Bảo tồn di sản văn hóa
Năm 2020 được Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 34, khóa X xác định chủ đề là năm xây dựng các yếu tố văn hóa đô thị. Đến kỳ họp lần thứ 17 của HĐND TP HCM vừa diễn ra mấy ngày qua, cũng một lần nữa chỉ ra sự cần thiết để nhìn lại các yếu tố văn hóa đặc thù của đô thị khi mà sự phát triển kinh tế kèm theo tốc độ đô thị “quá nóng” và có biểu hiện phát triển thiếu bền vững và cân bằng.
Nhiều di tích tại TP HCM xuống cấp. Ảnh: PL Online.
Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM lần thứ 34, khóa X vừa diễn ra đầu tháng 12/2019, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, các thành tựu kinh tế - xã hội của đô thị lớn nhất nước luôn đứng đầu về nhiều chỉ số. Điển hình, năng suất lao động của thành phố luôn ở mức cao gấp gần 3 lần cả nước; thu ngân sách vượt dự toán 3,3%; thu nhập bình quân đầu người luôn ở tốp đầu. Dù vậy, một số vấn đề văn hóa - xã hội cũng đang nảy sinh phức tạp. Theo người đứng đầu Đảng bộ TP HCM, vận tải hành khách công cộng số lượng người đi giảm 14% so với năm trước; nhiều nơi có biểu hiện lãnh đạo, cán bộ non kém, tham nhũng; tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan đến bất cập trong lĩnh vực đất đai, xây dựng. Do đó, năm 2020 cần phải có chuyển biến mạnh mẽ về các thành tố văn hóa. Cụ thể, thành phố phải xác định một số hoạt động, nhiệm vụ trong xây dựng danh mục các sự kiện văn hóa tổ chức hằng năm; triển khai xây dựng, đầu tư và nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa các cấp; tổ chức đối thoại, gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của văn nghệ sĩ, nhân dân.
Sự mất cân đối giữa phát triển kinh tế và các mục tiêu văn hóa - xã hội, cũng được các đại biểu HĐND TP HCM chỉ ra tại kỳ họp lần thứ 17 đang diễn ra. Một ví dụ được đưa ra là Đình Nam Tiến, vốn là nơi thờ sắc phong của Vua Minh Mạng nhưng bây giờ chỉ còn là khu đất trống. Nhiều ý kiến cũng đề nghị cho chủ trương xây dựng thành trường mẫu giáo hoặc nơi vui chơi văn hóa cho nhân dân tại chỗ nhưng đến nay cũng không có câu trả lời. Nhìn rộng ra công tác quản lý nhà nước về văn hóa ở TP HCM, việc sử dụng đất lãng phí, trong khi thiếu quan tâm đến các thiết chế văn hóa ở cơ sở; nắm bắt, quản lý nhà nước chưa sát với tình hình bảo quản, bảo tồn di sản tại thành phố hiện nay. Lãnh đạo một cơ quan quản lý cấp thành phố cũng thừa nhận thời gian vừa qua dù kinh tế thành phố có phát triển nhanh, gấp nhiều lần cả nước nhưng trong công tác quản lý hoạt động văn hóa thì lại khá lúng túng, gần như buông xuôi trong quản lý di sản.
Nguyên nhân trực tiếp của việc mất cân bằng trong phát triển của TP HCM, bao gồm cả sự thiếu hiểu biết, cũng như hạn chế của cán bộ quản lý văn hóa. Hệ quả là dẫn đến các sai sót, để lại niềm xót xa về cách hành xử đối với báu vật, với di sản không chỉ có ý nghĩa riêng của TP HCM mà còn là của quốc gia.
Các đại biểu dân cử tại TP HCM đề nghị năm 2020 khi lấy chủ đề về phát triển các thành tố của văn hóa, cũng yêu cầu xem lại về công tác quản lý văn hóa, chính sách văn hóa, thiết chế văn hóa ở cơ sở. Thậm chí, cần thành lập một hội chuyên về bảo tồn và dự báo các lệch chuẩn và chệch choạc trong bảo tồn di sản, trùng tu bảo tồn kịp thời các giá trị văn hóa đô thị truyền thống cũng như đang hình thành. Chính lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao TP cũng chỉ ra sự cần thiết quan tâm đến vấn đề văn hóa và các thành tố của nó, khi hiện nay các di sản văn hóa, không gian kiến trúc đô thị có phần bị biến dạng, biến mất hoặc đang bị đe dọa trước áp lực về quá trình đô thị hóa, sức ép về tăng dân số, áp lực về quỹ đất để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM.
Dù rằng ở thời đại nào cũng vậy, văn hóa luôn là thành tố phát triển chậm hơn so với kinh tế, tuy nhiên quy luật của lịch sử cũng chỉ ra việc quan tâm, cân bằng mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế luôn đem đến sự thịnh vượng và bền vững, lâu dài. Do đó, khi đã nhìn được những hạn chế, thiếu bền vững, nhưng nếu bàng quan, không kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, không ít giá trị văn hóa quý giá sẽ có nguy cơ biến mất mà không thể lấy lại được.