Chúng ta đã có thế hệ nhà văn mới tài năng
Họ viết nhiều về tình yêu như viết về chính phần đời họ đang sống hoặc mong muốn- Nhà văn Đào Bá Đoàn
PV:Thời gian qua, các đầu sách từ các tác giả trẻ (dưới 35 tuổi) được gửi tới NXB Hội Nhà văn với số lượng và chất lượng nhìn chung ra sao thưa anh?
Nhà văn Đào Bá Đoàn: Nhà xuất bản Hội Nhà văn hiện nay là một đơn vị xuất bản chuyên về sách văn học và hàng năm có số lượng đầu sách lớn nhất cả nước. Nói điều này là để khẳng định “tính nhiệt kế văn chương” khi muốn đo lường một điều gì đó (hiện tượng gì đó) về nền văn học nước nhà. Trở lại với điều mà bạn quan tâm: Nếu lấy mốc tuổi cụ thể (35) như bạn hỏi thì xin được khẳng định ngay là số lượng tác giả và tác phẩm của họ thấp hơn nhiều so với mốc tuổi 40 trở lên. Có nghĩa là, thế hệ 8x đời giữa (1984) trở lại đây rõ ràng đang có ít tác phẩm hơn thế hệ trước. Xin không đi vào lý giải điều này bởi nó sẽ hợp hơn với một nhà nghiên cứu, nhưng tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng, chất lượng tác phẩm của họ nhìn chung là tốt. Tôi dùng từ “nhìn chung” là đặt nó trong mặt bằng có tính đồng đều ở mức trung bình trở lên so với thế hệ trước đó – thế hệ kéo dài (mà bạn không đặt ra tính phân kỳ của độ tuổi nữa), họ vừa là thế hệ đang ở độ chín của sáng tạo, đồng thời cũng tiệm cận suy tàn của một hành trình. Tác phẩm của họ nếu chưa phải là tác phẩm hay thì cũng không có (hay đúng hơn là rất ít) cái gọi là “rác văn học”.
Nội dung chủ yếu các tác giả trẻ hướng tới, và thể loại được chọn lựa thưa anh?
- Nói tới tuổi trẻ, tất nhiên không thể không nói đến tình yêu. Họ viết nhiều về tình yêu như viết về chính phần đời họ đang sống hoặc mong muốn. Cũng có tác giả, tác phẩm đơn thuần chỉ viết về yêu thôi, ngoài ra không có gì. Nhưng cũng có nhiều tác phẩm thông qua những mối tình để viết về xã hội, viết về cuộc đời, thậm chí là “con người phổ quát”, “nhân loại phổ quát” với những bày tỏ và khát vọng tót vời về tính thiện lương hoặc ôm mộng đổi thay thế giới. Đương nhiên, cũng có rất rất nhiều đau đớn và thất vọng nữa, có khi đến mức tăm tối và đầy dẫy bi quan chán ghét…
Bây giờ đang là thời 4.0, văn học không thể tuyệt đối thoát ly hiện thực đúng không? Cho nên người trẻ cũng viết nhiều về đời sống đô thị, lối sống thị dân với “hơi thở hầm hập của chủ nghĩa tiêu dùng”, của “văn hóa mạng” (văn hóa số - sống ảo) với những dửng dưng hoặc những cơn khoái cảm ngắn hạn, thậm chí què cụt… Khi thế giới đã “phẳng” đến như vậy, họ không sợ bị “ếch ngồi đáy giếng” – đôi khi cũng có thể khoe một tí sang chảnh hoặc muốn thể hiện “đẳng cấp”. Thế còn yêu quê hương, gia đình, bày tỏ tình yêu Tổ quốc, có không? Xin thưa, có tất; nhưng họ viết về nó khác trước, khác lắm, và đó là điều vui.
Bạn biết đấy. Hai nhăm - ba mươi năm trước thôi, nếu có một người trẻ nào đó ở độ tuổi mười tám - đôi mươi mà bỏ qua tất cả các thể loại ngắn để “quất” luôn tiểu thuyết thì thiên hạ lác mắt. Nhưng bây giờ thì nhiều, rất nhiều cây bút trẻ bắt đầu luôn với tiểu thuyết và thiên hạ, văn giới tin luôn (tôi có những người bạn rất trẻ - 9x đời giữa - họ “chơi” luôn tiểu thuyết và tôi đọc thấy “kinh” lắm). Ý tôi muốn nói rằng, nhà văn trẻ bây giờ sáng tác với đủ mọi thể loại. Thơ, đương nhiên rất nhiều, tản văn, tạp văn, tạp bút… hợp với phát biểu cảm xúc. Tiểu thuyết. Và đương nhiên rất nhiều truyện ngắn. Cũng có cả phê bình nữa. Rất nhiều thạc sĩ, tiến sĩ trẻ làm phê bình với khả năng lý thuyết và ứng dụng lý thuyết đáng nể…
Có thể nhận thấy trong nhiều sáng tác của các tác giả trẻ, sự cô đơn, trống rỗng, buồn bã miêu tả tâm lý bản thân chiếm hầu hết? Anh có thể lý giải hiện tượng này?
