Nhà phê bình - nhà thơ Nguyễn Chí Hoan: Tác giả trẻ đang tìm cách có kiến tạo riêng

Việt Quỳnh (thực hiện) 09/12/2019 13:09

Chúng ta chưa bao giờ hoàn toàn thành thật khi trình bày thế nào là một “tác giả trẻ” trong văn chương. Có vẻ ai cũng có lý khi ít nhiều đồng thuận coi một “tác giả trẻ” là một người viết ra một hay mấy sáng tác văn chương được in ấn và đương nhiên là phải được truyền thông đa phương tiện chú ý.

Nhà phê bình - nhà thơ Nguyễn Chí Hoan: Tác giả trẻ đang tìm cách có kiến tạo riêng

Lẽ ra sự công nhận và lượng giá đó phải trước tiên đến từ các nhà xuất bản và các thiết chế văn học khác. Cái mà nay quen được gọi như “cơ chế thị trường” thực tế là đã được để mặc cho mở rộng vô độ các tầm ảnh hưởng phi - văn - nghệ của nó đến độc giả - thông qua sự lượng giá theo giá cả và thị phần của những sáng tác có thể có. Một vài “tác giả trẻ”, tôi xin phép không nêu tên, có một vài sáng tác mới mẻ, chất lượng văn chương trội hơn, tuy nhiên dường như người đọc không biết đến họ một cách rộng rãi để mà có những lựa chọn khác.

Nhìn rộng ra cái thực tế “thị trường” ngoài kia, ta thấy có một trạng thái có thể gọi là đơn điệu, ở mức chung, về những chủ đề mà tần suất gặp cao, ở những các trang viết của nhiều người viết trẻ. Thực tế này thì một vài nghiên cứu cập thời về văn học nước nhà đương đại, cùng một vài diễn đàn báo chí và truyền thông đa phương tiện đều đã từng hơn một lần đề cập, mô tả, bình luận, chẳng hạn như nghiên cứu về “văn học thị trường” ở TP HCM. Hầu như ai quan tâm cũng đều biết, các chủ đề ấy có thể chia đại lược thành hai nhóm: nhóm về chuyện tình yêu trẻ trung đương thời, và nhóm về lối sống “trẻ” đương thời. Về định tính của những chủ đề như thế, trên tầm mức rất chung, ta thấy chúng thật là “kinh điển” trong lĩnh vực những chủ đề của văn chương; cảm tưởng như phàm là thơ văn truyện tiểu thuyết thì đều nhằm kể những chuyện như thế. Hơn nữa, hai nhóm chủ đề đó, trong những sáng tác văn chương ta nói đến ở đây, của những “tác giả trẻ”, rất thường xuyên giao thoa hoặc hội nhập vào nhau – tình yêu làm lối sống, lối sống nhào nặn cái con người là những chủ thể của tình yêu đó. Những chuyện đời như thế đều không được khám phá bằng văn chương mà đúng hơn được kể lể bằng những tường thuật về cảm xúc, trải từ những cảm xúc nghĩ đến cảm xúc thân thể và ham muốn dục tính, mà thực sự thì cũng không khám phá được cái sống dục tình - một câu chuyện rất căn bản của nhân sinh và hết sức khó khăn đối với sự tiếp cận văn chương nào muốn tạo được chút giá trị. Và với những chuyện tình ái đã như thế thì với những chuyện lối sống cũng không thể làm hơn. Tôi có được nghe một vài phê phán về sự biểu hiện văn chương ấy của những hình ảnh lối sống ấy. Nhưng tôi cho rằng các phê phán như vậy đều ít nhiều sai địa chỉ khi cho rằng đó chính là phản ánh thật về lối sống của người trẻ đương đại. “Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu”! Cái trích dẫn thường bị nhại bị nhái bị lạm dụng một cách vui nhộn đó nói lên nhiều hơn những gì người ta có thể nghĩ. Cá nhân tôi thì mong sao những tác giả trẻ hay viết về lối sống trẻ của mình và bạn bè của họ sẽ viết nhiều hơn nữa và thật hơn nữa trên cái chủ đề cốt yếu đó, hết sức phong phú và rộng lớn, đa dạng đó. Cho tới lúc này thì họ vẫn có vẻ như đang vuốt ve hơn là khám phá.

Một điều nữa, gần đây một vài bình luận trao đổi cho rằng lứa “tác giả trẻ” dường như hết năng lượng và nguồn cho hư cấu - dẫu thật ra thì họ cũng đã hư cấu gì lắm đâu - nên theo nhau chuyển sang dạng viết tản văn tạp văn, mà lắm lúc nhìn như thể những dòng status trên giao diện tự loading vào. Có thể thấy lối viết này không khác, không tạo nên khác biệt mà có thể nhiều người mong thấy. Đó vẫn là những cách thuận theo việc giãi bày cảm tưởng. Nó xa rời việc tạo ra văn chương. Tuy nhiên, khi viết thể loại trực tiếp hơn về tiếng nói cá nhân tác giả này, rất có thể những ai viết với nhiều cam kết trong sự viết của mình sẽ tự thấy cần phải tìm ra gì đó mới mẻ, thật sự đáng nói, đáng để chia sẻ với bất kỳ ai đọc mình. Vậy nên tôi lại thấy chuyển dịch này biết đâu lại là một điều hay? Và trước hết thì nó đã và đang xảy ra. Tại sao ta không nghĩ rằng những “tác giả trẻ” đang tìm cách để có kiến tạo riêng của họ, ít nhất về lối viết? Tính rộng mở bất định của các ngõ vào văn chương luôn luôn là thách thức, nên nếu những người viết thật sự “trẻ” thì họ phải khám phá bằng mọi giá một ngõ vào phù hợp mỗi người. Ta liệu còn mong đợi gì hơn nữa đây?

Việt Quỳnh (thực hiện)