Tạo đồng thuận qua giám sát
Giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai các dự án, mức huy động đóng góp trong nhân dân thực hiện tại xã, thị trấn của huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Bộ phận “một cửa” huyện Thanh Trì (Hà Nội).
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thanh Trì (Hà Nội) Nguyễn Thị Thắm cho biết: Thời gian qua, huyện đạt được nhiều kết quả nổi bật với việc thực hiện giám sát Quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn các xã, thị trấn: Như chính quyền các xã, thị trấn đều thực hiện tốt việc công khai các danh mục thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa. Công tác tiếp dân tại trụ sở được thực hiện nghiêm túc. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm giải quyết, có nhiều vụ việc phức tạp được giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở, không để tồn đọng kéo dài hoặc đơn thư vượt cấp…
Đặc biệt trong những năm qua, Thanh Trì cũng như các huyện khác đã vận động nhân dân đóng góp xã hội hóa, xây dựng các công trình hoàn thành tiêu chí nông thôn mới, chính vì vậy giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ, công khai các dự án, mức huy động đóng góp trong nhân dân thực hiện tại xã là hết sức cần thiết và tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Bên cạnh đó MTTQ các cấp của huyện xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giám sát các khoản thu, chi trong thực hiện dự án. Các ban Công tác Mặt trận thực hiện dân chủ trong hiệp thương nhân sự tham gia HĐND các cấp, bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, lấy ý kiến nhân dân về huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Thông qua việc triển khai và thực hiện quy ước dân chủ tại các thôn, tổ dân phố trong nhiều năm qua trên địa bàn huyện Thanh Trì nhận được sự đồng thuận trong nhân dân trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ và các cấp các ngành phát động, không có kiến nghị, khiếu nại về việc vi phạm dân chủ tại các xã, thị trấn. Qua việc thực hiện giám sát thực hiện dân chủ ở cơ sở thường xuyên hàng năm, Mặt trận đã từng bước phát huy được vị trí, vai trò của mình trong hệ thống chính trị với những nội dung thiết thực góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Tuy nhiên, bà Thắm cũng thẳng thắn nêu những bất cập qua giám sát thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở: Pháp lệnh thực hiện dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn ban hành đã 12 năm trong đó quy định những nội dung cần được giải trình trước nhân dân là những nội dung cần được nhân dân thảo luận và quyết định; những nội dung cần lấy ý kiến của nhân dân trước khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định; những nội dung cần được nhân dân kiểm tra, giám sát; trách nhiệm của chính quyền và công chức ở cấp xã; trách nhiệm của cơ quan tổ chức, cá nhân và những người có liên quan trong quá trình thực hành dân chủ ở cấp xã… Do thời gian ban hành Pháp lệnh quá lâu nên một số nội dung hiện nay không còn phù hợp.
Hay trình độ chuyên môn, kỹ năng giám sát của một số thành viên các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng còn hạn chế, không có chuyên môn sâu về tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về xây dựng cơ bản. Một số thành viên các ban Thanh tra nhân dân, Giám sát đầu tư của cộng đồng còn nể nang, ngại va chạm, hoặc phát hiện sai phạm thì cũng chỉ có chức năng kiến nghị, giải quyết, chưa có chế tài cho MTTQ xử lý, do đó chưa có sức răn đe cao.
Việc phối hợp giữa MTTQ và chính quyền cùng cấp ở một số đơn vị trong thực hiện Quy chế dân chủ còn chưa chặt chẽ, kinh phí thì hạn chế. MTTQ giám sát việc thực hiện của chính quyền, nhưng lại phục thuộc ngân sách của chính quyền hỗ trợ, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng của các cuộc giám sát. Việc phát huy dân chủ hiện nay ở một số nơi nhân dân bị lợi dụng, lôi kéo và thực hiện dân chủ quá chớn. Nhiều vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời nhưng vẫn cố tình tập trung kiến nghị gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự…
Từ những thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện công tác giám sát, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ trong việc giám sát thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, bà Thắm đề xuất: MTTQ các cấp cần xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát hàng năm việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đối với tất cả các lĩnh vực. Trong hoạt động giám sát, các thành viên tham gia giám sát cần được phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, thống nhất chặt chẽ. Đồng thời cần chủ động tham mưu, đề nghị chính quyền tích cực phối hợp, tạo điều kiện, nhất là về kinh phí để Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt việc giám sát, phản biện xã hội.