Nền hành chính không giấy tờ
Hôm nay 9/12, sẽ diễn ra Lễ khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Việc Cổng DVCQG chính thức vận hành không chỉ tiết kiệm một khoản chi phí khổng lồ cho xã hội mà còn hiện thực hóa giấc mơ hướng tới một nền hành chính không giấy tờ, nói không với tham nhũng, tiêu cực, một nền hành chính vì dân phục vụ.
Nói về những tiện ích, nhất là chi phí thời gian, tiền bạc khi vận hành Cổng DVCQG, ông Ngô Hải Phan- Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), Văn phòng Chính phủ cho biết, thông qua Cổng DVCQG, chúng ta triển khai các dịch vụ công trực tuyến thay vì việc làm trực tiếp bằng giấy tờ sang việc thực hiện nhờ công cụ điện tử với 8 nhóm dịch vụ công sẽ tiết kiệm được 4.222 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, giá trị gia tăng từ Cổng DVCQG sẽ giúp tiết kiệm được 1.736 tỷ đồng/năm bởi vì người dân sẽ chỉ đăng nhập 1 lần và có thể làm 1 dịch vụ ở nhiều địa phương... Đồng thời, người dân cũng không phải nhớ nhiều tài khoản, vì bình thường vào cổng DVC của các bộ, địa phương thì mỗi nơi có 1 tài khoản thì nay chỉ cần một lần đăng nhập có thể truy cập được vào Cổng DVCQG để vào cổng DVC của các bộ, ngành, địa phương và thực hiện dịch vụ công.
Nhưng tại thời điểm khai trương, không phải tất cả các DVC đều có thể tích hợp trên hệ thống ngay lập tức mà sẽ thực hiện tăng dần theo lộ trình. Theo đó, khi vừa mới đưa vào vận hành, Cổng DVCQG sẽ chỉ cung cấp một số dịch vụ công nhất định như 5 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố là Đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại, cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình), dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện…
Như vậy, tiện ích của việc vận hành Cổng DVCQG có rất nhiều chứ không chỉ dừng ở việc tiết kiệm một khoản chi phí cho xã hội khi chúng ta dùng dịch vụ trực tuyến chứ không phải là giấy tờ như trước. Như chia sẻ của bà Phan Thu Hiền, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì với các dịch vụ cấp đổi thủ tục giấy phép lái xe, người dân không cần đến cơ quan công quyền mà chỉ cần ngồi tại nhà xin cấp giấy phép lái xe quốc tế và được trả tại nhà... Chỉ riêng điều này cho thấy, việc đưa các DVC lên Cổng DVCQG có rất nhiều mục tiêu được đưa ra như tiết kiệm chi phí về thời gian, tiền bạc, tiện lợi… nhưng đích cuối cùng cũng để thực hiện mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, vì dân phục vụ.
Ngoài đích đến bao trùm là phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn, và chúng ta sắp chạm tay vào nền hành chính không giấy tờ, vì nhân dân phục vụ, nhưng qua việc sử dụng các dịch vụ trực tuyến sẽ giúp nâng cao chất lượng phục vụ của cán bộ vốn từ lâu vẫn cho là một điểm trũng.
Cụ thể như trong lĩnh vực điện năng, nếu thanh toán điện tử khoản tiền điện hàng tháng không còn dùng phương pháp thủ công thông thường đã mang lại tiện ích cho cả người cung cấp dịch vụ lẫn người sử dụng. Tuy nhiên, lợi ích không chỉ nằm ở đó, bởi nếu thực hiện trực tuyến sẽ chặn được những sự nhũng nhiễu, phiền hà có thể xảy ra như với dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình), dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp). Nếu ai đã từng đi đăng ký cấp điện cho hộ gia đình mới hoặc cho doanh nghiệp mới thấy sự phiền hà, nhiêu khê ra sao và thấy mừng thế nào nếu không còn phải mất thời gian đi lại, chờ đợi, thậm chí phải nhờ vả, “bôi trơn”. Cũng liên quan đến việc hạn chế tối đa sự tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, sẽ là mảnh đất mầu của tham nhũng, Đại diện Bộ Công thương, ông Nguyễn Thế Quang- Phó Cục trưởng Cục Thương mại và Kinh tế số cho biết, đơn vị này đưa vào cổng DVC thủ tục khuyến mãi là do có nhiều phản ánh của doanh nghiệp khi phải làm thủ tục khác nhau ở các tỉnh. Tuy nhiên, nếu thực hiện các thủ tục này qua Cổng DVCQG, quy trình, hồ sơ, giải pháp sẽ được thống nhất và vì thế hạn chế tối đa việc gặp trực tiếp cán bộ làm hồ sơ với doanh nghiệp, tránh được sự nhũng nhiễu không đáng có.
Không chỉ dừng lại 3 dịch vụ trên, ông Quang Lâm- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, quý I/2020, EVN sẽ có 8 thêm dịch vụ nữa đưa lên Cổng DVCQG, đây là những dịch vụ người dân, doanh nghiệp cần nhất. Như vậy, sẽ từng bước một, hầu hết các DVC sẽ phủ rộng khắp với mong muốn phục vụ người dân một cách tốt nhất, nhanh nhất. Điều đáng mừng việc đưa các DVC lên Cổng DVCQG đã được các bộ, ngành địa phương tích cực làm. Theo đó trong quý 1/2020 sẽ có tới 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm và thu phạt vi phạm giao thông đường bộ tham gia Cổng DVCQG.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc triển khai Cổng DVCQG trước hết đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp... bởi hiện nay khi người dân thực hiện TTHC tại các cơ quan phải làm thủ tục nhiều lần, nộp hồ sơ nhiều nơi, thủ tục hồ sơ lại kèm nhiều hồ sơ phụ… Chi phí thời gian, chi phí công sức, chưa nói vấn đề tham nhũng vặt đã tạo khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC. Theo đó, nỗ lực đưa Cổng DVCQG vào vận hành để đạt được đích duy nhất - chính quyền chung tay phục vụ người dân, doanh nghiệp.