Thu hút FDI để tăng trưởng

Minh Phương 10/12/2019 08:00

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 11 tháng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, Báo cáo khảo sát được Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) công bố mới đây cho thấy, trong số 10 thị trường đầu tư hàng đầu đối với doanh nghiệp(DN) Nhật Bản, Việt Nam là nước có tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng nhất.

Thu hút FDI để tăng trưởng

Ưu tiên thu hút FDI vào những lĩnh vực công nghệ cao.

Tăng tốc ngoạn mục

Một tín hiệu vui khởi sắc đối với nền kinh tế Việt Nam - theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư - tính đến ngày 20/11/2019, đã có 3.478 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 28,2% số dự án so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký cấp mới 14,68 tỷ USD, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, vốn đầu tư đăng ký cấp mới giảm nhưng tốc độ giảm đã nhỏ dần so với các tháng trước. Nếu không tính các dự án lớn hơn 1 tỷ USD được cấp mới trong cùng kỳ năm 2018 thì tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 11 tháng năm 2019 tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2018. Sự “tăng tốc” còn thể hiện ở việc, trong vốn điều chỉnh, có 1.256 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký điều chỉnh 5,87 tỷ USD, bằng 79,3% so với cùng kỳ năm 2018. Hay như trong 11 tháng năm 2019, quy mô điều chỉnh mở rộng vốn của các dự án nhỏ, không có dự án tăng vốn lớn như cùng kỳ năm 2018. Còn đối với góp vốn, mua cổ phần, có 8.561 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 11,24 tỷ USD, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 35,4% tổng vốn đăng ký.

Trong khi đó, Báo cáo khảo sát được Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) công bố mới đây cho thấy, DN Nhật Bản đánh giá Việt Nam là một trong những địa điểm đầu tư rất hứa hẹn trong trung và dài hạn. Kết quả khảo sát đối với các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại thị trường nước ngoài chỉ ra rằng, tỷ lệ bình chọn Việt Nam là điểm đầu tư hứa hẹn đạt 36,4%, tăng 2,5 điểm phần trăm so với năm 2018, qua đó đưa Việt Nam từ vị trí thứ 4 lên vị trí thứ 3 trong danh sách xếp hạng của JBIC. Hiện Nhật Bản là quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam lớn nhất trong năm qua với tổng vốn đăng ký gần 8 tỷ USD. Vốn FDI của Nhật Bản chiếm 31% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp số dự án đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam tăng và đạt kỷ lục với 630 dự án, là năm thứ 4 liên tiếp tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư tại Việt Nam tăng.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, đầu tư theo hình thức góp vốn mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, năm 2017 đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,02% tổng vốn đăng ký, năm 2018 chiếm 27,78%, 11 tháng năm 2019 chiếm 35,4% tổng vốn đăng ký. Ngay trong 11 tháng năm 2019, số lượng các đoàn sang làm việc tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam tăng khá mạnh, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, có nhiều đoàn tìm hiểu cơ hội để dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Các đối tác chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore.

Gỡ khó trong tiếp cận chính sách

Thống kê cho thấy, theo địa bàn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 60 tỉnh thành phố; trong đó, Hà Nội thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký 6,82 tỷ USD, chiếm 21,5% tổng vốn đầu tư. TPHCM đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 5,48 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh.

Ông Hironobu Kitagawa - Trưởng đại diện Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam hiện nay đã khá hoàn thiện, tạo thuận lợi cho các DN nước ngoài làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng cho biết các DN Nhật Bản vẫn gặp phải những vấn đề liên quan đến chính sách pháp luật, đặc biệt là việc diễn giải các văn bản, quy định chưa thống nhất giữa các cấp. Nếu vấn đề này được giải quyết triệt để hơn thì sẽ tạo tâm lý yên tâm và thu hút đầu tư nhiều hơn nữa từ các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và các DN nước ngoài nói chung.

Từ thực tế trên cho thấy, điều cần thiết vào lúc này chính là gỡ những rào cản trong tiếp cận chính sách để thu hút FDI được đẩy mạnh, điều đó cũng đồng nghĩa với việc thúc đẩy tăng trưởng, hướng tới hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2019 như kế hoạch đã đặt ra, tạo tiền đề vững chắc cho năm 2020.

Minh Phương