- Tôi đồng ý là trong sáng tác của nhà văn trẻ bây giờ có những điều như bạn nói, nhưng tôi lại thấy rằng nó không hẳn chỉ là “cái tôi thuần chất” của con người họ. Cô đơn, trống trải, buồn bã, đau đớn, thất vọng… là tất yếu có trong mỗi con người và thường thì ai cũng đều trải nghiệm. Cái trong khiết kia trước ngưỡng cửa bỗng nhiên bị đời đập cho túi bụi. Cái ước vọng kia tuột khỏi tầm tay hoặc bỗng thấy nó quá xa vời. Cũng có thể cái tử tế đã ít nhiều bị hắt hủi, cái giật mình tỉnh mộng trần gian con người thời kỹ trị đã bị bứng ra khỏi khu vườn cổ tích. Nhưng, cũng có thể, những tưởng tượng mãnh liệt quá, nó làm tê dại hết cả, đẩy người ta vào một xó… Hay, muốn chứng tỏ với đời chăng?... Dù thế nào, theo tôi, sau “băm”, chắc tất cả mọi điều đó nếu tiếp tục sẽ “sâu” hơn, phổ quát hơn…
Miêu tả cuộc đời vì sao lại thường là bế tắc, trong khi tuổi đời các tác giả còn trẻ?
- Điều này theo tôi không phải của riêng người trẻ bây giờ. Tôi không lấy ví dụ quá xa, hẳn bạn không quên Chế Lan Viên đã gào rợn người thuở mười bảy tuổi, Huy Cận sầu nhất đời mình cũng ở quãng đó, Hàn Mặc Tử nữa, thốc tháo nôn mửa rồi quằn quại trong vũng trăng máu vào cái tuổi hoa niên… Nhiều, rất nhiều, tôi không thể thống kê hết… “Cái chất sống” kia từng bừng sôi, có thể lắm đã sớm mong manh một dự cảm về một “cái tàn ác” lấp ló xa xăm đâu đó nhăm nhe hủy hoại, chôn vùi, biết đâu cái tơ giăng bất đồ đứt phựt chăng? Mà, xét cho cùng, đó chính là “những suy tư thái quá” của một nhà văn đích thực…
Vậy chất văn của các tác giả trẻ thì sao? Họ có tìm kiếm phong cách riêng không hay chỉ đắm chìm trong cảm xúc phủ mờ bóng tối thưa anh?
- Tôi từng bắt gặp cái “chất văn” đó (như cách nói của bạn) ở những nhà văn trẻ làm tôi sững sờ. Nhưng, đồng thời tôi cũng nhận rõ, ngay cả chính cái “chất văn” đó ở những người trẻ bây giờ cũng khác xưa lắm. Nó “Tây” một chút (có thể như thế). Cũng có khi nó lý tính hơn, kiểu như cảm xúc đã được lọc kỹ qua lý trí. Ngay cả khi cần phải “gào thét”, hoặc cần phải “sến sẩm” nó cũng có chút gì như mỉa mai, giễu nhại, hay là uy-mua đen… Ở chính thứ dễ “cảm xúc” nhất như tản bút, thì cái rưng rưng của kỷ niệm hay cái khắc khoải trông chờ, dự cảm cũng dễ dàng buông tơ một dửng dưng nào đó, hoặc “đục trắng” giữa những chữ, những dòng một cách không cố ý.
Nói về phong cách, không cần phải bàn cãi gì hết, nhiều nhà văn trẻ hiểu nó sâu sắc từ rất sớm, thậm chí có người hiểu và ý thức viết nó ngay từ khi mới bắt đầu. Không phải tất cả, nhưng nhiều nhà văn trẻ coi việc có phong cách riêng là điều cốt tử của “sự viết”. Họ theo đuổi nó một cách quyết liệt, mặc dù cũng có người ban đầu bị ảnh hưởng từ “sự đọc”, nó mang âm hưởng dễ thấy và dễ bị qui kết là bắt chước các nhà văn lớn (thường là của thế giới). Bước vào “băm” họ tạo được phong cách riêng (tùy mức độ) không phải là hiếm: một số ở tiểu thuyết, một số ở truyện ngắn (chủ yếu ở hai thể loại này). Tôi cũng từng bắt gặp một ít nhà văn trẻ “kiêu” vì có được điều này. Cá nhân tôi không mếch lòng khi chạm phải điều đó. Tôi vui với họ, thầm chúc mừng họ, và theo tôi họ có quyền như vậy…
Theo anh, nên làm gì để văn học trẻ của chúng ta thực sự mang chất trẻ tươi đẹp?
- Bạn biết đấy. Bắt đầu từ mùa thu năm 2018, NXB Hội Nhà văn chúng tôi đã thực hiện đều đặn mỗi quí một số Chuyên đề văn chương mang tên “Viết & Đọc”. Tiêu chí ở đây là đăng tải những tác phẩm văn chương đích thực, mới mẻ, mang tính khai mở trong sáng tạo và cảm thụ về văn chương, cái đẹp. Tôi được phân công làm phần sáng tác trẻ. Tôi rất vui với điều này. Tôi đã giới thiệu được một số cây bút như vậy, đã có những bất ngờ hạnh phúc từ những nhà văn trẻ mà hôm trước tôi chưa hề nghe, chưa hề đọc, để rồi đọc họ, nói chuyện với họ tôi được hân hạnh tiếp kiến một nhà văn đích thực với nội tâm sâu thẳm, những tinh tế của ngôn ngữ không dễ có, đặc biệt là trong độ tuổi như vậy. Trên đất nước chúng ta thực sự đã có một thế hệ nhà văn mới tài năng. Họ xuất hiện, họ sáng tạo, họ khẳng định; họ tạo ra thời đại mới…