau khi tiếp xúc. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei và điều trị kịp thời.